Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Klaus Iohannis nói rằng đề xuất của Thủ tướng Dancila là không thể chấp nhận được và đề nghị chính phủ mới phải ra lấy lá phiếu tín nhiệm của Quốc hội. Ông mô tả chính phủ của bà Dancila trong suốt hai năm rưỡi qua là “hỗn loạn, không có năng lực, tham nhũng” và nên từ chức sau kết quả tồi tệ trong cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu hồi tháng 5 vừa qua.
Tổng thống Klaus Iohannis chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Viorica Dancila vận hành không hiệu quả. Ảnh: cotidianul.ro |
Đổ lỗi cho chính phủ gồm hai đảng trong liên minh cầm quyền trước đó là Đảng Dân chủ xã hội (PSD) của Thủ tướng Dancila và Liên minh Tự do và Dân Chủ (ALDE) đã vận hành không có hiệu quả, Tổng thống Iohannis khẳng định ông sẽ không thông qua bất kỳ đề xuất cải tổ chính phủ nào của Thủ tướng Dancila.
Đáp lại, Thủ tướng Dancila chỉ trích phát ngôn của Tổng thống đang làm bất ổn chính phủ và đề nghị người đứng đầu nhà nước đưa ra bằng chứng cáo buộc chính phủ của bà tham nhũng. Bà Dancila cũng khẳng định chính phủ thiểu số của bà không ngại đề nghị lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và sẽ cố gắng đạt đủ số phiếu ủng hộ cần thiết để chính phủ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tới hết nhiệm kỳ vào tháng 12/2020.
Liên minh Tự do và Dân Chủ đã quyết định rút khỏi liên minh cầm quyền hôm 26/8 sau tranh cãi với Đảng Dân chủ xã hội về ứng cử viên ra tranh cử chức Tổng thống trong cuộc bầu cử cuối năm nay. Không còn đối tác, Thủ tướng Dancila đang tìm kiếm sự hậu thuẫn của các đảng khác để chính phủ thiểu số của bà có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Tuy nhiên, đây là một thách thức lớn với bà Dancila khi đảng có khả năng hợp tác nhất là Đảng dân tộc người Hungary (UDMR) đã lên tiếng từ chối.
Hiện Đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Dancila có 205 trong tống số 465 ghế tại hai viện của Quốc hội, và để được thông qua, chính phủ thiểu số cùa bà cần ít nhất 25 phiếu ủng hộ nữa. Trong trường hợp chính phủ sụp đổ, Tổng thống Iohannis nói rằng một chính phủ chuyển tiếp sẽ được thành lập để tránh Romania lún sâu thêm vào khủng hoảng, đồng thời gợi ý các đảng đối lập sẽ có vai trò trong quá trình này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các đảng đối lập không mặn mà với việc thành lập chính phủ chuyển tiếp, bởi họ có thể mất sự ủng hộ trước thêm bầu cử Quốc hội vào năm tới.
Mặt khác, Thủ tướng Dancila cũng đang phải đối mặt với một thách thức khác khi Đảng Tự do quốc gia (PNL) đã đề xuất một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ và đang vận động sự ủng hộ của các đảng khác để đề xuất trên biến thành hiện thực./.