Ngày 3/1, Quốc hội Mỹ khóa 113 vừa được bầu ngày 6/11/2012 đã chính thức triệu tập phiên họp đầu tiên để bầu chọn các cấp lãnh đạo trong bối cảnh Quốc hội khóa trước bị đánh giá là hoạt động kém hiệu quả, chính trường Mỹ đã và đang bị chia rẽ sâu sắc. Những yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của Quốc hội Mỹ cũng như sự phát triển chung của nước Mỹ.

Quốc hội khóa 113 của Mỹ vừa tuyên thệ nhậm chức có 538 nghị sĩ, trong đó gồm 100 ghế Thượng viện chia đều cho 50 bang, 435 ghế Hạ viện, cộng với 3 ghế đặc biệt không được quyền biểu quyết của thủ đô Washington D.C. Hạ viện khóa 113 tiếp tục do đảng Cộng hòa nắm đa số (234-201). Trong khi đó, Thượng viện tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Dân chủ (53-45 cộng với 2 ghế độc lập nghiêng về Đảng Dân chủ).

quoc-hoi-my.jpg
Quốc hội khóa 113 của Mỹ tuyên thệ nhậm chức có 538 nghị sĩ (Ảnh: AFP)

Ngay sau lễ tuyên thệ, Hạ viện đã tiến hành đề cử danh sách và bầu Chủ tịch Hạ viện. Kết quả, Hạ nghị sỹ John Boehner thuộc Đảng Cộng hòa đã được bầu lại làm Chủ tịch Hạ viện với nhiệm kỳ hai năm với 220 phiếu ủng hộ. Mặc dù tái đắc cử chức Chủ tịch Hạ viện với đa số phiếu, nhưng ông Boehner phải đối mặt với sự chia rẽ trong nội bộ các nghị sĩ Cộng hòa. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu trắng, trong cuộc bầu chọn ông Bôênơ  làm Chủ tịch Hạ viện. Đây là sự khác biệt rõ nét so với cách đây 2 năm, khi toàn bộ các nghị sĩ phe Cộng hòa nhất trí bầu chọn ông làm Chủ tịch Hạ viện.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu bầu chọn ông Boehner cam kết: “Tôi cam kết lắng nghe và làm tất cả những gì để có thể giúp đỡ các bạn. Tất cả chúng ta sẽ cùng gắng sức. Nếu chúng ta sai lầm trong vấn đề giải quyết các khoản nợ công thì con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu. Do vậy, chúng ta cần sẵn sàng giải quyết vấn đề này ngay lập tức”.

Tại Thượng viện, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã tiến hành lễ bổ nhiệm đối với các thượng nghị sĩ sẽ tham gia công việc của Thượng viện trong năm 2013.

Trong 2 năm tới, Quốc hội mới ở Mỹ cũng sẽ tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức nghiêm trọng, bao gồm phục hồi nền kinh tế, nâng trần nợ công, cải cách thuế, cải cách nhập cư cũng như kiểm soát súng đạn vốn đang trở thành “vấn đề lớn”. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo Quốc hội khóa mới cũng sẽ sớm bước vào cuộc thương lượng để cắt giảm hơn 1 nghìn tỷ đô la thâm hụt ngân sách trong 10 năm tới nhằm từng bước giảm nhẹ gánh nặng nợ quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn vấp phải bất đồng giữa hai đảng của Mỹ.

Thượng nghị sĩ Harry Reid thuộc Đảng Dân chủ cho biết: “Thật không may, chúng ta lại có sự khác biệt về mặt chính trị. Chính vì thế trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa vừa rồi, những khác biệt này đã làm cho chúng ta không thể thực hiện được nhiều mục tiêu”.

Các kết quả thăm dò công bố ngày 3/1 cho thấy, Quốc hội Mỹ khóa 112 đã đi vào lịch sử với tư cách là Quốc hội hoạt động kém hiệu quả nhất trong vòng 65 năm qua. Theo thống kê, trong cả nhiệm kỳ, Quốc hội khóa 112 chỉ thông qua được 219 dự luật so với 383 của khóa Quốc hội trước. Kết quả thăm dò dư luận cho biết chỉ có 12% người dân Mỹ được hỏi ý kiến đồng tình với những gì Quốc hội khóa 112 đã làm trong khi có tới 82% phản đối./.