1.Đây là chiến thắng oanh liệt nhất của các lực lượngquân đội Iraqkể từ năm 2014, khi IS chiếm được nhiều thành phố chiến lược tại quốc gia này.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số tòa nhà chính quyền trong thành phố mà lực lượng chống khủng bố Iraq chưa thể xâm nhập do IS đã cài chất nổ xung quanh trước khi rút đi.

iraq_bmje.jpg
Binh sĩ Iraq tại Ramadi. Ảnh Reuters

Dù vẫn còn một nhóm nhỏ các tay súng IS ở lại Ramadi, các lực lượng quân đội Iraq cho biết, họ không còn gặp phải bất kỳ một sự kháng cự nào và giới chức nước này cũng đã bắt đầu chúc mừng chiến công giải phóng thủ phủ của tỉnh Anbar này.

Người phát ngôn của lực lượng chống khủng bố của Iraq Sabah al-Numan tuyên bố: “Mọi chiến binh IS đều đã tháo chạy. Chúng tôi không vấp phải sự kháng cự nào cả. Chiến dịch này sắp hoàn tất” và chỉ còn đợi lực lượng đặc nhiệm rà phá hết số bom mìn còn cài lại để tạo điều kiện cho các lực lượng khác tiến vào.

Liên quân do Mỹ đứng đầu, vốn ủng hộ lực lượng Iraq trong cuộc chiến để chiếm lại thành phố Ramadi cũng lên tiếng chúc mừng thắng lợi của chiến dịch này.

“Đây là kết quả của nhiều tháng trời nỗ lực của Quân đội, của Lực lượng Chống khủng bố, Không quân, người dân địa phương, cảnh sát và các tay súng thuộc các tộc người Iraq cùng với hơn 600 đợt không kích của liên quân kể từ tháng 7 vừa qua”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Đại tá Steve Warren nói.

2.Với việc tiến hành không kích IS ở Syria, Tổng thống Nga Putin đã đạt được mục tiêu chiến lược của mình trong khi chỉ phải tiêu tốn rất ít.

Nhận định trên được chính các quan chức và chuyên gia quân sự Mỹ đưa ra ngày 27/12 và thừa nhận với chi phí như hiện nay, Nga thừa sức duy trì chiến dịch không kích của mình trong nhiều năm nữa.

Những tính toán của ông Putin đã mang lại vị thế và sự tôn trọng của phương Tây cho nhà lãnh đạo của Nga. Ảnh Sputnik News

Nhận định trên được đưa ra bất chấp việc Tổng thống Mỹ Barack Obama nhiều lần lên tiếng cáo buộc chiến dịch không kích của Nga chỉ là để bảo vệ chính thể của Tổng thống Syria Bashar al- Assad và Nga sẽ phải “vật lộn” để lo chi phí cho chiến dịch này dù nó cầm chắc thất bại.

“Một điều không thể chối cãi là nhờ có chiến dịch không kích của Nga chính thể của ông Assad đang giành được một vị thế vững chắc hơn trước”, một quan chức Mỹ nhận định.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của 5 quan chức khác của Mỹ. Họ chia sẻ rằng, chiến dịch của Nga cho đến nay là rất thành công và chi phí bỏ ra là không đáng kể.

Mặc dù vậy, các quan chức này cảnh báo, ông Putin có thể đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng nếu kéo dài chiến dịch của mình tại quốc gia Trung Đông vốn đã trải qua hơn 4 năm nội chiến này.

3.  IS đã thiết lập bộ máy để “gây quỹ chiến tranh” cho chúng, trong đó bao gồm việc buôn bán nô lệ và khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ.

Thông tin chi tiết về bộ máy này, bao gồm cả danh tính của một số chỉ huy của IS và những quy định pháp luật dưới dạng các điều lệ về tôn giáo mà chúng đưa ra đều được ghi rõ trong các tài liệu mà lực lượng đặc nhiệm Mỹ thu giữ trong cuộc đột kích hồi tháng 5 ở Syria nhằm tiêu diệt “trùm tài chính” của IS Abu Sayyaf.

Phiến quân IS. Ảnh AP

Các quan chức Mỹ ngày 28/12 cho biết, những tài liệu này đã giúp họ hiểu sâu hơn về tổ chức khủng bố vốn rất giỏi kiểm soát những vùng đất mà chúng chiếm được.

