NATO đang bắt đầu triển khai các hệ thống tên lửa Patriot dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. 6 dàn tên lửa sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối tháng 1, với sứ mệnh ngăn chặn các cuộc bắn tên lửa, pháo kích và không kích từ nước láng giềng Syria. Nhưng liệu tên lửa Patriot có ngăn cản được xung đột tại Syria lan rộng hay đó chỉ là bước đi ban đầu, chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự ở Syria?

ten-lua-duc.jpg
Đoàn xe tải chở tên lửa Patriot của Đức (Ảnh: AFP)

Các cuộc xung đột giữa quân chính phủ Syria và các lực lượng nổi dậy đang có dấu hiệu gia tăng quyết liệt, sau khi kế hoạch hòa bình của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, chỉ nhận về những lời chỉ trích từ Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, phản ứng hờ hững của Mỹ, châu Âu và thái độ im lặng của Nga. Nó được xem là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của phương Tây muốn lật đổ chính phủ hiện hành tại Syria, đồng thời khuyến khích các lực lượng nổi dậy đẩy mạnh các chiến dịch quân sự. Máy bay quân chính phủ đã tiến hành oanh tạc một số vùng ngoại ô thủ đô Damascus, ngay sau khi một chiếc xe bị gài bom phát nổ làm 11 người thiệt mạng. Và trong bối cảnh vũ khí hóa học có thể bị sử dụng, việc NATO triển khai 6 hệ thống tên lửa Patriot dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria được xem là động thái ngăn chặn nguy cơ xung đột tại Syria có thể kéo nước láng giềng này vào cuộc chiến.

Tuy nhiên, cựu chuyên gia phân tích cấp cao của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ, James Jatras, cho rằng động thái này là một sự khiêu khích để NATO có cớ can thiệp quân sự vào Syria.

“Hiển nhiên đó là một sự khiêu khích. Điều oái oăm là Thổ Nhĩ Kỳ nói việc triển khai này là cần thiết vì biên giới của họ đang bất ổn định. Tại sao? Bởi vì chính phủ của ông Erdogan đang ủng hộ các lực lượng quân sự chống lại nước láng giềng Syria, theo đó cho phép các lực lượng nổi dậy đóng căn cứ. Đó là những lực lượng được ủng hộ, trang bị vũ khí và tài trợ bởi các nước NATO, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ. Hãy nhớ rằng, tình hình ở đây hoàn toàn khác với Libya, bởi Libya không có biên giới với bất kỳ nước thành viên NATO nào, trong khi Syria có biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ"- ông James Jatras nói.

Nước thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ, đã từng có thời là đồng minh thân cận của Syria, trước khi bất ngờ đổi bên, trở thành người ủng hộ mạnh mẽ nhất các lực lượng đối lập trong cuộc nội chiến kéo dài 21 tháng qua tại Syria.

Giáo sư trường đại học Trung Đông tại Ankara, Huseyn Bagci, cho rằng việc triển khai tên lửa Patriot tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là bước đầu trong việc can thiệp quân sự của quốc gia này vào Syria, thay vì ngăn chặn xung đột lan rộng: “Chúng ta đang có vấn đề với Iran, Iraq và Syria, và Thủ tướng chỉ mới tuyên bố cách đây 2 ngày rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng cho một cuộc chiến vì hòa bình, nếu cần thiết. Tôi nghĩ chúng ta đã đúng khi nghĩ rằng Syria là một trường hợp mà chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đã có những tính toán sai lầm. Và hôm nay, khi chính sách này không nhận được sự ủng hộ từ dư luận, nó là chỉ dấu hiệu cho thấy khả năng can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria là điều có thể”.

270 lính Hải quân Hà Lan, cùng 350 lính đặc nhiệm Đức đang trên đường cập cảng Ankara. Trong khi đó, khoảng 400 binh lính Mỹ đã chờ sẵn để cùng phối hợp triển khai 6 dàn tên lửa Patriot, với sứ mệnh ngăn chặn xung đột lan sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng, đó có thể là sự khiêu khích ban đầu thổi bùng lên một cuộc chiến xuyên biên giới, và là tiền đề cho một cuộc can thiệp quân sự thực sự.

Thổ Nhĩ Kỳ chưa thực sự sẵn sàng cho một cuộc can thiệp quân sự vào Syria. Nhưng trong bối cảnh lực lượng nổi dậy tại đây có những dấu hiệu thất thế, việc triển khai các hệ thống tên lửa Patriot tại Thổ Nhĩ Kỳ nên được xem là động thái răn đe, đồng thời làm tiền đề cho một chiến dịch quân sự trong tương lai./.