1.Ngày 29/10, hàng nghìn người dân Hàn Quốc đã đổ ra đường phố ở thủ đô Seoul yêu cầuTổng thống Park Geun-hye từ chức. Động thái này diễn ra sau khi bà Park Geun-hye ra lệnh cho 10 thư ký cấp cao từ chức liên quan tới vụ bê bối bà để người bạn thân lợi dụng mối quan hệ thân thiết để trục lợi.

park_jxeq.jpg
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye công khai xin lỗi người dân về bê bối chính trị vừa qua. Ảnh Yonhap

Các vụ biểu tình diễn ra trong bối cảnh các công tố viên Hàn Quốc đã mở rộng điều tra khi tiến hành lục soát nhà và văn phòng các cố vấn cấp cao của bà Park Geun-hye để xem liệu họ có vi phạm luật pháp hay không khi cho phép bạn thân lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye là bà Choi Soon-sil gây ảnh hưởng quá lớn lên các doanh nghiệp lớn để hưởng lợi tài chính.

Tổng thống Park Geun-hye đang phải đối mặt với sức ép rất lớn sau khi ngày 25/10, bà thừa nhận và chính thức nói lời xin lỗi vì đã tiết lộ nhiều bài phát biểu và tài liệu cho người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil.

Nhằm trấn an dư luận, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 28/10 cho biết, Tổng thống Park Geun-hye đã yêu cầu một số quan chức cấp cao trong Nội các của bà phải từ chức và bà cam kết sẽ cải tổ Nội các trong thời gian tới.

Văn phòng Tổng thống cũng cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan công tố trong hoạt động điều tra liên quan những cáo buộc người bạn thân của bà gây ảnh hưởng không phù hợp đối với bà. 

2.Kết quả thăm dò của Reuters/Ipsos ngày 29/10 cho thấy, bà Clinton đang dẫn trước tỷ phú Trump 15% điểm trong các cuộc bỏ phiếu sớm.

Bà Clinton đang nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri Mỹ hơn ông Trump. Ảnh: AP

Mặc dù còn 9 ngày nữa mới đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhưng tại một số bang, các cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm. Reuters/Ipsos đã tiến hành thăm dò các cử tri đi bỏ phiếu sớm trong 2 tuần qua. Theo đó, bà Clinton thắng lớn tại các bang như Ohio và Arizona cũng như tại các bang được cho là căn cứ chiến lược của Đảng Cộng hòa là Georgia và Texas. Ước tính có khoảng 19 triệu người dân Mỹ đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử, chiếm khoảng 20% số cử tri.

Giành được nhiều phiếu ủng hộ được cho là một tin tức tốt lành đối với chiến dịch vận động của ứng cử viên Clinton trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 8/11 tới.

Tuy nhiên, hiện cũng có nhiều lo ngại cán cân cuộc đua sẽ bị thay đổi, khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở lại cuộc điều tra về việc bà sử dụng hòm thư cá nhân trong thời gian giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Tuy nhiên, bà Clinton tự tin cho rằng, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sẽ không tìm được các sai phạm trong cuộc điều tra này.

3. Lực lượng an ninh Iraq ngày 29/10 tiếp tục giải phóng một thị trấn khỏi tay IS tại phía Nam Mosul. Cảnh sát liên bang và các đơn vị bán quân sự đã giải phóng thị trấn Shoura, cách Mosul 30 km về phía Nam, giương cao lá cờ Iraq tại tòa nhà Chính phủ sau các cuộc giao tranh ác liệt với những tay súng IS. Quân đội với sự hỗ trợ của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu cũng tham gia vào cuộc chiến này.

Nhóm binh sĩ Iraq tham gia chiến dịch chống IS. Ảnh: Reuters

Tổng tham mưu trưởng quân đội Iraq ông Othman Al-Ghanimi cam kết sẽ thực hiện một cuộc chiến “sạch”, nghĩa là cố gắng giảm số dân thường thiệt mạng do xung đột, đồng thời đưa ra các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng.

Ông Othman Al-Ghanimi cho biết: "Chúng tôi đã đưa ra các cảnh báo đến người dân địa phương và rải truyền đơn khẳng định rõ ràng, quân đội đang tiến vào để giải phóng họ khỏi nhóm cực đoan và đảm bảo an toàn cho họ. Chúng tôi sẽ giải phóng tất cả trẻ em, phụ nữ, người già. Lực lượng quân đội sẽ đảm bảo an toàn cho họ trong quá trình sơ tán và tránh những thương vong không cần thiết”.

