Ngày 26/3, báo chí Thái Lan có nhiều tin, bài về triển vọng cuộc đối thoại giữa đại diện Chính phủ và đại diện các nhóm Hồi giáo cực đoan ở 3 tỉnh cực Nam Thái Lan tổ chức vào ngày 28/3 tới tại Malaysia.

thailand-conflict.jpg
Nhân viên an ninh bảo vệ hiện trường một vụ tấn công vào căn cứ quân sự gần Bacho (Ảnh: Reuters)

Theo lịch trình, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan, Tướng Paradorn sẽ dẫn đầu phái đoàn của Chính phủ gồm 15 quan chức an ninh cấp cao, đại diện chính quyền tỉnh và một số tổ chức xã hội hữu quan, tiến hành đối thoại với đại diện 9 nhóm Hồi giáo cực đoan ở cực Nam do Chủ tịch tổ chức "Mặt trận cách mạng dân tộc Pattani" (tức BRN) Hassan Taib cầm đầu. Mục đích của cuộc đối thoại lần này nhằm giảm các vụ bạo lực ở 3 tỉnh cực Nam; đồng thời gia tăng sự tin cậy giữa hai bên, làm cơ sở cho tiến trình đối thoại, thương lượng tiếp theo nhằm giải quyết hòa bình, đồng bộ vấn đề miền Nam Thái Lan.

Xu hướng đối thoại giải quyết bất ổn ở các tỉnh cực Nam theo khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật đang nhận được sự ủng hộ của đa số dư luận Thái Lan. Đáng chú ý, ngày 25/3, đại diện Hội đồng các tổ chức xã hội cực Nam đã ra tuyên bố ủng hộ đối thoại giữa Chính phủ và tất cả các nhóm Hồi giáo cực đoan tại địa phương; đề nghị các bên đối thoại trên tinh thần thiện chí, tin cậy và xây dựng, trước mắt cần chấm dứt các hoạt động vũ trang tại khu vực này.

Trong khi đó, một số chuyên gia về an ninh của Thái Lan cho rằng, với việc lựa chọn giải pháp đối thoại hòa bình, Chính phủ Thái Lan đã đi đúng hướng trong tiến trình giải quyết hòa bình, đồng bộ vấn đề bất ổn ở cực Nam. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp liên quan tới tôn giáo, sắc tộc, văn hóa và lịch sử nên tiến trình này sẽ phải mất nhiều thời gian với nhiều giai đoạn, mới có thể đạt được sự ổn định và phát triển bền vững cả về an ninh, chính trị - xã hội và kinh tế ở khu vực./.