Trang Politico cho rằng, việc Tổng thống Donald Trump ra lệnh oanh kích căn cứ không quân Syria ngày 7/4 để trả đũa vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học ngày 4/4 được xem là một bằng chứng khẳng định ông không quá thân thiện với Nga như nhiều người cáo buộc.

putin_trump_csbu.jpg
Tranh cãi về Syria sẽ đẩy mối quan hệ Trump-Putin về đâu?

Thực sự có cái gọi là “tình cảm” Trump-Putin?

Sự cởi mở của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin có lẽ là điểm khác biệt rõ nét nhất giữa ông với những chính trị gia còn lại của đảng Cộng hòa Mỹ.

Trước khi dư luận Mỹ tràn ngập những lời tán dương hành động tấn công quyết đoán của ông Trump ở Syria - một đòn giáng mạnh gián tiếp vào Nga - suốt nhiều tháng, chính trường Mỹ chỉ xoay quanh các cuộc tranh cãi về việc liệu Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử tháng 11/2016 để tạo thuận lợi cho ông Trump hay không.

Ông Trump nhiều lần bày tỏ sẵn sàng bắt đầu mối quan hệ mới với Tổng thống Putin, người từng được ông công khai bảo vệ trước truyền thông Mỹ. Đó là khi phóng viên Fox News Bill O'Reilly hỏi dồn về ông Putin và gọi Tổng thống Nga là “kẻ giết người”, ông Trump đã không ngần ngại phản pháo rằng “Anh nghĩ đất nước của chúng ta vô tội lắm sao?”

Nhưng mọi chuyện dường như đã thay đổi sau vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học ở Idlib, Syria, ngày 4/4.

Khi cả 2 vượt qua “giới hạn đỏ”

Lúc còn tranh cử, ông Trump từng lên tiếng phản đối hành động quân sự ở Syria khi xảy ra các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở quốc gia Trung Đông này. Ông còn chỉ trích chính quyền của Tổng thống Barack Obama lúc đó vì đã đặt ra “giới hạn đỏ” là việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria để rồi chẳng hành động gì khi giới hạn đó bị phá vỡ.

Nhưng đối với Tổng thống Trump, vụ tấn công hóa học Syria ngày 4/4 đã vượt qua “rất nhiều giới hạn” và vì thế một hành động đáp trả là lẽ đương nhiên.

Ông Putin ngay lập tức lên án vụ oanh kích của Mỹ vào căn cứ không quân Syria, gọi đây là hành động “xâm lược một quốc gia có chủ quyền” và “phá vỡ các quy định luật pháp quốc tế”. Người phát ngôn của ông Putin cũng khẳng định rằng hành động này là “một đòn giáng mạnh” vào mối quan hệ Nga – Mỹ.

Ngày 9/4, một trung tâm chỉ huy chung tập hợp các lực lượng của Nga, Iran và các nhóm vũ trang ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã lên tiếng cho rằng các vụ oanh kích của Mỹ vào căn cứ không quân Syria ngày 7/4 đã vượt “giới hạn đỏ” và họ sẽ “đáp trả bằng vũ lực” đối với bất cứ hành động gây hấn nào của Mỹ.

Nhưng 1 trong 2 vẫn giữ được “cái đầu lạnh”

Khi 59 quả tên lửa Tomahawk san bằng căn cứ không quân của đồng minh ở Homs, Tổng thống Nga Vladimir Putin thực sự có rất nhiều sự lựa chọn để đáp trả và trong đó không loại trừ phương án quân sự.

Ông Putin có thể sử dụng các hệ thống phòng không của Nga ở Syria để bắn tung tên lửa của Mỹ trên bầu trời.

Thực ra việc Mỹ oanh kích Syria chính xác là sự can thiệp mà Nga đã chuẩn bị ứng phó từ lâu.

Tháng 10/2016, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này đã triển khai một hệ thống phòng không tân tiến ở Syria đề phòng trường hợp Mỹ có thể “dội bom các sân bay của Syria bằng tên lửa hành trình”.

