1.Mục tiêu trên được trên được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra ngày 21/1 trong bối cảnh Pháp cùng ngày công bố, liên quân do Mỹ đứng đầu đã tiêu diệt được 22.000 phiến quân IS.

may_bay_zcje.jpg
Các máy bay Mỹ tham gia không kích IS. Ảnh Không quân Mỹ

“Tôi cho rằng, đến cuối năm 2016, mục tiêu của chúng tôi trong việc làm suy yếu IS ở Iraq và Syria cũng như việc chiếm lại được Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria sẽ đạt được”, ông Kerry tuyên bố.

“Chúng tôi đang đi đúng hướng và đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho IS”, ông Kerry nói.

Lầu Năm Góc dự tính, IS đã mất tới 20-30% lãnh thổ mà chúng từng kiểm soát tại Iraq và Syria, bao gồm 40% lãnh thổ chỉ riêng ở Iraq.

Ông Kerry cho biết, ông sẽ nhóm họp với ngoại trưởng 24 nước tham gia liên minh tại Rome vào ngày 2/2 để bàn thảo về chiến lược cũng như đưa ra “các cam kết mới” trong cuộc chiến chống IS.

2.Tư lệnh NATO ở châu Âu, Tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove ngày 21/1 đã chấp thuận những thay đổi trong liên minh để đối phó tốt hơn với Nga.

AP dẫn lời tướng Breedlove tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi về những vấn đề liên quan đến tính sẵn sàng chiến đấu và khả năng phản ứng nhanh trong lực lượng NATO để có thể ứng phó với mọi thách thức từ Bắc Cực đến Trung Đông và Bắc Phi”.

Tướng Không quân Mỹ Breedlove. Ảnh AP

Ngoài ra, ông Breedlove cho biết, 28 nước thành viên liên minh cũng đang cân nhắc việc thay đổi để có thể đưa ra các quyết sách về quân sự và chính trị một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn.

“Chúng ta cần phải tập trung vào mục tiêu chiến lược là bảo vệ an ninh cho NATO trước sự đe dọa của những kẻ muốn sử dụng sức mạnh của mình để phá vỡ hoặc coi thường điều này”, ông Breedlove tuyên bố.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Tướng Lục quân Czech Petr Pavel cho biết, một cuộc họp kín giữa các quan chức NATO đã diễn ra cùng ngày nhằm đưa ra những đề xuất cho Chính phủ các nước trong liên minh để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng 6 tới tại Warsaw cũng như “vạch ra đường lối giúp NATO vượt qua những khó khăn hiện nay”.

“Những đề xuất của các tướng lĩnh trong NATO sẽ được chuyển đến Đại sứ của các nước thành viên để bàn thảo trước khi Hội nghị các Bộ trưởng NATO diễn ra vào ngày 11/2”, ông Pavel nói.

Ông Pavel cũng cho biết, kể từ khi tiếp quản vị trí Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO hồi tháng 6/2015, ông đã nhiều lần cố gắng trao đổi với các tướng lĩnh của Nga nhưng đều nhận thấy “phía Nga không muốn liên lạc lại với NATO”.

3.Israel ngày 21/1 tuyên bố kế hoạch chiếm một vùng đất màu mỡ và rộng lớn tại khu Bờ Tây gần Jordan.

Trong một bức thư gửi cho Reuters, COGAT- một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng Israel- khẳng định, nước này đã quyết định “chiếm lấy vùng đất này và chuẩn bị tuyên bố khu vực này thuộc lãnh thổ của Israel”.

Một khu định cư của người Israel tại Bờ Tây. Ảnh Reuters

Khu vực mà Israel muốn chiếm rộng khoảng 154ha tại Thung lũng Jordan gần Jericho, vùng đất mà Israel đã xây dựng rất nhiều khu tái định cư trong khi Palestine lại muốn lấy làm đất của mình. Đây là khu đất rộng nhất mà Israel chiếm kể từ tháng 8/2014.

Không chỉ có vậy, Israel còn khiến EU thất vọng khi cưỡng chế phá hủy 6 công trình do các tổ chức nhân đạo của EU xây dựng tại khu Bờ Tây. Các công trình này bao gồm các khu nhà ở và vệ sinh cho những người Bedouin sống tại khu vực E1- một khu vực được coi là “cực kỳ nhạy cảm” nằm giữa Jerusalem và Biển Chết.

