Tại Singapore, ngoài cụm lây nhiễm từ quán hát Karaoke, cụm lây nhiễm từ cảng cá cho thấy nguy cơ từ các chợ dân sinh nhỏ có thể bùng phát thành những ngọn lửa lớn, với công tác truy vết gặp rất nhiều khó khăn. Mức độ nguy hiểm của biến thể Delta cũng đang khiến nhiều quốc gia châu Âu phải tái áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới.
Singapore hôm qua (25/7) báo cáo 117 trường hợp nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, bao gồm 46 trường hợp liên quan đến cụm cảng cá Jurong. Từ đầu tháng 7 tới nay, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở Singapore tăng đột biến, với nguy cơ quốc gia này đang bước vào một làn sóng lây nhiễm mới.
Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong nhận định: “Tình hình đang nghiêm trọng hơn chúng ta dự đoán, ngoài cụm lây nhiễm ở quán Karaoke, chúng ta còn đối mặt với một chùm lây nhiễm lớn hơn và có nguy bùng phát nhanh hơn là cảng cá. Hiện nguy cơ lây nhiễm từ cảng cá này đã lan sang các khu chợ dân sinh và trung tâm thực phẩm khác”.
Làn sóng Covid-19 mới cho thấy không chỉ Singapore mà nhiều quốc gia Đông Nam Á khác có một lỗ hổng lớn trong phòng chống dịch đó là cụm lây nhiễm ở các khu chợ dân sinh nhỏ. Khi tại hầu hết các điểm đến ở Singapore như trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở dịch vụ, quán Karaoke... những người đến các địa điểm này đều phải sử dụng thiết bị hay ứng dụng truy vết tiếp xúc thì tại các chợ dân sinh hay cửa hàng ăn uống nhỏ lẻ, quy định này không được áp dụng. Vì vậy, khi có ca mắc Covid-19 được phát hiện tại những địa điểm này, công tác truy vết trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, những người mắc virus ở các khu chợ dân sinh bao gồm diện đối tượng rộng hơn, trong đó có người cao tuổi, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi mắc bệnh. Ngay sau khi bùng phát các ca nhiễm, chính quyền đã yêu cầu đóng thêm nhiều khu chợ dân sinh bất chấp điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Một người bán hàng chia sẻ: “Chợ phải đóng cửa chúng tôi bị thiệt hại lớn. Tuy nhiên đây là quyết định của chính phủ và chúng tôi phải chấp hành trong bối cảnh dịch bệnh. Hiện cũng không có nhiều người đến mua tại các chợ dân sinh”.
Một bài học khác rút ra từ làn sóng Covid này tại Singapore cho thấy vaccine không phải là "tấm khiên duy nhất" để bảo vệ con người trước bệnh dịch, khi những người đã được tiêm đủ liều vaccine chiếm tới 75% ca mắc mới. Tuy nhiên bệnh tình của những người này đều rất nhẹ và không có triệu chứng, cho thấy việc tiêm vaccine có thể ngăn chặn bệnh tình diễn tiến nặng.
Giống như Singapore, nhiều quốc gia khác xác định sống chung với Covid-19 nhưng khi làn sóng mới ập đến, vệc tái áp đặt các biện pháp hạn chế vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa dịch lan rộng. Hàng loạt quốc gia châu Âu đã phải siết chặt kiểm soát biên giới trước sự nguy hiểm của biến thể Delta. Malta cấm du khách chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhập cảnh và Đức ban hành những quy định kiểm dịch nghiêm ngặt hơn đối với người đến từ Tây Ban Nha và Hà Lan. Nói rộng hơn, các nhà chức trách từ Hy Lạp đến Italy hay từ Pháp đến Bồ Đào Nha đang lấy “hộ chiếu vaccine” làm căn cứ cho một loạt hoạt động đi lại, mặc dù đa số đều né tránh việc sử dụng thuật ngữ đó do đang gây quá khích trong công chúng. Giới chính trị gia đã viện dẫn sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta làm căn cứ đưa ra các động thái hạn chế mới.
Biến thể Delta hiện đã có mặt ở 19/28 nước châu Âu với tỷ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính. Tỷ lệ này dự kiến chiếm tới 90% đến cuối tháng 8 tới.
Trong một diễn biến liên quan, theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản hôm nay (26/7) bắt đầu tiếp nhận đơn đăng ký xin cấp “hộ chiếu vaccine” cho những người đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19 để đi du lịch quốc tế.
“Hộ chiếu vaccine” thực tế là giấy chứng nhận đã tiêm chủng do chính quyền thành phố cấp miễn phí cho người dân có nhu cầu. Trên đó sẽ hiển thị các thông tin như tên tuổi, số hộ chiếu và ngày tiêm chủng của người được cấp... Những người muốn lấy chứng chỉ sẽ phải nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, đồng thời xuất trình các tài liệu bao gồm đơn đăng ký, hộ chiếu và phiếu tiêm chủng. Hiện tại, đơn đăng ký và giấy chứng nhận đang phát hành ở dạng giấy. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đang tìm cách số hóa giấy chứng nhận này.
Liên quan đến thông tin này, Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) thậm chí đã đề xuất cho những người có “hộ chiếu vaccine” có nhiều ưu tiên hơn khi tham dự các sự kiện và được giảm giá tại các nhà hàng ở Nhật Bản. Việc này được cho là sẽ làm tăng gánh nặng cho chính quyền địa phương, nơi tiếp nhận các đơn đăng ký hay là việc phân biệt đối xử với những người chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, một số nhà hàng và khách sạn ở Nhật Bản thực tế đã giảm giá cho những người xuất trình hồ sơ tiêm chủng.
Tính đến thứ Tư tuần trước, Italy, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Ba Lan đã đồng ý nới lỏng các quy tắc kiểm dịch cho những người có “hộ chiếu vaccine” của Nhật Bản. Hàn Quốc cũng sẽ chấp nhận đây là một trong những tài liệu cần thiết để miễn cho người có các yêu cầu kiểm dịch. Chính phủ Nhật Bản hiện đang đàm phán với các quốc gia khác để mở rộng việc sử dụng “hộ chiếu vaccine”./.