Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin DW (Đức), Andrew J. Nathan, giáo sư khoa học chính trị trường Đại học Columbia, một trong những tác giả của báo cáo này đã đã lý giải vì sao bước đi như vậy của Mỹ sẽ cực kỳ nguy hiểm.
Các chuyên gia khuyên ông Trump nên tránh va chạm với Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Trước khi nhậm chức, ông Donald Trump từng đặt một dấu chấm hỏi cho việc tuân thủ chính sách lâu nay của Mỹ về chính sách “Một Trung Quốc”, theo đó, chỉ có duy nhất một đất nước Trung Quốc trên thế giới và chính quyền ở Bắc Kinh là đại diện hợp pháp cho đất nước đó.
Bất cứ nước nào muốn thiết lập quan hệ với ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì phải công nhận chính sách “Một Trung Quốc”, chối bỏ mối quan hệ với chính quyền Đài Loan và giới hạn xuất khẩu vũ khí sang vùng lãnh thổ này. Mỹ đã tuân thủ những yêu cầu đó trong suốt 37 năm qua qua dù vẫn duy trì rất nhiều kênh hậu thuẫn cho chính quyền Đài Loan.
Tuy nhiên, những tuyên bố hùng hồn của ông Trump về vấn đề này đã chọc tức giới chức ở Bắc Kinh và gây ra những quan ngại sâu sắc về khả năng Mỹ thay đổi chính sách liên quan tới vấn đề Đài Loan.
Trong báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội châu Á (Asia Society) và Đại học California San Diego (UCSD) công bố mới đây, một nhóm các cựu quan chức và học giả của Mỹ đã khuyến cáo chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump tránh va chạm với Trung Quốc vì vấn đề Đài Loan, cho rằng động thái đó sẽ “vô cùng nguy hiểm”.
Bản chất mối quan hệ giữa các nước lớn là không thể không hợp tác
Báo cáo này cho rằng quan hệ Mỹ - Trung đang “chơi vơi giữa giao lộ” và mô tả sự đối đầu ngày càng gia tăng giữa 2 nước trong bối cảnh Trung Quốc đưa ra những yêu sách về lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông.
Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn với DW, Andrew J. Nathan, một trong những tác giả của báo cáo “Tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với châu Á”, cho rằng Tổng thống Donald Trump sẽ duy trì tình trạng hiện tại của chính sách “Một Trung Quốc” và cả những tranh cãi giữa 2 nước. Ông Andrew J. Nathan chỉ ra rằng Tổng thống Trump “không phải lúc nào cũng làm những gì ông ấy nói và dường như rất có khả năng thay đổi đường đi nước bước”.
Theo Andrew J. Nathan, Mỹ không có lợi ích khi thay đổi lập trường về chính sách “Một Trung Quốc” và đến nay ông Trump vẫn chưa có thay đổi nào dù dư luận cũng đã được một phen ồn ào vì những phát ngôn từ Nhà Trắng.
Donald Trump: Mỹ không nhất thiết duy trì chính sách “Một Trung Quốc”
Giống như bất cứ mối quan hệ giữa các nước lớn nào trên thế giới, Mỹ và Trung Quốc có rất nhiều lĩnh vực cần hợp tác giải quyết mà trong đó nổi cộm là vấn đề hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Báo cáo “Tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với châu Á” cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump coi vấn đề hạt nhân Triều Tiên là một mối đe dọa rất nghiêm trọng. Thế nhưng, Andrew J. Nathan cho rằng Mỹ khó lòng thuyết phục được Trung Quốc hợp tác trong vấn đề này.
Sự hợp tác Mỹ - Trung trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng được cho là phụ thuộc nhiều vào bản chất chung của mối quan hệ này. Nếu Mỹ thách thức những lợi ích của Trung Quốc bằng một cuộc chiến thương mại hay bỗng nhiên đặt một dấu chấm hỏi cho chính sách “Một Trung Quốc” thì hy vọng hợp tác được với chính quyền ở Bắc Kinh trong những vấn đề khác càng mong manh hơn.
Ở Biển Đông, Mỹ hay Trung Quốc đều phải “chơi” theo luật
Về những tranh cãi ở Biển Đông, báo cáo “Tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với châu Á” của Asia Society và UCSD khuyến nghị rằng ưu tiên của chính quyền ở Washington là phải thúc đẩy Thượng viện Mỹ phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Bởi lâu nay Trung Quốc lập luận rằng bản thân Mỹ chưa phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 thì không thể “lên giọng” răn đe hay chỉ bảo các nước có tranh chấp ở Biển Đông hay Hoa Đông phải làm gì.
Tổng thống Mỹ Trump quyết không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông
Chuyên gia Andrew J. Nathan cho biết: “Báo cáo này không viết cho bất cứ chính quyền cụ thể nào. Chúng tôi khuyến nghị những chính sách mà chúng tôi xem là tốt nhất cho nước Mỹ liên quan đến Trung Quốc dù bản thân nhóm nghiên cứu cũng ý thức được rằng rất nhiều gợi ý trong đó đi ngược lại với những gì Tổng thống Donald Trump, đảng Cộng hòa và Thượng viện tuyên bố nhiều năm qua. Khả năng ông Trump có hành động trong vấn đề này là khá thấp nhưng chúng tôi khuyên chính phủ nên làm điều đó.”
Ông Andrew J. Nathan cũng chỉ ra rằng, mối quan hệ của Mỹ đối với các nước châu Á, đặc biệt là các đồng minh chủ chốt về an ninh như Nhật Bản và Hàn Quốc không quá phụ thuộc vào những thỏa thuận thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn mang tính biểu tượng chính trị về cam kết của Mỹ đối với châu Á hơn là lợi ích kinh tế cho Mỹ.
Thậm chí theo ông, nếu chính quyền của Tổng thống Trump đi trước một bước và đàm phán được những thỏa thuận kinh tế song phương tốt hơn với những nước tham gia TPP, hoặc hồi sinh TPP dưới một dạng thức khác, thì đó sẽ là một tín hiệu để các nước châu Á an tâm rằng Mỹ vẫn duy trì cam kết hiện diện một cách đáng kể ở khu vực này.
Nhưng bên cạnh đó, ông cho rằng các nước trong khu vực vẫn cần phải “theo dõi sát sao chính sách của Mỹ để xem những cam kết đảm bảo an ninh của nước này đáng tin đến đâu dưới thời Tổng thống Trump”./.