Theo họ, những tài liệu này đã “rọi ánh sáng” vào sự trỗi dậy của một tổ chức vốn chỉ là một nhóm phiến quân nhỏ bé nhưng nay đã sở hữu một bộ máy cực kỳ phức tạp và tinh vi để quản lý nguồn thu nhập của mình thông qua việc buôn lậu dầu mỏ, bán cổ vật và buôn nô lệ…

“Tài liệu này làm sáng tỏ mọi thứ bao gồm cơ cấu tổ chức, các chỉ huy và hội đồng của IS”, ông Brett McGurk, Đặc sứ của Tổng thống Mỹ Barack Obama về liên quân do Mỹ đứng đầu chống IS, chia sẻ.

Theo đó, một diwan (chức vụ tương đương với một Bộ trưởng) của IS sẽ chịu trách nhiệm về việc khai thác các nguồn tài nguyên, bao gồm dầu mỏ và các cổ vật. Trong khi một diwan khác lại phụ trách việc buôn bán nô lệ.

“IS đã sáng tạo ra một Nhà nước Hồi giáo phức tạp hơn rất nhiều so với bất kỳ một tổ chức Hồi giáo cực đoan nào khác. Chúng tạo ra một bộ máy chính quyền thực sự không chỉ để kiểm soát những thành phố lớn và các vùng lãnh thổ mà chúng chiếm được mà còn để phô trương hình ảnh của mình”, ông Aymenn al-Tamimi một nhà nghiên cứu tại tổ chức Diễn đàn Trung Đông nhận định.

4. Những trận bão lớn gây ra lũ lụt và lốc xoáy cuối tuần qua đã làm đổ nhiều tòa nhà lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.

Tại Mỹ, ít nhất 41 người đã thiệt mạng trong các trận lũ lụt và lốc xoáy tại khu vực miền Trung và Nam trong kỳ nghỉ Giáng sinh.

Một căn nhà ở Alabama (Mỹ) tan hoang sau bão. Ảnh Reuters

Những trận bão lớn gây ra lũ lụt và lốc xoáy cuối tuần qua đã làm đổ nhiều tòa nhà lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người dân ở khu vực miền Nam và miền Trung nước Mỹ.

Khu vực Dallas ghi nhận 11 người thiệt mạng, trong khi 8 người ở thành phố Garland tử vong do lốc xoáy khi đang di chuyển trên đường cao tốc. Lũ quét tại các bang Illinois, Missouri, Tennesse và Arkcasas đã làm chết hơn 20 người.

Cơ quan quản lý khẩn cấp quốc gia Mỹ cho biết, trong một hai ngày tới, khu vực miền Trung và Nam nước này có thể sẽ hứng chịu thêm một số cơn bão lớn có thể gây ra lốc xoáy nguy hiểm.

Theo các chuyên gia, do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, nên các trận lốc xoáy, lũ quét vốn chỉ xuất hiện vào mùa Xuân và mùa hè, song đã xảy ra và gây thiệt hại nặng nề vào mùa Đông năm nay ở Mỹ.

5.Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 28/12 đã đạt được thỏa thuận quan trọng về việc giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui” trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-Se khẳng định, thỏa thuận này sẽ là “một lần và mãi mãi” nếu như Nhật Bản thực thi đầy đủ trách nhiệm của mình trong vấn đề này.

Ngoại trưởng Nhật Bản (trái) và Hàn Quốc tại cuộc gặp bàn về vấn đề "phụ nữ giải khuây" ở Seoul. Ảnh AFP

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản sẽ bồi thường cho những phụ nữ Hàn Quốc bị cưỡng ép mua vui cho các binh sĩ Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 khoản tiền 8,7 triệu USD.

“Vấn đề “phụ nữ mua vui” là vấn đề liên quan đến quân đội Nhật Bản trước đây và Chính phủ Nhật Bản hiện nay cảm thấy phải có trách nhiệm với việc này”, ông Kishida tuyên bố.

Cũng theo ông Kishida, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ “lời xin lỗi và hối hận sâu sắc nhất” tới các nạn nhân./.