Theo Reuters, thông tin trên được các quan chức Mỹ tham gia tìm kiếm máy bay MH370 đưa ra ngày 15/4.

Con số ước tính trên được đưa ra ngay sau khi chiếc tàu ngầm tự hành Bluefin-21 kết thúc chuyến thăm dò dưới nước kéo dài tới 16 giờ đầu tiên của mình ngày 14/4 sau khi nó vượt quá độ sâu tối đa 4,5km và tự động nổi lên mặt nước.

Tàu ngầm tự hành Bluefin-21 được thả xuống biển (Ảnh Reuters)

Các quan chức tham gia tìm kiếm đã nhanh chóng dừng việc tìm kiếm trên mặt biển và trên không bởi họ tin rằng họ đã biết được vị trí tương đối của chiếc máy bay MH370- ở cách Perth, Australia khoảng 1.550km về phía Tây Bắc.

Tuy nhiên, việc không nhận được bất kỳ tín hiệu nào từ chiếc hộp đen của máy bay trong khi pin của chiếc hộp đen có thể đã cạn kiệt đã buộc nhóm tìm kiếm phải điều động chiếc tàu ngầm tự hành hoạt động thay cho thiết bị dò tìm hộp đen.

“Việc sử dụng tàu ngầm tự hành để rà soát một khu vực nào đó sẽ lâu hơn tới sáu lần so với việc sử dùng thiết bị dò tìm hộp đen của máy bay. Dự tính, chiếc tàu ngầm tự hành này sẽ phải mất từ 1,5-2 tháng để có thể rà soát toàn bộ khu vực nói trên”, Trung úy Hải quân Daniel S. Marciniak thuộc Hạm đội số 7 của Mỹ cho biết.

Chiếc tàu ngầm tự hành này phải mất vài giờ để có thể tải toàn bộ dữ liệu thu thập được của mình để dựng lên một hình ảnh sóng âm chi tiết của tòan bộ khu vực mà nó rà soát sử dụng một thiết bị quét sóng âm cực kỳ phức tạp.

Chiếc tàu ngầm này được kỳ vọng sẽ tái lập được thành công của mình trong việc tìm ra chiếc máy bay chiến đấu F15- rơi xuống biển ngoài khơi Nhật Bản năm ngoái.

Bluefin-21 có thể dò tìm dưới đáy biển trong vòng 16 giờ và nếu chiếc tàu ngầm này tìm thấy những mảnh vỡ nghi là của MH370, nó chụp lại ảnh của những mảnh vỡ này trong điều kiện rất thiếu ánh sáng.

Hiện tại, nhóm tìm kiếm đang tập trung vào một khu vực tương đương với một thành phố có diện tích trung bình (khoảng 600km2). Tuy nhiên, theo Chính phủ Australia, toàn bộ khu vực tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích có thể rộng tới 60.000km2.

Khu vực tìm kiếm hiện tại thuộc vùng đáy biển Zenith chưa hề được vẽ bản đồ chi tiết bởi khu vực này không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của bất kỳ nước nào.

Tuy nhiên, vùng đáy biển này chỉ gồm những vi sinh vật rất nhỏ nên “sẽ rất dễ để tìm ra các mảnh kim loại lớn”, nhà Địa chất Hải dương Robin Beaman thuộc Đại học James Cook cho biết.

“Thiết bị quét của tàu ngầm tự hành có thể nhận rất rõ sự khác biệt giữa sóng âm phản hồi từ những vật cứng và sóng âm phản hồi từ những bùn đất mềm dưới đáy đại dương. Vùng Zenith là một môi trường khá thuận lợi để tìm kiếm mảnh vỡ của máy bay MH370 bất chấp độ sâu tại đó”, ông Beaman nói.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Bluefin là vẫn duy trì khoảng cách 50m so với đáy biển để đảm bảo chất lượng tốt nhất trong việc tìm kiếm những mảnh vỡ của máy bay MH370 trong khi không vượt quá độ sâu 4,5km khiến tàu ngầm có thể bị hỏng, ông Beaman cho biết./.