Tiếp tục chuyến thăm Trung Quốc, sáng 5/9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Bà Clinton cũng sẽ gặp Thủ tướng Ôn Gia Bảo cùng nhiều quan chức cao cấp khác của Chính phủ Trung Quốc. Dự kiến, hai bên sẽ có các cuộc thảo luận xung quanh nhiều vấn đề còn nhiều bất đồng.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Ngoại trưởng Clinton nói rằng, mối quan hệ Mỹ -Trung dựa trên một nền tảng vững mạnh, hai nước cần khai thác những thỏa thuận đã ký kết và có cả cái nhìn “mở” đối với cả những bất đồng để thúc đẩy các cơ hội giữa hai bên trong tương lai. Bà Clinton cũng cam kết làm dịu căng thẳng trong khu vực biển đang tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Trước đó, ngày 4/9, bà Clinton có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, trong đó hai bên trao đổi quan điểm về mối quan hệ Trung - Mỹ và các vấn đề khác cùng quan tâm. Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã khẳng định với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì rằng, những cam kết hợp tác trong quan hệ Mỹ- Trung vẫn là những ưu tiên lớn trong chính sách của Tổng thống Barack Obama. Điều này có thể sẽ trấn an phần nào cho những lo ngại về căng thẳng Mỹ - Trung có thể xảy ra trong bối cảnh tình hình xung đột ở Biển Đông gia tăng thời gian gần đây.
Tuy nhiên, dư luận nhìn chung nhận định, chuyến thăm lần này là một thử thách cho tài ngoại giao của bà Clinton. Ngoại trưởng Mỹ phải truyền tải thông điệp rằng, Trung Quốc “đừng nên đi quá” trong vấn đề biển Đông, đồng thời không làm tổn hại thêm quan hệ vốn đã không hoàn toàn êm đẹp giữa hai nước. Vì thế, các nhà phân tích cho rằng, bà Clinton phải tìm cách cân bằng mối quan hệ giữa một bên là đối tác Trung Quốc và bên kia là các quốc gia đang tranh chấp với nước này, trong đó có nhiều nước đồng minh thân cận với Mỹ.
Hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn có nhiều quan điểm không đồng nhất trong vấn đề này. Phía Mỹ cho rằng, cần thiết phải thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), bảo đảm an ninh và giải quyết hòa bình mọi tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982).
Trong khi đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ lặp lại sự phản đối cơ chế đa phương trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên và yêu cầu Mỹ không can dự vào các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, các quốc gia bên ngoài khu vực nên tôn trọng sự lựa chọn của các nước liên quan đến vấn đề biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Chúng tôi nghe Mỹ nhiều lần nói rằng, sẽ không can hệ đến vấn đề Biển Đông. Chúng tôi hy vọng, Mỹ sẽ thúc đẩy các lợi ích tối cao là hòa bình, ổn định và tôn trọng các cam kết của mình không can dự vào các cuộc xung đột chủ quyền trên biển trong khu vực”.
Theo kế hoạch, bà Clinton cũng sẽ gặp Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc. Dự kiến, các chủ đề sẽ được bà Clinton thảo luận với các quan chức Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến thăm này bao gồm các tranh chấp biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, cuộc khủng hoảng tại Syria, vấn đề hạt nhân Iran và các vấn đề liên quan đến thương mại./.