Trong khi đó các nỗ lực nhằm thúc đẩy đối thoại dân tộc tại quốc gia Đông Âu này dường như vẫn dậm chân tại chỗ, chưa đạt được bước đột phá nào.

Chính quyền lâm thời Ukraine hôm qua (13/5) thông báo đã có 7 binh sĩ nước này thiệt mạng và 7 binh sĩ khác bị thương trong các cuộc đụng độ tại miền Đông. Đây là vụ đụng độ đẫm máu đầu tiên được thông báo kể từ khi các khu vực ở miền Đông Ukraine tổ chức trưng cầu ý dân hồi cuối tuần qua và được xem là một tín hiệu không mấy tích cực đối với tiến trình đối thoại dân tộc mà Nga, Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu và các nhà ngoại giao phương Tây đang nỗ lực thúc đẩy.

ukraine.jpg
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động tại thành phố Donetsk, miền Đông Ukraine (Ảnh: AFP)

Trong một phát biểu tối qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Yevgen Perebiynis thừa nhận vẫn còn nhiều điểm cần làm sáng tỏ trong lộ trình hòa bình mà Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu đưa ra, như vấn đề các cuộc đối thoại bàn tròn dự kiến bắt đầu trong ngày hôm nay (14/5).

“Những gì mà Chủ tịch Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu đưa ra phần nào phù hợp với những yêu cầu của chúng tôi. Song vẫn còn một số điểm trong lộ trình hòa bình này cần phải được nghiên cứu thêm. Ít nhất là chúng tôi muốn thảo luận vấn đề này thêm một lần nữa” – ông Yevgen Perebiynis cho biết.

Trước đó, tại cuộc điện đàm tối 12/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter, đồng thời là Chủ tịch Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các nỗ lực trong khuôn khổ lộ trình đã được Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu xác định nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, bao gồm cả việc tổ chức một cuộc đối thoại dân tộc giữa chính quyền lâm thời Ukraine và đại diện các khu vực ở Đông - Nam Ukraine.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua (13/5) cũng đã tới thủ đô Kiev nhằm khẳng định sự ủng hộ đối với “cuộc đối thoại bàn tròn” giữa các quan chức chính trị và đại diện các xã hội dân sự tại Ukraine.

Tiến trình đối thoại dân tộc này theo kế hoạch sẽ phải được khởi động vào ngày hôm nay (14/5) và diễn ra dưới sự chủ trì của nhà ngoại giao Đức Wolfgang Ischinger, người được Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu chỉ định và nhận được sự ủng hộ của chính quyền lâm thời Ukraine.

Tới nay, chính quyền lâm thời Ukraine vẫn chưa công bố danh sách những người tham dự. Tuy nhiên, Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksander Tourtchinov phản đối sự có mặt của các lực lượng đòi li khai ở miền Đông. Theo chính phủ Nga, nếu không có sự tham gia của tất cả các phe phái tại Ukraine, tiến trình này sẽ thất bại.

Trong khi đó, trên mặt trận Ngoại giao, Nga cũng đã bắt đầu có những động thái nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ, khi đưa ra một loạt các biện pháp đáp trả trong lĩnh vực hợp tác không gian.

Trong một phát biểu mới đây, phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozine cho biết, Nga sẽ không chấp nhận đề nghị của Mỹ kéo dài thời hạn sử dụng Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sau năm 2020, đồng thời tuyên bố, từ nay Mỹ sẽ không được sử dụng các động cơ tên lửa của Nga để tiến hành các vụ phóng vệ tinh quân sự.

 “Hiện không có sự đảm bảo rằng, các động cơ của chúng tôi chỉ được sử dụng vào các mục đích dân sự, nên chúng tôi sẽ không tiếp tục cung cấp những động cơ này cho Mỹ. Chúng tôi cũng sẽ không cần phải tham gia các chiến dịch bảo trì đối với những động cơ đã được gửi tới  Mỹ” - phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozine cho biết.

Liên quan tới việc Liên minh châu Âu mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào Nga, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố, vào thời điểm hiện nay, Nga không có kế hoạch đáp trả, đồng thời nhấn mạnh, những hành động của Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ chỉ gây hại cho các nỗ lực nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Ukraine. Hơn nữa, những lệnh trừng phạt này đã phản ánh một cách tiếp cận “kiệt sức”, không thể giải quyết được vấn đề mà chỉ làm sâu sắc hơn những bất đồng và gây ảnh hưởng tới các nỗ lực chung nhằm tìm ra một lối thoát cho tình hình khủng hoảng tại Ukraine./.