Vào tháng 1/2017, 3 ngày trước khi Tổng thống Trump nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bước lên sâu khấu quốc tế và chính thức buông lời “thách đấu” với Mỹ.
Bỏ lỡ “cơ hội lịch sử”
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ ngày 17/1/2017, ông Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng về một “kỷ nguyên vàng” đối với Trung Quốc và sự mở rộng ảnh hưởng của quốc gia này trên trường quốc tế. Nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ trích chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, bảo vệ xu hướng toàn cầu hóa và kêu gọi thế giới tránh xa chủ nghĩa bảo hộ.
Giờ đây, khi ông Trump đang chuẩn bị rời Nhà Trắng sau gần 4 năm gây mất lòng các đồng minh của Mỹ, phát động chiến tranh thương mại và rút Washington khỏi các thỏa thuận quốc tế, nhiều nhà phân tích và cựu quan chức đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc lại bỏ lỡ cơ hội lịch sử để nâng cao vị thế của nước này trên trường quốc tế.
Các chuyên gia của châu Á, châu Âu, Mỹ Latin và Bắc Mỹ đã đưa ra rất nhiều lý giải cho sai lầm của Trung Quốc.
Ông Zack Cooper – chuyên gia nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, đồng thời là cựu cố vấn của Nhà Trắng nhận xét: “Trung Quốc đã có cơ hội vô cùng lớn trong 4 năm qua khi mà Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi nhiều tổ chức quốc tế”, nhưng nước này đã đánh mất cơ hội và “thất bại có thể đến từ việc Bắc Kinh ngày càng gia tăng sự tự tin nhưng lại giảm khả năng che giấu sự tự tin đó”. “Họ thấy không cần phải khiêm nhường trong các mối quan hệ. Tôi cho rằng cách tiếp cận này đã khiến Bắc Kinh tự chuốc lấy thất bại và gây tổn hại uy tín của họ”.
Trung Quốc “tự bắn chân mình”
Các chuyên gia nhận định, nếu Trung Quốc hành xử đúng mực hơn, xây dựng được sự tin tưởng trên toàn thế giới trong lúc Tổng thống Trump sẵn sàng đi ngược lại với các quy tắc quốc tế, thì Bắc Kinh có thể gặt hái được những lợi ích đáng kể, chẳng hạn, đi đầu trong lĩnh vực công nghệ như điện thoại di động, mạng 5G, hệ thống điện toán đám mây, tận dụng sự rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với đồng minh để thúc đẩy hợp tác với châu Âu…
Thế nhưng, suốt thời gian qua, những gì mà thế giới chứng kiến là việc một loạt quốc gia sẵn sàng hợp tác để trừng phạt Trung Quốc và chống lại các lợi ích của nước này. Đức, Pháp, Anh, Australia, Nhật Bản ủng hộ các nỗ lực đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Chính quyền Donald Trump đã tập hợp sự ủng hộ nhằm ngăn cản tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng hệ thống mạng 5G trên toàn cầu. Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cũng đang vạch ra kế hoạch phối hợp với đồng minh để gây sức ép buộc Trung Quốc mở cửa thị trường và hành động theo “chuẩn mực quốc tế”.
Taisu Zhang, giáo sư luật và lịch sử tại Đại học Yale cho biết: “Vào đầu năm 2017, nếu Trung Quốc duy trì được sự ổn định trong chính sách đối ngoại và đối nội, nước này đã có thể thay thế Mỹ trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu” .
Ông Taisu Zhang nói thêm: “Người châu Âu từng kêu gọi Trung Quốc phát huy vai trò lãnh đạo. Bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình đã truyền tải những thông điệp rất chính xác. Nhưng thay vào đó, chúng ta phải chứng kiến sự leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ trong suốt ba năm qua, với việc cả hai bên đều lựa chọn tham gia vào những cuộc chiến không cần thiết”.
Bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Davos, Thụy Sỹ cách đây gần 4 năm đã được đón nhận một cách nồng nhiệt. Tuy nhiên, sự hoài nghi nhanh chóng lan rộng khi xuất hiện các cáo buộc về việc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ hay trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Nhiều cuộc khảo sát trên toàn cầu cho thấy uy tín của Trung Quốc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, nhiều khu vực của Đông Nam Á và ở hầu hết các quốc gia Tây Âu sụt giảm mạnh. Cuộc khảo sát của Pew Research thực hiện vào tháng 10 tại 14 nước công nghiệp phát triển cho thấy, 73% số người được hỏi có cái nhìn thiếu thiện cảm với Bắc Kinh, tỷ lệ tăng cao hơn so với năm 2019.
