Theo kế hoạch, 5 giếng nước lớn với tổng dung tích lên tới 27.000 mét khối sẽ được hoàn tất trong năm nay. Dự án đầu tiên tại khu vực thường xuyên bị ngập lụt Asok-Din Daeng sẽ được đưa vào sử dụng ngay trong tháng 8 tới. Biện pháp chống lụt mới ở thủ đô Bangkok này được thực hiện theo mô hình các ngân hàng nước ở Nhật Bản, theo đó, các giếng bê tông khổng lồ được xây ngầm dưới lòng đất để trữ nước khi mưa to. Các giếng này cũng được kết nối với hệ thống ống dẫn nước và cống để chứa nước lụt.
Thủ đô Bangkok của Thái Lan thường xuyên bị ngập vào mùa mưa. Ảnh: Reuters |
Thủ đô Bangkok của Thái Lan thường xuyên bị ngập vào mùa mưa và bị lụt do nước từ miền Bắc tràn vào khi thủy triều lên cao tác động đến các nhánh sông trong vùng. Trong khi đó, hệ thống cống thoát nước của thành phố đã cũ và quá nhỏ để thoát nước, trong khi tầng ngậm nước tự nhiên trong lòng đất, vốn từng giúp đối phó với lụt lội, đã bị thay thế bởi các lớp bê tông không thấm nước để làm đường và vỉa hè. Theo Phó Thị trưởng Bangkok Jakkraphan Phewngam, Asok-Din Daeng lâu nay được coi là vùng ngập lụt nặng nhất ở Bangkok do địa hình thấp, và kéo theo tình trạng tắc đường trầm trọng. Đến nay, tiến độ xây dựng ngân hàng nước ngầm ở Asok-Din Daeng đã hoàn thành được 40% và một máy bơm cỡ lớn với tốc độ 1,25 mét khối mỗi giây sẽ được lắp đặt để bơm nước qua một đường ống dài 400 mét vào giếng. Chính quyền Bangkok hy vọng sau khi hoàn thành, tình trạng ngập lụt dọc tuyến đường Asok-Din Daeng sẽ được cải thiện đáng kể. Tiếp theo dự án này, 4 giếng ngầm nữa sẽ được xây dựng tại những nơi thường xuyên bị ngập lụt khác./.