Ngày 27/7/1953 Hiệp định Đình chiến được ký kết, chấm dứt mọi xung đột vũ trang từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên cho tới nay, các bên liên quan vẫn chưa đưa ra tuyên bố kết thúc chiến tranh.
Hơn 70 năm qua, Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) đóng vai trò như một cơ chế răn đe đa phương ngăn chặn những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên không trở thành thành một cuộc xung đột rộng hơn. Với những đề xuất gần đây về một tuyên bố kết thúc chiến tranh giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên, Trung Quốc, giờ là lúc cần phải xem xét tuyên bố đó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với UNC.
Cuộc chiến tranh mới chỉ có Hiệp định đình chiến
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng “tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ là tuyên bố chính trị nhằm chấm dứt các mối quan hệ thù địch kéo dài giữa Bình Nhưỡng và Washington”. Điều này có thể mở đường cho các cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình.
Mặc dù có những lo ngại rằng một tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ làm dấy lên nghi ngờ về “cơ sở lý luận cho thế trận phòng thủ của Mỹ ở Hàn Quốc”, nhưng cả 2 chủ đề này và những vấn đề riêng biệt đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán hoặc tham vấn giữa các bên khác nhau. Điều còn chưa rõ ràng là tương lai của UNC nếu liên minh Mỹ-Hàn Quốc và Triều Tiên không còn chiến tranh với nhau nữa.
Hai ngày sau khi Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu, ngày 27/6/1950, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 83, trong đó khuyến nghị “các Thành viên của Liên Hợp Quốc hỗ trợ cho Hàn Quốc khi cần thiết để đẩy lùi cuộc tấn công vũ trang cũng như nhằm khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế trong khu vực”.
10 ngày sau, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 84, khuyến nghị “tất cả các thành viên cung cấp lực lượng quân sự và các hỗ trợ khác theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an [82 và 83], cung cấp các lực lượng và hỗ trợ một bộ chỉ huy thống nhất do Mỹ dẫn đầu”.
Ngoài ra, bộ chỉ huy thống nhất này được ủy quyền “tùy ý sử dụng cờ của Liên Hợp Quốc trong quá trình hoạt động chống lại các lực lượng Triều Tiên”. UNC đã ra đời như vậy.
Một tuần sau, vào ngày 15/7/1950, Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Rhee Syngman “đã giao cho [Tướng MacArthur] quyền chỉ huy tất cả các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không của Hàn Quốc trong giai đoạn liên tục có sự thù địch hiện hữu”.
Sau khi chấm dứt các hành động thù địch trong Chiến tranh Triều Tiên, đại diện từ UNC, Quân đội Nhân dân Triều Tiên và Quân tình nguyện Nhân dân Trung Quốc đã ký thỏa thuận đình chiến.
Với tư cách là một bên ký kết hiệp định, UNC chịu trách nhiệm về các điều khoản của mình, chẳng hạn như “chấm dứt hoàn toàn mọi hành động thù địch của tất cả các lực lượng vũ trang dưới sự kiểm soát của UNC đối với Triều Tiên”, đồng thời quản lý và giám sát khu vực phi quân sự phía Nam đường ranh giới quân sự.
UNC không còn vai trò trong tuyên bố kết thúc chiến tranh?
Khi quân đội Hàn Quốc phát triển khả năng của mình trong những thập kỷ tiếp theo, liên minh Mỹ-Hàn đã nhất trí rằng Seoul cần tăng cường vai trò trong cấu trúc kế hoạch quốc phòng và thành lập Bộ Chỉ huy Lực lượng liên hợp Mỹ-Hàn (CFC) vào năm 1978.
CFC nhận trách nhiệm chiến đấu từ UNC, có nghĩa là nếu các hành động thù địch tiếp tục diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên, chỉ huy của CFC sẽ chỉ huy các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc. Do đó, vai trò của UNC “chuyển sang duy trì và thực thi Hiệp định đình chiến, điều phối và hợp nhất các lực lượng quân sự đa quốc gia để hỗ trợ lực lượng phối hợp của Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc”.
Một tuyên bố kết thúc chiến tranh có lẽ sẽ thay thế thỏa thuận đình chiến – vốn chỉ đảm bảo chấm dứt các hành động thù địch (trước đây đã bị phá vỡ nhiều lần) trong một cuộc chiến đang diễn ra.
Nếu hiệp định đình chiến không còn hiệu lực, vai trò của UNC (nếu có) sẽ như thế nào trong tuyên bố chấm dứt chiến tranh? Có thể có những lời kêu gọi hủy bỏ Nghị quyết 83 và 84 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong trường hợp không có chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Do những nghị quyết này hợp pháp hóa việc thành lập UNC, vậy UNC có thể tiếp tục tồn tại nếu các nghị quyết này không còn hiệu lực hay không?
Mặc dù không thể xác định chính xác hiệu quả răn đe của UNC, điều khoản lịch sử và các cam kết tương lai (mặc dù không ràng buộc và cũng đã gần 70 năm) của lực lượng này vẫn thể hiện sự đối đầu đa phương với những hành động thù địch của Triều Tiên.
Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ đòi hỏi các các điều kiện mà Triều Tiên phải đáp ứng trước khi đồng ý về một tuyên bố chấm dứt chiến tranh, nhưng sẽ dễ dàng cho Triều Tiên từ bỏ những điều kiện này hơn là tái lập một liên minh đa quốc gia sau khi bãi bỏ UNC.
Do liên minh Hàn Quốc-Mỹ tiếp tục phát triển và quan hệ của 2 nước với các bên trong khu vực và quốc tế cũng bước vào giai đoạn mới, cả Seoul và Washington cần phải cởi mở với các giải pháp mới “nhằm tăng cường cấu trúc hòa bình ở khu vực Thái Bình Dương”.
Điều này sẽ đòi hỏi những thay đổi đáng kể trong cách suy nghĩ và cơ cấu tổ chức. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phải xem xét mọi tác động tiềm ẩn và cân nhắc giữa lợi ích và các hạn chế. Nếu không, các bên có thể chỉ đạt được một chiến thắng chính trị mà phải hy sinh yếu tố đảm bảo an ninh lâu dài./.