1. Phát biểu trước báo giới ngày 30/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: “Mỹ ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào nhằm chống lại nhóm IS và al-Qaeda. Nếu những hành động của Nga phản ánh cam kết để đánh bại các tổ chức này thì chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực đó”.

su_34_kotx.jpg
Máy bay Su-34- loại máy bay chiến đấu tham gia vào các chiến dịch không kích của Nga ở Syria. Ảnh minh họa AP

Ông Kerry cũng nói rằng, lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ không kích vào các mục tiêu của nhóm IS tại Iraq và Syria theo kế hoạch và hỗ trợ sứ mệnh quốc tế nhằm làm suy yếu và tiêu diệt nhóm IS.

Trước đó cùng ngày, Nga đã lần đầu tiên tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu của nhóm IS.

Vụ không kích này được thực hiện ngay sau khi Thượng viện Nga cho phép Tổng thống Vladimir Putin sử dụng không quân để chống lại nhóm khủng bố IS.

Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận, lực lượng không quân nước này tại căn cứ ở Latakia, Syria đã không kích trúng 8 mục tiêu của nhóm IS.

2. Kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 1/10 đưa tin, một vụ nổ bom mới lại diễn ra tại thành phố Liễu Thành, tỉnh Quảng Châu.

Theo CCTV, đây đã là vụ đánh bom thứ 2 diễn ra tại tỉnh Quảng Châu chỉ trong vòng 2 ngày qua. 

Một chiếc xe bị lật và phủ đầy đất đá sau một loạt các vụ đánh bom ở Trung Quốc. Ảnh Reuters

Trước đó, ngày 30/9 hàng loạt quả bom đã đồng loạt phát nổ khiến 7 người thiệt mạng và 51 người bị thương.  Truyền thông Trung Quốc cho biết, nhiều quả bom đã được cài tại 13 địa điểm bao gồm bệnh viện, trung tâm mua sắm, nhà tù và văn phòng chính quyền. Tuy nhiên, cảnh sát đã loại trừ các vụ đánh bom này mang động cơ khủng bố.

Vụ nổ mới nhất diễn ra tại một khu nhà dân gần đường cao tốc tại Liễu Thành. Nhà chức trách thành phố Liễu Thành cho biết, các nhân viên kỹ thuật rà phá bom mìn đã phát hiện thêm 60 túi nghi có chứa bom.

3.Lực lượng an ninh đặc biệt của Afghanistan vừa chiếm được một thành phố chiến lược Kunduz từ tay phiến quân Taliban.

Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Afghanistan Sedig Sedigqi, sau trận chiến dữ dội với lực lượng phiến quân vào sáng 1/10, quân đội nước này đã giành lại quyền kiểm soát được thành phố Kunduz.

Lực lượng an ninh đặc nhiệm Afghanistan tại khu vực ngoại ô thành phố Kunduz. Ảnh AP

Lực lượng Taliban không thể chống cự, bị thiệt hại nặng nề và tháo chạy trà trộn vào các khu vực dân cư.

Phát biểu trên truyền hình 2 ngày trước đó, Tổng thống Afghanistan Asrap Ghani đã tự tin khẳng định, do được tăng cường tiếp viện về quân lực và tài chính, quân đội nước này sẽ sớm chiếm lại địa bàn chiến lược nằm cách thủ đô Kabul khoảng 250 km về phía Bắc.

4. CIA quyết định rút một vài nhân viên khỏi Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh sau 2 vụ tin tặc tấn công để lấy thông tin của nhân viên Chính phủ Mỹ.

Các quan chức Mỹ ngày 30/9 cho biết, CIA buộc phải làm như vậy sau khi tin tặc thâm nhập vào hệ thống lưu trữ của Văn phòng Quản lý Nhân sự của Mỹ.

Lá cờ Mỹ bay trên nóc Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Ảnh Reuters

CIA lo ngại rằng, 2 vụ tấn công nói trên có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc phát hiện ra các nhân viên của CIA làm việc tại Đại sứ quán Mỹ.

Giới chức Mỹ cho biết, các vụ tấn công này bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng không tiết lộ ai đứng đằng sau vụ này.

5. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định, Nhật Bản không cử người tiến hành các hoạt động gián điệp đối với Trung Quốc.

Tuyên bố của ông Suga được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/9 ra thông cáo về việc Trung Quốc đang bắt giữ 2 công dân quốc tịch Nhật Bản vì nghi ngờ có hoạt động gián điệp tại Trung Quốc.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phản ứng vụ Trung Quốc bắt giữ 2 công dân Nhật Bản vì nghi làm gián điệp. Ảnh Reuters

Phía Nhật Bản đang tích cực thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo hộ công dân nước mình.

Tháng 5/2015, cơ quan chức năng Trung Quốc đã bắt giữ 2 người đàn ông quốc tịch Nhật Bản tại khu vực gần một căn cứ quân sự thuộc tỉnh Chiết Giang và tại thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên do tình nghi có hoạt động gián điệp./.