Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Quốc vương Qatar kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao với các nước vùng Vịnh.

quoc_vuong_al_thani_hinc.jpg
Quốc vương Qatar al-Thani. Ảnh: Doha News.

Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay Quốc vương Qatar Al-Thani sẽ tiến hành các thảo luận về quan hệ song phương và khu vực cũng như các diễn biến trên chính trường quốc tế. Trước đó, ngày 12/9, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã hội kiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyp Erdogan tại thủ đô Ankara trong nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ song phương giữa lúc căng thẳng vùng Vịnh vẫn chưa được tháo gỡ.

Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Quốc vương Qatar diễn ra cùng thời điểm Thủ tướng Kuwait Jaber al-Mubarak al-Sabah cũng đang có mặt tại Ankara. Kuwait hiện là nước trung gian chính cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Chính vì thế mà dư luận mong đợi chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Quốc vương Qatar sẽ tìm ra nút thắt để tháo gỡ cuộc khủng hoảng giữa Qatar với các nước Arab. 

Cho đến thời điểm này, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đã kéo dài hơn 100 ngày. Trong khi đó, những nỗ lực hòa giải dường như chưa đem lại kết quả cụ thể nào. Nỗ lực gần đây nhất diễn ra khi Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah al-Ahmad Al-Sabah thăm Mỹ và gặp Tổng thống Donald Trump hôm 7/9. Khi đó Quốc vương Kuwait cho biết, Qatar sẵn sàng thảo luận về danh sách các yêu cầu mà các nước Arab đưa ra. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, Saudi Arabia đã tuyên bố đóng băng các cuộc thảo luận và các mối tiếp xúc với Qatar.

Các chuyên gia cho rằng, có ít dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng này sẽ kết thúc sớm, bất chấp những nỗ lực trung gian từ cộng đồng quốc tế. Chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Brookings Doha, ông Nader Kabbani cho rằng, không ai có lợi từ cuộc khủng hoảng này.

“Tôi nghĩ có một lợi ích chung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng càng sớm càng tốt. Cuộc khủng hoảng này khiến các nước phải trả giá về chính trị, trong đó có cả Qatar và các nước khác trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC)”, ông Nader Kabbani nói. “Nó cũng có tác động không nhỏ cả về kinh tế và xã hội. Qatar và các nước láng giềng có mối quan hệ xã hội mạnh mẽ. Khoảng 5 đến 10% người Qatar kết hôn với các công dân đến từ Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất hay Bahrain”.

Chính vì thế, chuyến thăm của Quốc vương Qatar và Thủ tướng Kuwait tới Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, cả hai nước này muốn Ankara có vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ dường như cũng chưa quyết đoán trong vấn đề này, vì mối quan hệ với cả hai phía trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Thổ Nhĩ Kỳ là nước hỗ trợ chủ yếu cho Qatar kể từ khi căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh bùng phát vào tháng 6 năm nay, khiến Qatar bị cô lập về ngoại giao và kinh tế.

Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một tuyến đường thương mại trên đất liền đi qua Iran để vận chuyển hàng hóa, trong đó có các mặt hàng thực phẩm, tới Qatar.

Trong tháng 7 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai một đơn vị pháo binh gồm 25 binh sĩ  tới Qatar, gia nhập lực lượng gồm 150 binh sĩ đang đồn trú tại đây.

Hồi tháng 7, Tổng thống Erdogan đã có chuyến thăm các nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Kuwait và Qatar nhằm nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, chuyến thăm kết thúc mà không có bất cứ đột phá nào. Một tháng sau đó, hai nước đã tiến hành một cuộc tập trận chung mang tên "Lá chắn Sắt", trong đó có hoạt động huấn luyện các chỉ huy về khả năng đánh giá và kiểm soát tình hình trên thực địa, cũng như tăng cường hợp tác quân sự giữa hai bên.

Dù rất muốn thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, nhưng tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi Kuwait là nước chủ chốt trong việc hòa giải chứ không tự mình trở thành nước hòa giải chính. Một trong những lý do là vì Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn phá hủy mối quan hệ của mình với cường quốc khu vực Saudi Arabia./.