Ra đi chỉ là vấn đề thời gian

Theo CNN, thông tin trên được 2 quan chức cao cấp giấu tên của Mỹ chia sẻ với hãng tin này. Theo đó, sự thất vọng của ông Tillerson xuất phát từ việc Tổng thống Donald Trump không coi trọng ông và thường xuyên có những tuyên bố “đi ngược lại” với những gì ông Tillerson và các trợ lý của ông đưa ra trước đó gây khó khăn cho công việc của Ngoại trưởng Mỹ.

tillerson_lqms.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: Reuters

Một số bạn bè của ông Tillerson cũng chia sẻ quan điểm này. Theo họ, trước khi nhậm chức, ông Tillerson được cho là sẽ đảm đương tốt công việc tại Bộ Ngoại giao bất chấp những khó khăn đang chờ đón ông tại Washington.

Tuy nhiên, theo thời gian, sự bất mãn của ông Tillerson giờ đã “khó có thể che giấu nổi và ngày càng trở nên công khai”. Những người bạn của ông Tillerson cũng khẳng định rằng “họ sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu ông Tillerson sẽ từ nhiệm trong thời gian gần nhất”.

Bản thân ông Tillerson cũng không giấu diếm gì việc ông phải hết sức vất vả để có thể đảm bảo hiệu quả công việc. Thậm chí, ông từng tuyên bố ông chấp nhận làm Ngoại trưởng Mỹ vì “vợ tôi cho rằng đây là một vị trí tốt”.

Bị “trói chân trói tay” trong vấn đề nhân sự

Sự việc càng trở nên tồi tệ hơn khi Tổng thống Donald Trump ngăn cản việc ông Tillerson chỉ định một số người làm trợ lý cho mình với lý do họ từng chỉ trích gay gắt ông Donald Trump và chính sách của ông trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016.

Hơn thế nữa, Bộ Ngoại giao Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Tillerson cũng bị coi là “rệu rã” đi nhiều khi chính Ngoại trưởng Mỹ cũng không thể thuyết phục Tổng thống cần phải coi trọng công tác ngoại giao.

Ông Tillerson cũng đã tranh cãi gay gắt với nhiều quan chức Nhà Trắng, trong đó có “cánh tay phải” của Tổng thống Donald Trump và cũng là con rể của ông Jared Kushner về vấn đề nhân sự tại Bộ Ngoại giao. Thậm chí, ông Kushner từng chỉ trích ông Tillerson là “thiếu chuyên nghiệp” trong việc này.

Đáp lại, ông Tillerson cũng không ngần ngại nói thẳng với Giám đốc phụ trách nhân sự của Tổng thống Donald Trump rằng, ông không muốn Nhà Trắng “nhúng mũi” vào việc sắp xếp nhân sự của ông.

Tổng thống “gây khó dễ” trong vấn đề ngoại giao

Không chỉ không được tự quyết về nhân sự, ông Tillerson còn cảm thấy “rất khó làm việc” với một Tổng thống “rất khó dự đoán” như ông Donald Trump. Trên thực tế, nhiều lần tuyên bố của nhân vật số 1 và số 2 tại nước Mỹ đối lập nhau chan chát.

Cụ thể, trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson thể hiện quan điểm ủng hộ Qatar bằng tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập dỡ bỏ việc bao vây cấm vận đối với Qatar. Hậu quả về nhân đạo của việc này là hết sức nghiêm trọng”.

Gần như ngay lập tức, Tổng thống Donald Trump khẳng định sự ủng hộ của mình với Saudi Arabia: “Qatar có truyền thống bảo trợ khủng bố ở mức độ cao. Chính vì thế, nhiều quốc gia đã đi đến thống nhất và tiến hành trao đổi với tôi về các biện pháp trừng phạt Qatar liên quan đến những hành vi của nước này”.

Ngoài ra, ông Tillerson cũng thất bại trong việc thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Khi được hỏi về việc ông có còn muốn Mỹ vẫn là một phần trong thỏa thuận Paris hay không, ông Tillerson nói: “Quan điểm của tôi không bao giờ thay đổi”.

Ngay cả trong trường hợp ông Tillerson quyết định từ chức chỉ chưa đầy một năm sau khi nhậm chức, ông này vẫn chưa phải là người đảm nhiệm chức vụ này ngắn nhất trong lịch sử Mỹ. “Kỷ lục” đáng quên này thuộc về ông Elihu Washburne, người chỉ làm Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Ulysses Grant có 11 ngày trước khi trở thành Đại sứ Mỹ tại Pháp./.