Trong một thông báo, Ủy ban Hạ tầng Công cộng của Sri Lanka cho biết, đây là ‘ngày đen tối’ với đất nước khi chính quyền phải công bố lệnh phân bổ điện áp dụng từ hôm nay (2/3), trong bối cảnh mà các nhà máy điện đều đã hết nhiên liệu hoạt động.

Cơ quan này cho biết, Sri Lanka không thể tìm đủ ngoại tệ để trang trải việc nhập khẩu dầu. Đợt cắt điện này là lớn nhất về thời gian tại Sri Lanka kể từ năm 1996. Khi đó, quốc gia này còn phụ thuộc vào thủy điện với 80% sản lượng điện phát đi từ hệ thống các nhà máy này. Tuy nhiên, hạn hán nghiêm trọng khiến các hồ chứa cạn kiệt, dẫn tới tình trạng cắt điện trên diện rộng.

Theo chỉ thị mới được ban hành, tất cả các cơ quan nhà nước đều phải tắt điều hòa nhiệt độ vào buổi chiều để tiết kiệm điện. Trong khi đó, các công ty xe buýt than phiền vì không thể mua dầu diesel để vận hành đội xe. Một nửa trong tổng số 11.000 xe buýt tại Sri Lanka đã dừng hoạt động. Một trong những công ty phân phối xăng dầu lớn nhất tại Sri Lanka là Lanka IOC cho biết, đã nâng giá bán xăng thêm 12% từ hôm 26/2. Trong khi đó, công ty xăng dầu nhà nước Ceylon Petroleum Corporation (CPC) cho biết đang xin phép Chính phủ để tăng giá xăng. Tuy nhiên, nhiều cây xăng tại Sri Lanka đã hết hàng và người dân rất khó mua xăng vào lúc này.

Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Udaya Gammanpila cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng tại nước này là do việc thiếu ngoại tệ. Đây được ông mô tả là ‘cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất’ kể từ khi nước này dành được độc lập từ Thực dân Anh vào năm 1948.

Trong khi đó, ngành du lịch, xương sống của nền kinh tế Sri Lanka và là lĩnh vực thu hút ngoại tệ nhiều nhất, gần như đã sụp đổ vì đại dịch Covid-19./.