Ngày 15/1, trong tuyên bố kết thúc Hội nghị hòa bình Trung Đông tại thủ đô Paris (Pháp), hơn 70 quốc gia đã kêu gọi Israel và Palestine nhắc lại các cam kết về một thỏa thuận hòa bình, đồng thời tránh thực hiện những hành động đơn phương.
Tuyên bố kêu gọi Israel và Palestine "chính thức nhắc lại cam kết của hai bên đối với giải pháp hai nhà nước" và tránh xa những ý kiến phản đối điều này. Bản tuyên bố cũng kêu gọi hai bên không nên có những hành động đơn phương có khả năng làm ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán.
Hội nghị hòa bình Trung Đông thúc đẩy nối lại đàm phán giữa Israel và Palestine. (Ảnh: EPA/TTXVN). |
Tuyên bố này được xem như một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Israel cũng như chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, nhằm gìn giữ những hy vọng cho một giải pháp "hai nhà nước" đối với Israel và Palestine.
Liên quan đến vấn đề chính quyền của ông Trump dự định chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, phát biểu kết thúc hội nghị, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng, đây sẽ là một "hành động khiêu khích" và là mối đe dọa tới các nỗ lực cho một giải pháp "hai nhà nước" đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Ông Ayrault cho rằng phần lớn các nước trên thế giới đều mong muốn nối lại các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine. Ông khẳng định Pháp sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với chính quyền của ông Trump, tuy nhiên Pháp lo ngại việc Mỹ dời đại sứ quán sẽ tạo ra một làn sóng bạo lực mới tại Trung Đông.
Ông Ayrault nói: “Tôi cho rằng các chính phủ Mỹ trước đó đã xem xét lựa chọn này và không một tổng thống nào đã lựa chọn việc dời đại sứ quán. Đây là một quyết định đơn phương, câu hỏi về Jerusalem chỉ có thể được giải quyết bởi kết quả các cuộc đàm phán giữa các bên. Vì vậy, nếu khi chưa giải quyết được vấn đề tình trạng của Jerusalem mà phía Mỹ đặt đại sứ quán tại đây sẽ là một sự khiêu khích”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, việc đưa vấn đề này vào tuyên bố kết thúc Hội nghị hòa bình Trung Đông ở Paris là "không phù hợp". Phát biểu trước báo giới sau hội nghị, ông Kerry cho biết vấn đề này đang được tranh luận công khai tại Mỹ và không dành cho một diễn đàn quốc tế.
Trong khi đó, về phần mình, phản ứng với hội nghị này, phía Israel cho rằng, hội nghị này là vô ích. Ông David Keyes-Người phát ngôn của Thủ tướng Israel nói: “Hội nghị lần này thật sự vô ích trong đó có việc thúc đẩy hòa bình. Nó giống như một cuộc hòa giải cặp vợ chồng đòi ly hôn, trong khi vắng mặt cả vợ và chồng nhưng 75 nhà ngoại giao trên khắp thế giới đã cố gắng giải quyết một vấn đề phức tạp”.
Phía Palestine cùng ngày đã kêu gọi thành lập một mặt trận quốc tế để ủng hộ các kết quả của hội nghị hòa bình Paris. Palestine đã miêu tả hội nghị Paris là sự thể hiện quốc tế đối với việc nhận thức rõ hòa bình giữa Palestine và Israel, đồng thời bày tỏ sự giận giữ trước việc Israel liên tiếp coi thường những nghĩa vụ về hòa bình và những hoạt động vi phạm của Israel, chủ yếu là hoạt động xây nhà định cư, vốn hủy hoại giải pháp 2 nhà nước.
Ông Hanan Ashrawi -Quan chức của Tổ chức giải phóng Palestine nói: “Hội nghị công bố những ý định, cam kết đối với giải pháp hai nhà nước. Hội nghị không đặt ra cách thức, thời hạn cụ thể mà chỉ kêu gọi cả hai bên quay trở lại đàm phán. Tuy nhiên, cần phải xác định cơ sở của các cuộc đàm phán là gì và hành vi của Israel là gì khi họ được biết đến như một kẻ xâm lược”.
Trước đó, hôm 15/1, hơn 70 nhà ngoại giao quốc tế đã nhóm họp tại Paris nhằm thúc đẩy việc nối lại hòa đàm cho xung đột giữa Palestine và Israel do lo ngại diễn ra bùng nổ bạo lực mới ở khu vực Trung Đông. Hội nghị này nhằm đem lại một thông điệp mạnh mẽ đến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng phần lớn thế giới mong muốn hòa bình và coi giải pháp 2 nhà nước là cách tốt nhất để đạt được hòa bình trong cuộc xung đột Israel-Palestine./.