Rạng sáng 22/5 (theo giờ Việt Nam), cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Hàn đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden đã diễn ra và vấn đề Triều Tiên là nội dung thảo luận chính được dư luận quốc tế quan tâm nhiều nhất khi nó chiếm phần lớn thời gian của buổi họp báo chung. Với việc thông báo Đặc phái viên mới về Triều Tiên, Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nêu ra các điều kiện để có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên Mỹ - Triều trong nhiệm kỳ của mình.
Sau cuộc gặp, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đều khẳng định, việc thúc đẩy Triều Tiên quay lại bàn đàm phán hạt nhân là vấn đề cấp bách hiện nay và phi hạt nhân hóa bán đảo là mục tiêu hướng tới của cả hai nước.
Tổng thống Mỹ cho biết: “Hai quốc gia chúng tôi đều sẵn sàng can dự ngoại giao với Triều Tiên, để có được các bước đi thực tế nhằm giảm căng thẳng, tiến tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.
Còn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định: “Nhiệm vụ chung cấp bách nhất mà hai nước chúng ta phải thực hiện là đạt được phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên".
Và để bắt đầu cho những nỗ lực này, Tổng thống Joe Biden hôm 21/5 đã bổ nhiệm một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, gốc Hàn, từng làm Đại sứ tại Philippine và Indonesia – ông Sung Kim làm Đặc phái viên về Triều Tiên. Nhiệm vụ đầu tiên của ông này sẽ là xác nhận xem Triều Tiên có sẵn sàng cho đối thoại hay không.
Hiện thế giới đang rất kỳ vọng sẽ sớm có một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dưới thời Biden. Khác với tuyên bố hồi tháng 3/2021, là không có ý định gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, hôm qua (21/5), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định sẵn sàng cho cuộc gặp như vậy trong một điều kiện thích hợp. Theo ông, điều kiện đó là các nhóm cố vấn Mỹ - Triều phải làm việc trước tiên, để đặt nền móng cho cuộc gặp; thứ hai nhà lãnh đạo Triều Tiên cần cam kết sẽ thảo luận về kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Tổng thống Mỹ khẳng định, chính sách mới của Mỹ về Triều Tiên là cách tiếp cận thực tế, không giống với chính sách gần đây của nước này và Nhà lãnh đạo Triều Tiên cần “nghiêm túc” trong đối thoại. Theo nhiều quan chức Mỹ, chính sách này sẽ khác so với thời cựu Tổng thống Barack Obama, vốn ít quan tâm đến Triều Tiên; song cũng không phải là những cuộc gặp thượng đỉnh “hào nhoáng” như thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, những yêu sách của Mỹ cần Triều Tiên làm ngay lập tức để đổi lấy việc gỡ bỏ trừng phạt đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Ngoài vấn đề Triều Tiên, tại cuộc gặp, Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc đã cùng nhau thảo luận về mối quan hệ hợp tác kinh tế, quân sự song phương, cuộc chiến chống dịch Covid-19, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mỹ cũng đã cam kết cung cấp vaccine Covid-19 cho 550.000 binh sĩ quân đội Hàn Quốc.
Chuyến thăm Mỹ được xem là một trong những nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong việc tìm kiếm phi hạt nhân hóa và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, bởi ông còn chưa đầy 1 năm nữa phải rời nhiệm sở. Ông từng được ví là “vị kiến trúc sư”, tạo ra “mùa xuân mới” cho Bán đảo Triều Tiên, khi sau hơn 1 năm lên nắm quyền, ông đã tổ chức thành công 3 Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều trong năm 2018, tạo nền tảng vững chắc cho 2 cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sau đó. Tuy nhiên, những nỗ lực đó tới nay vẫn chưa thể tạo ra “trái ngọt” khi Mỹ - Triều vẫn chưa có những “nhượng bộ” lớn với nhau trong đàm phán./.