1. Ngày 12/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên tiếng kêu gọi Mỹ rút lực lượng đặc nhiệm khỏi quần đảo Mindanao, phía Nam Philippines.

Reuters dẫn lời ông Duterte khẳng định, sự hiện diện của lực lượng này sẽ chỉ khiến cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf tại khu vực này- vốn nổi tiếng với nhiều vụ chặt đầu các con tin phương Tây- trở nên phức tạp hơn. 

obama_duterte_339d1e4ac52d4f4aa2fdc82551c8da05_rqyt.jpg
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama. (ảnh: rappler.com).

Theo ông Duterte, trong thời điểm Philippines tăng cường các chiến dịch chống lại phiên quân Abu Sayyaf hiện nay, thì những người Mỹ đang có mặt tại Mindanao sẽ trở thành những mục tiêu hàng đầu mà Abu Sayyaf nhắm đến.

Ông Duterte nhấn mạnh: “Họ [nhưng binh sĩ Mỹ-ND] phải chấp nhận rời đi. Tôi không muốn gây rạn nứt quan hệ với Mỹ nhưng họ phải rời đi. Chúng [Abu Sayyaf-ND] sẽ tìm cách bắt cóc họ để đòi tiền chuộc và sẵn sàng chặt đầu họ nếu không được thỏa mãn”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía Philippines về việc Tổng thống Duterte kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Mindandao. Theo ông Kirby, Mỹ vẫn duy trì cam kết với các đồng minh trong khu vực. 

2. Lệnh ngừng bắn tại Syria do Nga và Mỹ làm trung gian, chính thức có hiệu lực lúc 19h (giờ địa phương - tức 23h đêm 12/9 - giờ Việt Nam) trên khắp lãnh thổ Syria, trừ các khu vực do lực lượng thánh chiến Hồi giáo kiểm soát. 

Ngay khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, quân đội Syria đã thông báo ngừng mọi hoạt động quân sự trong vòng 7 ngày. Quân đội Syria cho biết: quá trình ngừng các hoạt động quân sự bắt đầu vào lúc 23h đêm 12/9 và kéo dài đến 4h sáng 19/9 trên lãnh thổ Syria. 

Trước đó, Chính phủ Syria cũng đã nhất trí với thỏa thuận này, coi đây là cách tốt nhất để đạt được sự ngừng bắn và chấm dứt bạo lực. Trong khi đó, lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA), nhóm đối lập lớn tại Syria, nhận được sự ủng hộ của các nước phương Tây cho biết sẽ hợp tác tích cực nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn.

Nga và Mỹ, hai quốc gia bảo trợ cho thỏa thuận cũng đã lên tiếng sau khi thỏa thuận trên có hiệu lực. Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đây là "cơ hội cuối cùng cho hòa bình ở Syria". 

3. Ngày 13/9, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim và đặc phái viên của Hàn Quốc phụ trách các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Kim Hong-kyun đã gặp gỡ tại Seoul để thảo luận các biện pháp đối phó sau vụ thử hạt nhân thứ 5 của Triều Tiên

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim (trái) và đặc phái viên của Hàn Quốc phụ trách các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Kim Hong-kyun. (ảnh: AP).

Mỹ đã khẳng định tăng cường hợp tác và ủng hộ đồng minh Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên sẽ không tránh được trừng phạt mạnh mẽ sau vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay. 

Theo nguồn tin Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, trong cuộc gặp, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim và đặc phái viên của Hàn Quốc phụ trách các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Kim Hong-kyun đã nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ để tăng cường sức ép và trừng phạt nhằm vào Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. 

Vụ thử hạt nhân thứ 5 Triều Tiên thực hiện tuần trước đã khiến Mỹ cùng các đồng minh không khỏi lo ngại về công nghệ và khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. 

Mỹ quyết trừng phạt Triều Tiên

VOV.VN - Mỹ đã khẳng định tăng cường hợp tác và ủng hộ đồng minh Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên sẽ không tránh được sự trừng phạt mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.

4. Trong bối cảnh chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đang bước vào giai đoạn nước rút, kết quả các cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 12/9 cho thấy, ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa đang có những cú “tăng tốc ấn tượng” và chiếm ưu thế trước đối thủ của Đảng Dân chủ Hillary Clinton tại một số bang. 

Tỷ phú Mỹ Donald Trump và bà Hillary Clinton. (Ảnh: AP).

Trong khi đó, vấn đề sức khỏe của bà Clinton cũng là một trong những nội dung công kích của Đảng Cộng hòa vào thời điểm hiện nay. 

Kết quả cuộc thăm dò dư luận của trang mạng UtahPolicy.com cho thấy, tỷ phú Trump đã bất ngờ dẫn trước bà Hillary Clinton tới 15% số phiếu ủng hộ tại tiểu bang miền Tây Utah và đây là khoảng cách dẫn điểm lớn nhất ông Trump có được tại một tiểu bang. Cụ thể, ông Trump nhận được 39% số phiếu so với 24% của bà Hillary. 

Vấn đề sức khỏe của bà Clinton mấy ngày qua cũng đang trở thành tâm điểm của cuộc bầu cử Mỹ. Bà Clinton đã phải hủy chiến dịch vận động ở bang California sau khi có dấu hiệu sức khỏe kém tại sự kiện tưởng niệm vụ khủng bố 11/9. 

5. Tại nhiều quốc gia ở châu Á, người dân đang tưng bừng chuẩn bị đón tết Trung thu. Ở Trung Quốc, Trung thu là dịp lễ quan trọng thứ hai sau Tết Nguyên đán và cũng được coi là Tết đoàn viên vì người Trung Quốc rất xem trọng sự sum họp của gia đình trong dịp này.

Bánh nướng và bánh dẻo là hai loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu của người dân nước này. Tết Trung thu năm nay, người dân thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã tạo ra chiếc bánh trung thu lớn nhất từ trước đến nay với đường kính 2,4 mét. 

Bánh nướng truyền thống được dùng trong ngày lễ Trung thu. (ảnh: ITN).

Trên bề mặt bánh có dòng chữ nổi ghi “Chúc mừng lễ hội Trung thu”. Hàng trăm người đã đến chiêm ngưỡng và thưởng thức hương vị đặc biệt của chiếc bánh này.    

Tại Hàn Quốc, Trung thu được gọi là ngày Chuseok – Lễ tạ ơn. Ngày này ở Hàn Quốc được coi là ngày lễ chính thống. Người dân xứ sở kim chi thường được nghỉ 3 ngày để chào đón và chuẩn bị cho ngày Tết Chuseok. Một loạt các sự kiện văn hóa lớn được tổ chức trong dịp này để người dân cùng khách tham quan có thế tham dự.

Người dân Malaysia cũng đang háo hức với dịp rằm tháng 8 này. Bánh trung thu, đèn lồng được bày bán khắp nơi. Các khu vui chơi, mua sắm đều có những hoạt động thú vị phục vụ khách tham quan./.