Theo các nhà phân tích chính sách đối ngoại, sự thiếu hành động trong việc trấn an dư luận đã làm xói mòn cái gọi là “quyền lực mềm” của Trung Quốc. Thêm vào đó, việc Bắc Kinh thất bại trong đối phó dịch bệnh Covid-19 ở giai đoạn đầu, áp dụng chính sách cứng rắn trong vấn đề Tân Cương và Hong Kong lại càng làm tổn hại vị thế của nước này.
Giới phân tích cho rằng, sự lo ngại về các hành động của Trung Quốc diễn ra với cấp độ khác nhau ở từng khu vực cụ thể. Châu Á lo ngại Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại các vùng biển hay hành động cứng rắn ở các khu vực biên giới trên đất liền. Mỹ lo ngại sự cạnh tranh của Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại, công nghệ. Châu Âu bất an trước nỗ lực nhằm thâu tóm các công ty công nghệ hàng đầu, đau đầu khi vì những lô khẩu trang kém chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc, lo ngại việc tăng cường hợp tác giữa Bắc Kinh với các quốc gia ở khu vực phía đông và phía nam khu vực có thể làm giảm sự gắn kết của Liên minh châu Âu.
Tại một cuộc hội thảo gần đây do SCMP tổ chức, ông David Shambaugh, giám đốc chương trình chính sách Trung Quốc của Đại học George Washington nhận xét: “Vị thế của Trung Quốc đã bị suy giảm trên khắp hành tinh. Điều này là do chính bản thân họ”.
Bắc Kinh cần phải sửa sai
Nghiên cứu về các chính sách của Trung Quốc, giới phân tích đã chỉ ra một số yếu tố khiến Trung Quốc ngày càng đưa ra nhiều phát ngôn và hành động cứng rắn. Ông Toshihiro Nakayama, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Keio ở Tokyo đánh giá: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng lo lắng về uy tín của họ ở trong nước. Việc bị cho là yếu đuối là điều khiến họ sợ nhất”.
Phong cách mạnh mẽ của Chủ tịch Tập Cận Bình đã tạo ra tiếng vang ở cả trong lẫn ngoài nước. Hiện tại, Trung Quốc cũng đang chứng kiến sự hình thành một thế hệ các nhà ngoại giao mới, trẻ tuổi, tham vọng và hiếu thắng, nổi lên nhờ những phát ngôn gay gắt và cứng rắn nhằm bảo vệ hình ảnh và lợi ích của quốc gia này. Mô hình đó gọi là “ngoại giao chiến lang”.
Ngày 22/12 vừa qua sau khi Đại sứ Đức tại Liên Hợp Quốc Christoph Heusgen kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho hai công dân Canada đang bị nước này giam giữ. Ông Cảnh Sảng - Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã bày tỏ sự tức giận và nói rằng: “Vắng ông là một điều tốt lành”.
Một cựu quan chức của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đánh giá: “Chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã được cải thiện rất nhiều trong suốt 30 năm qua, nhưng họ dường như vẫn không hiểu cách hành xử đúng mực”. Theo quan chức này: “Sự kiêu ngạo sẽ ngày càng lớn hơn khi Trung Quốc trở nên giàu có và hùng mạnh hơn”.
Các chuyên gia về chính sách đối ngoại cũng cho rằng, so với Trung Quốc, Mỹ đang ở một vị trí tốt hơn để có thể thực hiện được mục tiêu khôi phục lại vị thế trên toàn cầu.
“Nhiều nhà phân tích Trung Quốc tin rằng Tổn thống Donald Trump đã khiến vị thế của Trung Quốc suy giảm, trong khi thực tế thì chính Bắc Kinh mới là bên cần phải chịu trách nhiệm cho điều này. Họ cũng nghĩ rằng, một khi ông Trump rời nhiệm sở, uy tín của Bắc Kinh sẽ được cải thiện”, chuyên gia Cooper, thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nói.
“Nhưng đến tháng 1/2021, Trung Quốc có thể vẫn “dậm chân tại chỗ” còn nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden sẽ nhanh chóng giành được sự ủng hộ. Trung Quốc cần phải sửa chữa sai lầm của nước này nhưng điều đó sẽ phụ thuộc một phần vào tổng thống mới của Mỹ”, chuyên gia Cooper nói thêm./.