Trong khi đó, một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho rằng "chỉ những kẻ nghiệp dư mới ảo tưởng rằng máy bay chiến đấu tàng hình hay những vật thể bay khác của Mỹ có thể thoát khỏi lưới phòng thủ của Nga, cụ thể là hệ thống S-300".

Và trong một động thái khác nhằm thể hiện thái độ rõ ràng với Mỹ, ông Putin cũng có thể ngay lập tức hủy cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuần này.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga đã không đưa ra bất cứ quyết định nào như vậy.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng chỉ đề cập vụ oanh kích của Mỹ nhằm vào một đồng minh của Nga như một bí ẩn cần phải giải đáp chứ không phải là một sự công kích cần phải đáp trả.

“Tôi không rõ. Chúng tôi cần biết toàn bộ sự thật về việc quyết định tiến hành oanh kích Syria được đưa ra như thế nào. Tôi nghĩ sự thật cần phải được tiết lộ và đó là những gì chúng tôi sẽ làm” – ông Lavrov nêu rõ.

Nhưng logic cho vụ oanh kích của Mỹ nhằm vào Syria không phải là một bí ẩn, nhất là khi Lầu Năm Góc cũng đã cảnh báo cho Nga trước khi tạo ra một “cơn mưa” Tomahawk trên bầu trời Homs.

Tờ TIME cho rằng, nếu nhìn nhận kỹ những phản ứng ban đầu của ông Putin, ít nhất là vài giờ sau vụ tấn công của Mỹ ở Syria, thì dường như Tổng thống Nga đã chọn lùi lại một bước, chậm lại một nhịp để có không gian xử lý vấn đề theo hướng mềm mỏng hơn.

Không gian để làm hòa?

Theo TIME, cộng đồng ngoại giao ở Moscow thậm chí vẫn hy vọng rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đến Nga ngày 11/4 sẽ khởi động cho một cuộc thương lượng mới, nếu không phải là một “mối quan hệ tình cảm tốt đẹp” giữa ông Putin và ông Trump.

“Nó sẽ không giống như cuộc nói chuyện tâm tình của một cặp đôi mới cưới”, nghị sỹ Nga Leonid Kalashnikov, Chủ tịch Ủy ban về hội nhập với các đồng minh của Nga tại Quốc hội nhận định.

“Đó là một cuộc đối thoại giữa 2 người đều đang muốn điều gì đó từ người kia và chúng ta đều sẵn sàng làm ngơ đối với vấn đề này để đạt được mục đích khác về sau”. Ông Leonid Kalashnikov nhấn mạnh: “Nga hiểu rất rõ, không ai cần sự leo thang căng thẳng.”

Có lẽ lý do nữa là vì sau hơn 1 năm rưỡi can thiệp quân sự ở Syria, ông Putin cũng không muốn tiêu hao thêm nhân lực và vật lực một cách vô ích vào cuộc chiến chưa có hồi kết này.

“Về mặt kinh tế hay chính trị, Nga không có sức mạnh để đẩy căng thẳng leo thang”, chuyên gia chính sách đối ngoại kỳ cựu của Nga Alexander Konovalov nhận định.

Còn nghị sỹ Kalashnikov thì cho rằng vụ oanh kích ngày 7/4 là một thông điệp rõ ràng: “Ông Trump muốn thể hiện rằng ông ấy sẽ đối mặt với nước Nga từ một vị thế vững chắc.”

Hiện chưa rõ quan điểm trái ngược trong vấn đề Syria có khiến mối quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo Nga – Mỹ sụp đổ hay không. Song có một điều chắc chắn là giờ đây Tổng thống Trump đã hiểu và thông cảm hơn khi nhiều người cùng đảng Cộng hòa như ông John McCain hay ông Mitt Romney luôn có quan điểm cứng rắn và bảo thủ với Nga như vậy./.