Liên Hợp Quốc ước tính 490.000 dân thường Syria đang mắc kẹt trong các vùng chiến sự và đang chết đói tại những khu vực này.

Ngày 27/2, các xe tải chở hàng viên trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc đã tới khu vực Madaya gần thủ đô Damascus của Syria, một trong 7 khu vực chiến sự được chính phủ nước này cho phép tiếp cận. 

syria_pha_duong_chuyen_dau_cua_is_den_tho_nhi_ky_wxjl.jpg
Cảnh hoang tàn ở thành phố Aleppo, Syria. Ảnh: Maltatoday.

Các đoàn xe sẽ tiếp tục hướng tới các khu vực khác gần Damascus là Zabadani, Mouadamiya al-Sham và tỉnh phía Đông Bắc Idlib của Syria. Đây là những địa điểm cần nhận viện trợ nhân đạo khẩn cấp do Liên Hợp Quốc đề xuất.

Các chuyến hàng viện trợ bao gồm bột mỳ và thực phẩm giàu năng lượng. Điều phối viên Liên Hợp Quốc Yacoub El Hillo cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa hàng viện trợ tới 42.000 dân thường tại Madaya và Biquein; 20.000 người tại al-Foa và Kefraya và 30.000 người tại Mouadamiya. Tất cả các khu vực tại Syria phải được dỡ bỏ phong tỏa quân sự, bởi vì người dân thường tại những khu vực này đang phải chịu đựng và chết dần chết mòn”.

Liên Hợp Quốc đã yêu cầu được tiếp cận tự do tất cả khu vực đang diễn ra xung đột giữa các lực lượng Syria, để hỗ trợ khoảng 490.000 người dân đang bị mắc kẹt và đang có nguy cơ chết đói vì thiếu lương thực.

Tại Madaya, hàng chục người đã chết đói sau nhiều tháng khu vực này chìm trong bạo lực. Số người chết đói tại tỉnh Deir al-Zor, ở miền Đông Syria, đang nằm trong tay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, là ít nhất 20 người.

Trong khi đó, một số khu vực do phe đối lập Syria kiểm soát, lương thực đang ngày càng khan hiếm. Liên Hợp Quốc cảnh báo sẽ có thêm hàng trăm nghìn người dân Syria có thể bị cắt nguồn cung cấp lương thực nếu chính phủ Syria xiết chặt vòng vây tại các khu vực xung quanh thành phố Aleppo đang do phe đối lập kiểm soát.

Tuần trước, “Nhóm Quốc tế Ủng hộ Syria” gồm Ngoại trưởng của 17 nước cùng các phái đoàn Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế trong cuộc họp tại Munich, Đức, đã nhất trí thực thi một lệnh tạm dừng các hoạt động thù địch trên toàn lãnh thổ Syria.

Các bên cũng đã đạt được thỏa thuận nhằm tăng cường viện trợ nhân đạo tại nước này, coi đây là ưu tiên hành động hàng đầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ chưa có hiệu lực cho đến cuối tuần này khi các bên liên quan không đặt bút ký. Thêm vào đó, bạo lực gia tăng trên thực địa Syria khiến việc thực thi kế hoạch ngừng bắn này càng trở nên khó khăn.

Đến nay, các cường quốc thế giới có ảnh hưởng trong vấn đề Syria đều nhất trí rằng bàn đàm phán hòa bình về Syria ở Geneva, Thụy Sĩ, cần được nối lại “càng sớm càng tốt”.

Cuộc đàm phán đầu tiên đã sụp đổ mà nguyên nhân được cho là do những điều kiện của phe đối lập, khi tuyên bố sẽ không đàm phán cho đến khi chính phủ Syria dỡ bỏ bao vây các khu vực do phe đối lập kiểm soát. Vòng đối thoại thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 25/2 tới.

Đây được coi là nỗ lực hết sức của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 5 tại Syria, cướp đi sinh mạng của khoảng 25.000 người và đẩy nửa dân số quốc gia Trung Đông này phải chạy tị nạn tới các nước láng giềng hoặc di cư tới châu Âu./.