Israel không có ý định xây dựng các khu tái định cư tại E1 bởi điều này được coi là “vượt quá ranh giới đỏ” mà Mỹ và EU vạch ra. Thay vì thế, nước này sẽ tìm cách chia tách khu Bờ Tây và xua người Palestine ra khỏi Đông Jerusalem nơi họ dự định sẽ xây dựng thành thủ đô.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuần trước từng tuyên bố EU đang xây dựng nhà trái phép trong khu vực nói trên.

“Họ đang xây dựng nhà mà không được ai cho phép và không tuân thủ các quy định có sẵn. Rõ ràng họ muốn tạo ra một thực thể chính trị tại đây”, ông Netanyahu nói.

4. Lực lượng an ninh Somalia đã kết thúc chiến dịch truy quét những kẻ tấn công vào một nhà hàng bên bờ biển ở thủ đô Mogadishu của nước này ngày 21/1. Vụ tấn công đã làm hơn 20 người thiệt mạng.

Lãnh đạo lực lượng cảnh sát địa phương, ông Mohamed Hussein cho biết, cảnh sát đã kiểm soát được nhà hàng này ngay trước bình minh. Hiện vẫn chưa rõ trong số 20 người thiệt mạng có bao nhiêu tay súng tham gia vụ tấn công.

Thân nhân các nạn nhân trong vụ tấn công một nhà hàng ở Somalia. Ảnh Reuters

Theo ông Hussein, nhiều người bị mắc kẹt bên trong nhà hàng khi vụ tấn công xảy ra đã được giải cứu thành công.

Theo AP, các nhân chứng kể lại rằng, khi xả súng vào các khách hàng, những kẻ tấn công hô vang “Allahu akbar”, cụm từ theo tiếng Arab có nghĩa là "Thánh Alla vĩ đại".

"Chúng bắn bừa bãi vào những người ngồi gần bãi biển trước khi vào nhà hàng", nhân chứng có tên Ahmed Nur cho biết.

Trong một tuyên bố, nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Shabaab, có liên quan tới mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.

5.Cựu lính thủy đánh bộ Amir Hekmati vừa được Iran phóng thích theo thỏa thuận trao đổi tù nhân hôm qua đã trở về nhà ở bang Michigan, Mỹ.

Phát biểu với báo giới sau khi đặt chân xuống sân bay quốc tế Bishop ở thành phố Flint, bang Michigan, cựu binh Amir Hekmati 32 tuổi, gửi lời cám ơn tới những người đã giúp đỡ anh vượt qua khó khăn, thử thách trong thời gian qua.

Anh Amir Hekmati khi còn là binh sĩ lính thủy đánh bộ. Ảnh AP

“Nhiều người đã đồng hành cùng với tôi. Giờ tôi đang đứng đây, khỏe mạnh và trong tâm thế ngẩng cao đầu”.

Sau khi được Iran phóng thích, Hekmati đã được đưa đến Trung tâm Y tế Landstuhl của quân đội Mỹ đặt tại Đức, trước khi lên máy bay trở về quê hương.

Khi được hỏi về quãng thời gian hơn 4 năm bị giam giữ trong một nhà tù ở Iran, Hekmati cho biết, đó là quãng thời gian “không được tốt” nhưng chính vì được rèn luyện qua môi trường quân đội trong vai trò một lính thủy đánh bộ đã giúp anh có thể vượt qua.

Bị một tòa án Iran kết tội tử hình vào năm 2012 với tội danh làm gián điệp nhưng trong phiên xét xử lại sau đó, Hekmati được giảm án xuống còn 10 năm tù giam với tội danh nhẹ hơn.

“Tôi đã từng buông xuôi và chấp nhận sự thật rằng, mình sẽ phải mất 10 năm trong tù. Vì thế mà tôi rất bất ngờ và thực sự cảm thấy hạnh phúc khi được chứng kiến những gì mà Chính phủ đã làm cho tôi cũng như những người dân Mỹ khác”, Hekmati nói.