Lee-Myung-bak.jpg

Quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản được cho là đang ở vào "giai đoạn nguy hiểm" khi Nhật Bản đang có những động thái quyết liệt nhằm phản đối việc ngày 10/8, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã tới thăm đảo Dokdo, phía Nhật gọi là Takeshima. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị cho cuộc tập trận gần quần đảo tranh chấp này.

Nhật Bản đã ngay lập tức triệu hồi Đại sứ tại Hàn Quốc về nước để phản đối chuyến thăm này của ông Lee Myung-bak. Bên cạnh đó, phía Nhật cũng đang cân nhắc đưa vụ tranh chấp quần đảo Takeshima/Dokdo ra Toà án công lý quốc tế. Trong ảnh: Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến thăm tới đảo Dokdo/Takeshima (Ảnh: Reuters).

Sáng 9/8, phiên tòa xét xử bà Cốc Khai Lai, vợ của nguyên Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai về tội cố ý giết người diễn ra tại Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Trung Quốc.

Phiên tòa đã kết thúc mà không có một bản án nào được tuyên. Giờ đây người ta đang đồn đoán xem mức hình phạt nào sẽ dành cho bà Cốc Khai Lai? Tuy nhiên, có một thực tế rằng, bà sẽ khó tránh khỏi một hình phạt nặng vì tại phiên tòa bà đã không phản bác lại cáo buộc cố ý giết người do cơ quan công tố đưa ra, điều này cũng có nghĩa rằng bà đã công nhận hành vi cố ý giết người của mình. Trong ảnh: Bà Cốc Khai Lai tại phiên toà (Ảnh: AP).

Trong bối cảnh giao tranh vẫn diễn ra ác liệt tại Syria, nhất là Aleppo, Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab đang đẩy mạnh tham vấn để bổ nhiệm đặc phái viên mới thay thế ông Kofi Annan sẽ mãn nhiệm vào ngày 31/8.

Theo nguồn tin từ các nhà ngoại giao tại Liên Hợp Quốc, nhiều khả năng nhà ngoại giao kỳ cựu người Algeria 78 tuổi, Lakhdar Brahimi sẽ được chọn vào vị trí này, và việc bổ nhiệm ông Brahimi có thể sẽ diễn ra vào tuần tới. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích chính trị, sẽ có rất nhiều khó khăn đang chờ đón đặc phái viên mới trong việc tìm ra một giải pháp khả thi nhằm mang lại hoà bình cho Syria. Trong ảnh: Thành phố Aleppo đang bị tàn phá bởi các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy (Ảnh: Reuters).

Tối 7/8 (giờ địa phương), bão Haikui đã đổ bộ vào vùng biển cách huyện Tượng Sơn tỉnh Triết Giang, đông nam Trung Quốc 135 km. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão đạt cấp 15.

Trước khi đổ bộ vào Trung Quốc, bão Haikui đã tràn qua Philippines gây ra trận lụt tồi tệ nhất ở nước này kể từ sau trận bão dữ dội cướp đi sinh mạng của hơn 400 người cách đây 3 năm. Theo chính quyền địa phương, lũ lụt tràn vào thủ đô Manilađã ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của gần 2 triệu người, trong đó 300.000 người đã phải sơ tán tới các trung tâm khẩn cấp.

Tính đến ngày 10/8, hàng chục người Philippines và Trung Quốc đã chết do mưa lũ, nhiều tuyến đường giao thông bị tê liệt. Trong ảnh: Bão Haikui kèm theo mưa lớn đã nhấn chìm nhiều vùng tại Trung Quốc trong biển nước (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ngày 10/8, Quốc hội Libya đã họp phiên đầu tiên kể từ khi chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ. Tại phiên họp đầu tiên này, Quốc hội Libya có nhiệm vụ lựa chọn Chính phủ lâm thời để điều hành đất nước cho tới khi cuộc tổng tuyển cử được tổ chức theo quy định.

Cũng  tại phiên họp đầu tiên này, tân Chủ tịch Quốc hội Libya Mohamed al-Megarief cam kết đoàn kết các tầng lớp trong nước hiện đang bị chia rẽ sâu sắc. Trong ảnh: Các thành viên Quốc hội Libya (Ảnh: Reuters).

Sau một chuyến đi dài vượt hơn 566 triệu km trong hơn 8 tháng, tàu thám hiểm tự hành Curiosity của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa vào lúc khoảng 1h32 giờ ET (6h32 giờ GMT) sáng 6/8.

Sau khi hạ cánh thành công xuống sao Hoả, tàu Curiosity đã gửi về bức ảnh đen trắng độ phân giải thấp đầu tiên thu được từ các máy ảnh gắn ở đằng sau tàu thăm dò. Curiosity sẽ bắt đầu di chuyển lần đầu trên bề mặt sao Hỏa vào tháng 9/2012 và kết quả thử nghiệm các mẫu đất đầu tiên trên sao Hỏa sẽ được gửi về vào cuối tháng đó. Nó sẽ tiến hành khoan thử để lấy mẫu đất trong tháng 10 hoặc tháng 11/2012. Trong ảnh: Đồ hoạ mô phỏng quá trình hạ cánh xuống sao Hoả của Curiosity (Ảnh: Chinanews).

Ngày 5/8, một tay súng giết chết 6 người và làm 3 người bị thương nặng trước khi bị cảnh sát tiêu diệt tại một đền thờ đạo Sikh ở thành phố Milwaukee thuộc bang miền Bắc Wisconsin. Cảnh sát địa phương mô tả vụ tấn công là một vụ khủng bố trong nước.

Sau khi xảy ra vụ xả súng, Tổng thống Mỹ chia buồn với gia đình các nạn nhân và cam kết hỗ trợ điều tra. "Văn phòng Tổng thống sẽ cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho các nhà chức trách, những người chịu trách nhiệm điều tra thảm kịch xả súng này"- Tổng thống Obama nói. Trong ảnh: Cảnh sát phong toả hiện trường vụ xả súng (Ảnh: Tân Hoa xã).