Ngày 26/6, báo chí Thái Lan đưa tin và có một số bình luận đáng chú ý về phản ứng của chính giới cũng như dư luận xã hội nước này về việc Mỹ và Liên minh châu Âu tuyên bố cắt giảm quan hệ song phương với Thái Lan vì lý do xảy ra đảo chính quân sự.

Trong ngày 25/6, đại diện Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia của Thái Lan, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã bày tỏ "sự thất vọng" về việc Liên minh Châu Âu (EU) tuyên bố cắt giảm quan hệ, hợp tác với Thái Lan.

thailan1_jnab.jpgQuân đội Thái Lan được triển khai để đảm bảo an ninh ở Bangkok (Ảnh: AFP)

Trước đó, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ đã cắt khoản viện trợ quân sự 4,7 triệu USD cho Thái Lan; đồng thời xem xét khả năng chuyển cuộc tập trận chung hàng năm mang tên "Hổ mang vàng" giữa Mỹ và Thái Lan sang nước khác, nếu tình hình Thái Lan diễn biến xấu sau cuộc đảo chính quân sự ngày 22/5.  

Lãnh đạo Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia cũng kêu gọi Mỹ và EU xem xét bãi bỏ các biện pháp cắt giảm quan hệ, hợp tác với Thái Lan. Đồng thời, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia chỉ đạo tất cả các bộ, ban ngành hữu quan của Thái Lan tăng cường các hoạt động giải thích với các nước và dư luận quốc tế về lộ trình cải cách cũng như khẳng định cam kết của ban lãnh đạo đảo chính là sớm đưa Thái Lan trở lại chế độ dân chủ và tổng tuyển cử; tôn trọng các thỏa thuận hợp tác quốc tế và khu vực.

Ban lãnh đạo đảo chính ở Thái Lan lấy làm lo ngại về sức ép quốc tế gia tăng. Tuy nhiên, Đại tướng Prayuth, người đứng đầu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia cho rằng, việc một số nước phản đối đảo chính ở Thái Lan là không thể tránh khỏi; song Thái Lan vẫn cần thiết phải thúc đẩy nhanh tiến trình cải cách đất nước nhằm giải quyết sự bất ổn và trì trệ kéo dài nhiều năm qua.

Trong khi đó, dư luận xã hội Thái Lan quan tâm tới những tác động ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra đối với chính trị - kinh tế của nước này. Một số nhà phân tích chính trị Thái Lan nhận định, các biện pháp cắt giảm quan hệ của Mỹ và phương Tây nhằm phản đối đảo chính quân sự sẽ làm xấu đi hình ảnh, uy tín chính trị của Thái Lan.

Trước mắt, các biện pháp này chưa gây nhiều thiệt hại cho kinh tế, thương mại, du lịch của Thái Lan; song về trung hạn và dài hạn, kinh tế Thái Lan sẽ bị tổn thất đáng kể, nhất là việc hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan sang Mỹ và EU sẽ gặp khó khăn vì có thể bị Chính phủ các nước này cắt giảm các ưu tiên về thuế quan; đồng thời các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể sẽ xem xét lại kế hoạch đầu tư dài hạn vào Thái Lan hoặc chuyển cơ sở sản xuất sang các nước khác trong khu vực.

Theo các nhà nghiên cứu của Thái Lan, sức ép của quốc tế mặc dù không tác động mạnh tới công việc nội bộ của nước này; song Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia cũng phải chú trọng giải quyết tích cực vấn đề này, vì trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Thái Lan không thể "bế quan tỏa cảng" và cũng không thể đi ngược xu thế phát triển của thời đại cả về chính trị - xã hội và kinh tế./.