Lực lượng bán quân sự Iraq cùng ngày cũng mở chiến dịch nhằm giành quyền kiểm soát thị trấn Tal Afar từ IS và cắt các tuyến tiếp viện cho lực lượng thánh chiến này từ Mosul của Iraq tới Syria.

4.Ngày 29/10, Bỉ đã chính thức ký thông qua Hiệp định Thương mại và kinh tế toàn diện (CETA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada.

Điều này sẽ mở đường cho lễ ký kết chính thức Hiệp định lịch sử này giữa Liên minh châu Âu và Canada sẽ diễn ra trong ngày hôm nay (30/10), qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai đối tác lớn trên thế giới.

Ảnh minh họa: AP

Lễ ký của nhà chức trách Bỉ diễn ra một ngày sau khi Nghị viện vùng Wallonia của Bỉ thông qua Hiệp định Thương mại và kinh tế toàn diện (CETA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada này, qua đó chấm dứt việc phản đối vốn có nguy cơ khiến Hiệp định này bị hủy bỏ.

Tham dự lễ ký có Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders và Ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu Cecilia Malstrom. Ngoại trưởng Bỉ đã ký vào bản phụ lục của Hiệp định, được cho là giải quyết những quan ngại rằng nội dung của Hiệp định có thể bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời giúp trấn an những người nông dân Bỉ có thể yên tâm hơn khi tham gia hiệp định.

Phát biểu tại lễ ký, Ngoại trưởng Bỉ Reynders nhấn mạnh: “Đây là một Hiệp định vô cùng quan trọng với Canada và tôi cho rằng nó cũng là một hiệp định tốt nhất kể từ ngày thành lập Liên minh châu Âu đến nay, với nhiều quy định mang tính tiêu chuẩn cao. Tôi hài lòng khi thấy rằng, sau khi Bỉ thông qua văn kiện, Canada và Liên minh châu Âu có thể ký văn kiện trong những giờ tới”.

Như vậy, Bỉ là thành viên sau cùng trong 28 nước thành viên Liên minh châu Âu thông qua Hiệp định thương mại này. Điều này sẽ mở đường cho lễ ký kết chính thức Hiệp định lịch sử này giữa Liên minh châu Âu và Canada, dự kiến diễn ra trong ngày hôm nay, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai đối tác lớn này trên thế giới.

5.Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 29/10 kêu gọi Anh cùng có trách nhiệm với người tị nạn ở Calais. Tuyên bố trên được ông Hollande đưa ra sau khi Pháp giải tỏa khu trại tạm tự phát của những người nhập cư ở thị trấn miền giáp với nước Anh này. 

Cảnh sát Pháp tiến vào dỡ bỏ khu trại tị nạn ở Calais. Ảnh: AP

Theo quy định của Liên minh châu Âu, Anh cần phải tiếp nhận những trẻ em không có người thân hay người giám hộ đi kèm. Tuy nhiên, tính đến ngày 27/10, phía Pháp cho biết Anh mới tiếp nhận 274 trẻ em trong nhóm tị nạn ở Calais.

Đây là nơi tạm trú của hơn 6.000 người nhập cư và tị nạn mong muốn từ Pháp sang Anh với hy vọng được hưởng phúc lợi tốt hơn. Tổng thống Hollande cho biết, ông đã thảo luận với Thủ tướng Anh Theresa May và gửi bà thông điệp rằng, nước Anh cũng cần nhận lấy phần trách nhiệm đối với những trẻ em từ khu trại của người nhập cư ở Calais.

Theo ông Hollande, khoảng 5.000 người đã được di tản khỏi Calais và có tới 1.500 trẻ em, thanh thiếu niên không có người đi kèm đã được đưa đến các trung tâm tiếp nhận.

Tổng thống Hollande nêu rõ: “Tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Anh còn Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cũng đã thảo luận với người đồng cấp Anh để nước này có thể đến những trung tâm đó, đón những trẻ em và thanh thiếu niên tị nạn, nhận lấy trách nhiệm chia sẻ trong vấn đề này và đưa họ sang Anh”.