1. Tối 13/8, một đám đông giận dữ khoảng 100 người đã tụ tập trên đường phố của Milwaukee, tiểu bang Winscosins của Mỹ, la ó đập vỡ nhiều xe cảnh sát, các cửa sổ và đốt cháy nhiều xe ô tô khác. 

bt1_brfj.jpeg
Khoảng 100 người biểu tình đã tụ tập trên đường phố của Milwaukee, tiểu bang Winscosins của Mỹ. (ảnh: AP). 

Nguyên nhân của vụ bạo động này là do vào lúc 15h30’ chiều 13/8, cảnh sát Mỹ đã bắn chết một nghi phạm khi đang rượt đuổi theo nghi phạm ấy. Trước đó, cảnh sát đã yêu cầu nghi phạm dừng xe để kiểm tra giấy tờ nhưng nghi phạm đã bỏ chạy khiến cảnh sát đuổi theo và nổ súng.

Ít nhất một sĩ quan cảnh sát bị thương nặng khi bị người biểu tình quá khích tấn công bằng gạch. Người biểu tình còn đốt phá một trạm xăng và ngăn cản lính cứu hỏa tiếp cận hiện trường. 

Trợ lý cảnh sát trưởng thành phố Milwaukee cho rằng, trong trường hợp đối tượng mang theo vũ khí nguy hiểm, đe dọa đến cộng đồng thì lực lượng an ninh buộc phải nổ súng.

Hiện danh tính của nạn nhân chưa được tiết lộ, song cảnh sát xác nhận đối tượng có mang theo một khẩu súng ngắn bán tự động. Cơ quan chức năng Mỹ đã vào cuộc để điều tra. 

2. Ngày 13/8, 6 người đã bị thương trên chuyến tàu của Thụy Sỹ khi 1 người đàn ông tấn công hành khách bằng dao và chất lỏng dễ cháy. Theo cảnh sát, 3 người trưởng thành. 2 thiếu niên và 1 em nhỏ 6 tuổi đã bị thương do vết dao đâm hoặc bị bỏng. 

Hiện trường vụ tấn công. (ảnh: newspictures.ch).

Người phát ngôn cảnh sát cho biết, hung thủ là một công dân Thụy Sỹ đã đi lại trên đoàn tàu, tay cầm dao và vẩy một dạng chất lỏng nào đó. Chất lỏng đã bốc cháy và hắn cầm dao lia xung quanh, làm một số hành khách bị thương.

Trên sân nhà ga Salez loang lổ những vết máu. Các nhân viên pháp y đã tiến hành kiểm tra bên trong đoàn tàu.

Hung thủ đã bị cảnh sát bắt giữ và một cuộc điều tra hình sự đã được tiến hành. Nhà chức trách chưa nắm rõ động cơ của vụ tấn công nhưng cho biết nghi can không có gốc gác di dân.

Vụ tấn công xảy ra lúc 14h20’ (giờ địa phương) khi đoàn tàu đang gần tiến gần nhà ga Salez trên tuyến từ Buchs tới Sennwald, thuộc vùng St. Gallen. 

3. Ngày 15/8 tới đây, Ngọai trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier sẽ họp tại thành phố Yekaterinburg của Nga để thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine và Syria

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier. (Ảnh: Reuters).

Tuần qua, căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine phá hoại các kế hoạch tại Crimea, bán đảo mà Nga sát nhập từ Ukraine năm 2014. Tổng thống Nga Putin đã cáo buộc Ukraine tìm cách kích động xung đột ở bán đảo Crimea bằng các âm mưu tấn công khủng bố.

Cuộc gặp diễn ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thăm Nga thảo luận về cuộc xung đột Syria với Tổng thống Nga Putin. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên sau rạn nứt ngoại giao bắt nguồn từ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ 1 máy bay chiến đấu Nga vào tháng 11 năm ngoái. 

4. Trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng căng thẳng một cách đáng kể do những bất đồng về vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ và vấn đề nhận thức lịch sử, Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh đã thúc giục công dân nước này đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc phải quan tâm nhiều hơn đến sự an toàn của họ, nhất là trong những ngày lễ kỷ niệm 71 năm chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ 2 vào ngày 15/8 tới. 

Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh. (ảnh: Reuters).

Trong thông báo của Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh nêu rõ, trong những ngày kỷ niệm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2 vào ngày 15/ 8 và một số ngày khác trong tháng đã đánh dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Đã có nhiều công dân Nhật Bản tại Trung Quốc bị sách nhiễu, mặc dù tình trạng người Trung Quốc biểu tình dữ dội chống Nhật Bản không còn lặp lại kể từ năm 2012.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh nhấn mạnh thêm, tuy nhiên, tư tưởng chống Nhật của người Trung Quốc vẫn ngày càng tăng cao, nhất là trong thời gian gần đây khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng do vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại khu vực quần đảo Senkaku, phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, ở biển Hoa Đông. 

5. Cảnh sát Thái Lan ngày 14/8 khẳng định biết rõ “Ai” đứng đằng sau loạt vụ đánh bom tại các địa điểm du lịch của nước này mấy ngày vừa qua.

Phát biểu với các phóng viên, Phó cảnh sát trưởng Thái Lan Pingmu-guang tuyên bố, các vụ tấn công liên hoàn gây nhiều thương vong vừa qua là hành động mang tính “phá hoại bản địa”, hoàn toàn không liên quan đến khủng bố. Ông Pingmu-guang nhấn mạnh, ở Thái Lan không có tổ chức hay nhóm khủng bố nào. 

Hiện trường một vụ đánh bom tại Thái Lan. Ảnh AP.

Không cung cấp thông tin cụ thể về động cơ đằng sau các vụ đánh bom cũng như tên tổ chức, cá nhân liên quan, tuyên bố vừa nêu của Cảnh sát Thái Lan được xem chỉ là sự trấn an người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng, các vụ tấn công bằng bom không phải là do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hay nhóm khủng bố nào thực hiện. 

6. AFP và Tân Hoa Xã đưa tin, ngày 13/8, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã có lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng trong ngày sinh nhật lần thứ 90 của ông tại nhà hát Karl Marx ở thủ đô La Habana. Ngồi bên cạnh Fidel là người em trai, Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. 

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro (trái) và Chủ tịch Cuba Raul Castro - em trai ông. (Ảnh: AFP/TXVN). 

Theo nhật báo chính thức Gramma, ông Fidel Castro có mặt tại buổi lễ vào khoảng sau 6h tối (giờ địa phương) trong bộ quần áo thể thao thường thấy.

Khoảng 5.000 người tham dự sự kiện được phát sóng trực tiếp trên truyền hình này đã nhiệt liệt hoan nghênh nhà lãnh đạo vĩ đại của Cuba.

Ông Fidel Castro không xuất hiện trước công chúng kể từ tháng Tư năm nay./.