Tân Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe có bài phát biểu trước toàn dân chỉ một ngày sau khi ông có buổi làm việc với đại diện của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á để thảo luận các gói giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế tại đất nước này. Trong lần xuất hiện trước công chúng chính thức đầu tiên, Thủ tướng Sri Lanka đã điểm lại tình hình kinh tế đất nước hiện tại và khẳng định những thách thức lớn nhất vẫn còn ở phía trước.

Ông Ranil Wickremesinghe nói: “Một vài tháng tới sẽ là quãng thời gian khó khăn nhất với cuộc sống của chúng ta. Chúng ta phải chuẩn bị bản thân, sẵn sàng hy sinh một vài thứ và đối mặt với các thách thức trong giai đoạn này. Tôi không muốn giấu sự thật và nói dối người dân. Mặc dù những thực tế này rất khó chịu và đáng sợ, nhưng đây là sự thật đang xảy ra. Trong ngắn hạn, tương lai của chúng ta sẽ khó khăn hơn nhiều so với những quãng thời gian gian khổ mà chúng ta từng trải qua”.

Tân Thủ tướng Sri Lanka cho biết tình hình kinh tế tại nước này đang “cực kỳ mong manh”. Nếu như vào tháng 11/2019, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka có khoảng 7,5 tỷ USD, thì hiện tại, ngân hàng trung ương nước này rất khó thu xếp được 1 triệu USD. Bộ Tài chính nước này đang chật vật để tìm kiếm đủ 5 triệu USD cho nhập khẩu khí đốt.

Thủ tướng Sri Lanka Wickremesinghe cho biết, ông sẽ phải cân nhắc việc in thêm tiền mặt để trả lương cho 1,4 triệu công chức trong bộ máy hành chính và chi trả các hàng hóa thiết yếu và dịch vụ. Tuy nhiên, việc in thêm tiền mặt cũng sẽ khiến đồng nội tệ rupee tiếp tục mất giá. Theo Thủ tướng Sri Lanka, hiện dự trữ nhiên liệu của nước này chỉ đủ cho nhu cầu trong 1 ngày, trong khi việc cắt điện trên toàn quốc có thể kéo dài tới 15 giờ mỗi ngày vì không còn tiền mặt để mua nhiên liệu cho các nhà máy điện.

Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập. Tình trạng khan hiếm lương thực và nhiên liệu tiếp tục diễn ra, giá cả hàng hóa leo thang và cắt điện liên miên đang ảnh hưởng tới một bộ phận lớn trong 22 triệu người dân nước này. Khủng hoảng kinh tế khiến dân chúng Sri Lanka bất bình về cách thức điều hành đất nước của chính quyền. Các cuộc biểu tình lớn nổ ra suốt 1 tháng qua buộc Thủ tướng Mahinda Rajapaksa phải từ chức./.