Quốc hội khóa mới của Iraq ngày 3/9 họp phiên đầu tiên trong bối cảnh cuộc chiến “liên minh” vẫn chưa ngã ngũ. Hai lực lượng chính trị lớn nhất tại Quốc hội hiện nay là liên minh của Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al Sadr và liên minh của cựu Thủ tướng Nouri al Maliki đều tuyên bố đã tập hợp được đủ thế đa số cần thiết để có thể đứng ra thành lập chính phủ.

quoc_hoi_iraq_cdta.jpg
Quốc hội khóa mới của Iraq họp ngày 3/9. (Ảnh: Reuters)

Phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới tại Iraq diễn ra khá căng thẳng khi không bên nào chịu nhận là bên thất bại trong cuộc đua trở thành khối chính trị lớn nhất để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới.

Liên minh giữa đảng của Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Muqtada Al-Sadr và Thủ tướng sắp mãn nhiệm Haidar Al Abadi tuyên bố đạt được 177 ghế, tức là chiếm hơn một nửa tại Quốc hội 329 ghế.

Trong khi đó, liên minh của cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki cũng khẳng định đã nhận được chữ ký ủng hộ của 153 nghị sĩ.

Cả hai khối chính trị này đều tuyên bố trở thành khối chính trị lớn nhất tại Quốc hội.

“Theo điều 71 của Hiến pháp, sau khi được bầu, Tổng thống sẽ chỉ định cho khối chính trị lớn nhất đứng ra thành lập hội đồng bộ trưởng trong vòng 15 ngày. Và cũng theo quy định này chúng tôi thông báo thành lập một liên minh chính trị với hơn 150 thành viên” - Nghị sĩ Ahmed Al-Assadi, một thành viên trong liên minh của cựu Thủ tướng Al-Maliki cho biết.

Phát biểu trước 297 trên tổng số 329 nghị sĩ có mặt tại phiên họp, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Haidar Al Abadi đã một lần nữa nhắc lại những thành tích đáng nể mà chính phủ của ông làm được sau khi kế thừa di sản từ người tiền nhiệm năm 2014, thời điểm nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang phát triển mạnh nhất, với việc chiếm giữ nhiều khu vực lãnh thổ rộng lớn của Iraq. Ông cũng kêu gọi đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng.

Theo các nhà phân tích, cuộc đua trở thành khối chính trị lớn nhất tại Iraq vẫn chưa ngã ngũ, bởi chắc chắn sẽ có những thay đổi thời gian tới.

Trên thực tế, các đảng người Kurd, hiện có khoảng 60 ghế tại Quốc hội vẫn chưa đưa ra quyết định và vẫn đang trong quá trình đàm phán với cả 2 lực lượng chính trị kể trên. Trong khi đó, các đảng người Sunni tới nay vẫn còn chia rẽ về vấn đề này. 

Theo Hiến pháp Iraq, sau khi bầu ra Chủ tịch Quốc hội, các nghị sĩ sẽ có 30 ngày để bầu Tổng thống và Tổng thống sau đó sẽ có 15 ngày để trao cho khối chính trị lớn nhất trong Quốc hội thành lập Chính phủ.

Cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua tại Iraq được xem là một sự kiện mang tính bước ngoặt khi là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi chính phủ Iraq tuyên bố giành chiến thắng trước IS.

Chính phủ mới trước mắt sẽ phải giải quyết  cuộc khủng hoảng xã hội và y tế nghiêm trọng mà đất nước đang phải đối mặt.

Từ 2 tháng nay tại miền Nam Iraq, các cuộc biểu tình diễn ra gần ra như là thường xuyên, kêu gọi khôi phục các dịch vụ công và cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, nước. Trong khi đó, tại tỉnh Bassora, một trong những tỉnh đông dân nhất nước lại đang  phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, khiến hoảng 20.000 người phải nhập viện.

Chính phủ mới cũng sẽ phải tìm cách đẩy lùi mối nguy cơ thánh chiến cực đoan, trong bối cảnh nhóm khủng bố IS dù đã bị truy quét ra khỏi toàn bộ các trung tâm đô thị của nước này hồi cuối năm ngoái, song vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công ở miền Bắc và đã làm 8 người thiệt mạng trong 2 ngày qua./.