1. Phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (gọi tắt là PCA) được công bố công khai trên trang web của cơ quan này vào khoảng 16h chiều 12/7 (theo giờ Việt Nam) đồng thời được gửi bằng e-mail tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các nước liên quan. 

Theo đó, Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết khẳng định không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, tại vùng biển thuộc phạm vi “Đường chín đoạn”

Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết khẳng định không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử trên Biển Đông. (ảnh: PCA).

Tòa trọng tài cũng kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc. Cùng với đó, Tòa trọng tài thường trực cũng khẳng định Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ san hô ở quần đảo Trường Sa.

Sau phán quyết nói trên, chính phủ Philippines đã “khẳng định cam kết mạnh mẽ tôn trọng phán quyết được xem là cột mốc quan trọng này, coi đây là một trong những đóng góp thiết thực giải quyết tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông”. 

Về phía Trung Quốc, cả Chính phủ và Bộ Ngoại giao nước này đã lần lượt ra Tuyên bố phản đối, trong khi Người phát ngôn Bộ ngoại giao nước này còn ngang ngược đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp “cần thiết” để bảo vệ cái gọi là “lợi ích” của nước này ởBiển Đông

Tổng thống Rodrigo Duterte đã kêu gọi Nội các Philippines nhóm họp sau phán quyết của PCA. Người phán ngôn Tổng thống, Ernesto Abella cho biết, Chính phủ Philippines sẽ nghiên cứu về phán quyết này trước khi công bố chính thức.

Bên cạnh đó, các quốc gia khác trên thế giới cũng đã có phản ứng trước phán quyết cuối cùng này của PCA về vụ kiện Biển Đông. 

2.  Ngày 12/7, ít nhất 9 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương trong một vụ đánh bom khủng bố tại một khu chợ đông đúc ở thủ đô Baghdad, Iraq. 

Một người đàn ông đang thắp nến ở khu phố thương mại Karaka, nơi xảy ra vụ đánh bom. (ảnh: Reuters).

Giới chức địa phương cho biết, vụ tấn công xảy ra sáng 12/7 tại khu chợ bán rau ở phía Bắc thủ đô Baghdad, khi kẻ khủng bố cho kích nổ một quả bom cài trong một chiếc xe ô tô. 

Hiện chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm, song giới chức nước này không loại trừ khả năng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đứng đằng sau vụ việc. 

Tuần trước, thủ đô Baghdad chứng kiến hai vụ nổ bom do IS tiến hành tại khu phố thương mại Karada khiến gần 300 người thiệt mạng.

3. Rạng sáng 12/7 (theo giờ Việt Nam), một vụ xả súng tại một tòa án ở tiểu bang Michigan của Mỹ, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và một cảnh sát bị thương. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình lan rộng trên cả nước Mỹ vẫn chưa chấm dứt. 

ảnh sát Mỹ đang là mục tiêu của các vụ tấn công. Ảnh: huffingtonpost.com.

Vụ nổ súng ở tiểu bang Michiganxảy ra khi những cảnh sát địa phương đang làm nhiệm vụ ngăn chặn dòng người biểu tình phản đối việc 2 công dân da màu bị cảnh sát bắn chết tại bang Minnesota và Louisiana. 

Các nạn nhân thiệt mạng là hai nhân viên của tòa án và hung thủ đã bị tiêu diệt. Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường và tiến hành công tác điều tra. Trong một phản ứng đầu tiên, trên trang mạng cá nhân, Thống đốc bang Michigan Rick Snyder đã lên án vụ xả súng.

Ông Rick Snyder nhấn mạnh, hiện là thời điểm khó khăn đối với lực lượng thực thi pháp luật và kêu gọi người dân hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ. 

4. Tỷ phú Mỹ Donald Trump ngày 11/7 đã lên tiếng kêu gọi người Mỹ chấm dứt sự thù địch đối với các nhân viên thực thi pháp luật. Theo Yahoo, tuyên bố trên được ông Trump đưa ra trong bối cảnh 5 cảnh sát tại Dallas vừa bị sát hại trong một cuộc biểu tình của người da màu phản đối vụ cảnh sát da trắng bắn chết người da màu tại Louisiana và Minneapolis.

Tỷ phú Mỹ khẳng định, ông là một người tôn trọng pháp luật và ủng hộ việc các nhân viên thực thi pháp luật thực hiện nhiệm vụ của mình dù đã xảy ra vụ bê bối nói trên. 

Tỷ phú Mỹ Donald Trump lên tiếng bảo vệ các nhân viên thực thi pháp luật Mỹ dù đã xảy ra bê bố cảnh sát da trắng bắn chết người da màu. Ảnh Reuters.

Ông Trump cho rằng, vụ sát hại 5 nhân viên cảnh sát ở Dallas là “một vụ tấn công trực diện vào nước Mỹ”. Ông cũng cho rằng, thái độ của người dân với các nhân viên thực thi pháp luật hiện nay cũng không khác gì thái độ thù địch và quấy rối mà họ dành cho các cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Tỷ phú Trump gọi đây là “một chương nhơ bẩn” trong lịch sử nước Mỹ”.

5. Thủ tướng Anh Cameron hôm 11/7 cho biết, ông sẽ từ chức vào ngày 13/7 để mở đường cho bà Theresa May tiếp nhận chức vụ Thủ tướng trong cùng ngày. 

Nữ chính trị gia Anh Theresa May. Ảnh: bfnn.co.uk.

Ông David Cameron nói: “Tôi rất vui mừng thông báo rằng, bà Theresa May sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo. Bà là người mạnh mẽ có thể lãnh đạo đất nước chúng ta trong những năm tới, và tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ bà. Tôi sẽ chủ trì cuộc họp nội các cuối cùng vào ngày 12/7 và ngày 13/7, tôi sẽ đến cung điện Buckingham, đọc tuyên bố từ chức. Chúng ta sẽ có thủ tướng mới vào tối thứ tư”.

Hiện Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May đã chính  thức trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Cameron sau cuộc bầu chọn trong đảng Bảo thủ.

Đối thủ của bà Theresa May là Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom trước đó đã tuyên bố rút khỏi cuộc đua trở thành người đứng đầu đảng Bảo thủ và ứng viên Thủ tướng trong bối cảnh chính trị nước này trở nên phức tạp./.