Vì sao dự luật mà chính phủ Indonesia cho rằng cải cách kinh tế, thu hút đầu tư và tạo thêm việc làm cho người dân lại vấp phải sự phản đối dữ dội của chính tầng lớp lao động và các nhà môi trường?
Tại sao chính phủ Indonesia đề xuất dự luật việc làm?
Chính phủ Indonesia đã xây dựng Tầm nhìn Indonesia 2045 trong đó có các bước đi chiến lược để đưa Indonesia trở thành cường quốc kinh tế thứ 4 trên thế giới vào năm 2045. Quốc gia vạn đảo kỳ vọng một "làn sóng đầu tư" sẽ thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh “làn sóng thoát Trung” xảy ra ở nhiều quốc gia khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Đây cũng là trọng tâm của chính quyền Tổng thống Joko Widodo nhiệm kì hai để tăng trưởng kinh tế và thu hút các chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển dịch khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, sự chồng chéo và chưa thống nhất giữa các luật chuyên ngành đang là trở ngại chính trong việc tạo môi trường thân thiện cho các nhà đầu tư.
Ngày 5/10, sau 64 phiên họp, Quốc hội Indonesia quyết định đẩy sớm việc thông qua dự luật việc làm dài 905 trang, bao gồm các sửa đổi chuyên đối với 79 điều luật hiện hành trong các lĩnh vực lao động và thuế như Luật Lao động, Luật Quy hoạch không gian và Luật Quản lý Môi trường... Có 7 đảng phái chính trị ủng hộ dự luật này, trong khi chỉ có hai đảng là Đảng Dân chủ của cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono và Đảng Công lý Thịnh vượng của phong trào Hồi giáo là bỏ phiếu chống dự luật.
Ông Airlangga, Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia cho biết, luật này là cần thiết để tạo việc làm cho người dân và cải thiện môi trường kinh doanh sau đại dịch. Indonesia hiện đang làm việc để xử lý Covid-19, có tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu và quốc gia. Quý 2 năm 2020, tăng trưởng kinh tế Indonesia ghi nhận ở mức âm 5,32%. Đây là lần đầu tiên Indonesia ghi nhận mức tăng trưởng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998. Bộ trưởng Airlangga cho biết, “có 43.600 quy định cần được giải quyết trước đại dịch” và khả năng cạnh tranh của Indonesia cũng “đang bị tụt hậu so với ASEAN”.
Ưu điểm của dự luật việc làm là gì?
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Lao động Indonesia, bà Ida Fauziyah tin rằng Dự luật Tạo việc làm được thông qua nhằm mở rộng cơ hội việc làm và bảo vệ cho người lao động, đặc biệt là người đã từng bị sa thải, thông qua chương trình “Đảm bảo cho người thất nghiệp” (JKP). Theo bà Ida, chương trình này cung cấp không gian cho người lao động và Liên đoàn lao động đấu tranh vì lợi ích của các thành viên và cung cấp an sinh xã hội cho người lao động bị sa thải. Dự luật Tạo việc làm cũng quy định các điều khoản liên quan giúp người lao động trong chương trình “Đảm bảo cho người thất nghiệp” được hưởng lợi dưới hình thức tiền mặt, tiếp cận thông tin thị trường việc làm và đào tạo tay nghề.
Tiến sĩ Pudjo Rahayu Risan, nhà nghiên cứu thuộc Ủy ban Hiệp hội Khoa học Chính trị Indonesia, nhận định, dự luật việc làm khuyến khích các nỗ lực tăng cường nền kinh tế quốc gia bằng cách tạo việc làm và ban hành các cơ sở thuế. Một trong những mặt tích cực của mục tiêu dự luật này là tạo công ăn việc làm cho 7 triệu người thất nghiệp trên toàn Indonesia. Luật này cũng được cho là có tác động tích cực đến lĩnh vực bất động sản vào năm 2020. Luật mới được kỳ vọng sẽ củng cố nền kinh tế quốc gia bằng cách cải thiện hệ sinh thái đầu tư và khả năng cạnh tranh của Indonesia, đặc biệt khi đối mặt với sự bất ổn và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Dự luật việc làm vấp phải làn sóng phản đối của người dân
Mặc dù được cho là tạo thêm việc làm cho người lao động nhưng dự luật này lại vấp phải sự phản đối rộng rãi của người dân Indonesia. Hàng ngàn người đã đồng loạt xuống đường biểu tình trên khắp các thành phố lớn. Nhiều nơi các cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn. Liên đoàn Lao động Indonesia tuyên bố khoảng 2 triệu công nhân từ 10.000 công ty ở 25 tỉnh trên toàn quốc sẽ thực hiện các cuộc đình công toàn quốc trong khoảng thời gian từ ngày 6-8/10/2020 để phản đối đạo luật sắp có hiệu lực.
Tầng lớp lao động Indonesia cho rằng dự luật mới sẽ làm tổn hại tới người lao động, những người vốn đang quay cuồng với “dư chấn kinh tế” của đại dịch Covid-19. Dự luật việc làm giảm thời gian nghỉ việc bắt buộc và cắt giảm tiền trợ cấp thôi việc của người lao động. Bên cạnh đó, dự luật cũng cắt các khoản trợ cấp thôi việc bắt buộc do người sử dụng lao động trả, từ 32 lần lương hàng tháng xuống chỉ còn 19 lần. Luật cũng sẽ cho phép thuê lao động hợp đồng và lao động bán thời gian thay cho nhân viên toàn thời gian.
Bên cạnh đó, các nhà môi trường cũng bày tỏ lo lắng về việc dự luật mới sẽ đẩy nhanh và kéo dài sự hủy hoại với môi trường. Theo quy định mới, các nghiên cứu về môi trường chỉ được yêu cầu đối với các khoản đầu tư được coi là “rủi ro cao. Điều này sẽ đẩy nhanh việc phá hủy những gì còn lại của rừng nhiệt đới nguyên sinh tại Indonesia. Nhiều nhà đầu tư toàn cầu dường như đồng tình với điều này. Trong một lá thư gửi tới chính phủ Indonesia chỉ vài giờ trước khi dự luật được thông qua, 35 công ty đầu tư hàng đầu quản lý tài sản trị giá 4,1 nghìn tỷ USD đã cảnh báo chính quyền Jokowi rằng Dự luật việc làm có thể gây ra những rủi ro mới đối với các khu rừng nhiệt đới của đất nước.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gánh nặng kinh tế của các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng thường đổ dồn lên người nghèo. Việc cắt giảm các biện pháp bảo vệ người lao động sẽ làm tăng sự đề phòng của người dân Indonesia, với những hậu quả chính trị có thể xảy ra. Đặc biệt, nỗi đau kinh tế cũng có thể làm dấy lên xu hướng đáng lo ngại gần đây của Indonesia về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa độc quyền Hồi giáo./.