Trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn virus Ebola lây lan, ngày 5/11 nhiều nước tiếp tục công bố các khoản viện trợ, đồng thời cử nhân viên y tế đến các nước có dịch. Điều này mang lại hy vọng, công tác phòng chống dịch Ebola sẽ có tiến triển trong thời gian tới. Ngày 5/11, Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết, các nhân viên y tế nước này sẽ sớm được điều đến Sierra Leone hỗ trợ dập dịch Ebola. 

bao_ho_chong_ebola_zbmi_ykoi.jpgCông tác phòng chống dịch Ebola sẽ có tiến triển trong thời gian tới (ảnh: AFP)

Cùng ngày, Trung Quốc cũng thông báo sẽ cử thêm 1.000 nhân viên và các chuyên gia y tế tới Tây Phi trong vài tháng tới để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh chết người này. Theo đó, nhóm sớm nhất gồm 12 người sẽ đến Sierra Leone vào ngày 9/11 tới với nhiệm vụ huấn luyện nhân viên y tế địa phương chống Ebola.

Trong khi đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới tăng cường trợ giúp đối với các nước nằm trong vùng dịch nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang nhiều khu vực trên thế giới, ngày 5/11 Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết sẽ đề nghị Quốc hội nước này thông qua kế hoạch lập quỹ khẩn cấp chống Ebola trị giá 6,2 tỷ USD trong năm nay.

Mục tiêu của quỹ này là nhằm tăng cường các hệ thống y tế cộng đồng ở Mỹ, ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tại các nước Tây Phi, thúc đẩy nỗ lực điều chế và thử nghiệm vaccine phòng tránh cũng như các phương pháp điều trị cho người nhiễm dịch.

Ngoài tài chính, Mỹ cũng đã triển khai quân đội và nhân viên y tế tới khu vực tâm dịch ở Tây Phi, hỗ trợ xây dựng bệnh viện, cung cấp hậu cần và nhiều hỗ trợ thiết yếu khác. Tổng thống Mỹ nói: “Tôi đã gửi yêu cầu đến Quốc hội để tài trợ cho chiến dịch chống Ebola nhằm đảm bảo rằng các bác sĩ, các nhà khoa học và quân đội của chúng ta có các nguồn lực mà họ cần để chống lại sự lây lan của Ebola ở châu Phi, đồng thời tăng cường sự chuẩn bị cho bất kỳ trường hợp nào nhiễm Ebola tại nước Mỹ”.

Cùng ngày, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo có trụ sở tại Saudi Arabia và Ngân hàng Phát triển Hồi giáo công bố tổng cộng 45 triệu USD tài trợ cho Guinea, trong đó bao gồm 6 triệu USD dành cho cuộc chiến chống Ebola. Ông Mohamde Ali, Chủ tịch Ngân hàng phát triển Hồi giáo cho biết: "Ngân hàng phát triển Hồi giáo đã sẵn sàng  tận dụng những ưu đãi đưa ra trong cuộc họp ngày hôm nay để đào tạo chuyên gia y tế tại các nước thành viên cũng như góp phần vào việc đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực y tế tại các quốc gia đang có dịch Ebola và thiết lập các trung tâm đào tạo. Chúng tôi lo ngại các nước láng giềng của  ba nước có dịch Ebola hoành hành mạnh tại Tây Phi sẽ bị ảnh hưởng”.

Liên quan đến cuộc chiến chống Ebola, ngày 5/11 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bổ nhiệm nữ tiến sỹ Matshidiso Rebecca Moeti thay ông Luis Sambo làm Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi, sau khi tổ chức này hứng chịu nhiều chỉ trích về phản ứng chậm chạp trước sự lây lan của virus Ebola.

Ngay sau khi được chỉ định, tiến sỹ Moeti đã cam kết sẽ cải thiện khả năng triển khai nhân viên Tổ chức Y tế thế giới  tại các quốc gia vùng "ổ dịch" Ebola. Bà cam kết sẽ hợp tác với các đối tác nhằm thúc đẩy các khoản hỗ trợ cho hệ thống y tế ở Liberia, Sierra Leone và Guinea.

Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới đã điều chỉnh giảm số người tử vong và lây nhiễm Ebola, sau khi xác định nguyên nhân chết không phải do virus. Theo số liệu đã điều chỉnh, số trường hợp tử vong do Ebola là 4.818 người và số lây nhiễm Ebola cũng giảm xuống 13.042 ca.

Trong số 3 quốc gia nằm ở "tâm dịch" tại Tây Phi, Liberia là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 2.697 trường hợp tử vong trong tổng số 6.525 người nhiễm. Tiếp theo là Sierra Leone với 1.070 người chết trong tổng số 4.759 người nhiễm và Guinea là 1.041 người chết trong tổng số 1.731 người nhiễm dịch. Riêng tại Mỹ, trong số 4 trường hợp được thống kê nhiễm dịch, có một người mang quốc tịch Liberia đã tử vong./.