"Cơn đau đầu" của phương Tây
Giữa bối cảnh thị trường chứng khoán biến động, lạm phát cao, lo ngại suy thoái gia tăng, người Mỹ đang chuyển dần sự chú ý từ cuộc chiến ở Ukraine sang nền kinh tế của mình.
Lạm phát hiện đã trở thành mối lo ngại tài chính lớn nhất với gần như mỗi người dân Mỹ khi giá mọi thứ đều tăng, từ khí đốt đến các mặt hàng tạp hóa.
Có một số lý do cho việc lạm phát lên mức cao nhất trong 40 năm qua, lên 8,6% vào tháng trước ở Mỹ, trong đó bao gồm giá thuê nhà và chi phí lao động tăng. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho rằng nguyên nhân chính là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng như sự gián đoạn của các loại hàng hóa do cuộc chiến này gây ra.
"Chiến sự ở Ukraine, giá dầu và giá các loại hàng hóa khác gia tăng là nguyên nhân số 1, sau đó là đại dịch và sự thiếu hụt nhà ở", Mark Zandi, chuyên gia kinh tế tại Moody’s Analytics cho hay.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vào tháng 2/2022 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu và khiến thị trường quốc tế này càng bất ổn. Một số loại hàng hóa liên tục biến động, trong đó có dầu mỏ và lương thực, do nguồn cung ở Nga và Ukraine bị hạn chế.
Phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, phương Tây đã áp một loạt lệnh trừng phạt nặng nề lên nền kinh tế Nga. Hàng trăm công ty quốc tế đã rời khỏi quốc gia này và sự cô lập đó khiến GDP của Nga tổn thất 3,5% trong quý đầu tiên.
Tuy nhiên, thậm chí cả khi nền kinh tế chịu tổn thất, Nga vẫn có khả năng chi phối giá cả toàn cầu, từ năng lực đến lương thực. Các lệnh trừng phạt của phương Tây bắt đầu gây tổn thất cho nền kinh tế Mỹ và phần còn lại của thế giới do giá năng lượng gần đây tăng cao khiến các nhà máy phải đóng cửa và tăng trưởng chậm lại ở khắp châu Âu và Mỹ. Điều đó cho thấy Nga có nhiều công cụ để gây ảnh hưởng hơn so với những gì các nhà lãnh đạo phương Tây tính toán.
Nếu chiến tranh tiếp diễn, các tổ chức tài chính toàn cầu, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, điều đó có thể gây ra những hậu quả thậm chí còn nghiêm trọng hơn cho nền kinh tế Mỹ. Các chuyên gia bắt đầu cảnh báo về một mối đe dọa tài chính khác đã không xảy ra trong nhiều thập kỷ qua, đó là lạm phát kèm suy thoái, có nguy cơ xuất hiện trở lại.
"Giữa bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, lạm phát cao và lãi suất tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ suy giảm trong năm 2022", Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass dự báo.
Hiện tượng kinh tế chưa từng có kể từ những năm 1970
Cuộc chiến này có thể dẫn tới "một vài năm lạm phát vượt mức trung bình và tăng trưởng dưới mức trung bình. Đó là hiện tượng lạm phát đi kèm suy thoái mà thế giới chưa từng chứng kiến kể từ những năm 1970", ông David Malpass nhận định.
Lạm phát kèm suy thoái xảy ra khi tăng trưởng chậm lại đáng kể nhưng lạm phát cao và giá cả tăng. Mỹ chưa từng xảy ra hiện tượng này kể từ những năm 1970. Vào thời điểm đó, giá dầu tăng cao dẫn tới tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp tăng và giá cả ở mức cao trong một thời gian liên tục. Bối cảnh hiện nay khác với những năm 1970 nhưng một cuộc chiến kéo dài ở châu Âu có thể dẫn đến những rủi ro tương tự.
Cuộc chiến ở Ukraine cũng gây ra sự sụt giảm đáng kể nguồn cung năng lượng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác, điều vốn đã tồi tệ do những vấn đề về chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch Covid-19 và việc các trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc bị phong tỏa.
Sự thiếu hụt nguồn cung và giá năng lượng tăng cao do chiến tranh cũng bắt đầu buộc các nhà máy ở châu Âu phải đóng cửa. Sản xuất và sản lượng công nghiệp ở Mỹ cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Sản lượng công nghiệp thấp có thể là dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái đang đến gần, theo như những gì các nhà kinh tế học dự bảo. Thêm vào đó, giá năng lượng tăng cao đẩy giá cả các loại hàng hóa tăng có thể là "sự kết hợp hoàn hảo" cho việc xuất hiện hiện tượng lạm phát kèm suy thoái.
Đòn đáp trả của Nga
Từ khi chiến tranh bùng nổ, làn sóng trừng phạt của phương Tây đã "tấn công tới tấp" vào nền kinh tế Nga, dẫn đến hàng trăm công ty sở hữu nước ngoài rời Nga và cô lập phần lớn nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, mặc dù các lệnh trừng phạt tác động mạnh mẽ đến Nga, với tỷ lệ lạm phát ở mức 20%, nhưng ngành dầu mỏ và khí đốt của Nga vẫn đóng vai trò lớn trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Liên minh châu Âu đã cam kết sẽ giảm nhập khẩu 90% dầu mỏ Nga vào cuối năm nay. Dù vậy, châu lục này hiện vẫn chiếm hơn 50% xuất khẩu dầu mỏ của Nga và có lẽ sẽ phải mất một thời gian nữa mới có thể giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga.
Và thậm chí cả khi châu Âu có khả năng giảm phụ thuộc vào Nga thì Moscow vẫn còn những hợp đồng năng lượng lớn với Trung Quốc và Ấn Độ. Nguồn cung năng lượng hạn chế đồng nghĩa với việc giá dầu vẫn sẽ tăng cao và đó sẽ tiếp tục là cú hích cho các công ty năng lượng Nga.
"Từ bỏ nguồn năng lượng của chúng tôi là điều khó có thể xảy ra trong một vài năm tới", Tổng thống Putin nhận định tuần này. Và nhà lãnh đạo Nga đã đúng khi một phân tích gần đây của Bloomberg dự báo, doanh thu dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ ở mức 285 tỷ USD năm 2022, lớn hơn 20% so với năm ngoái.
Với việc Nga giữ ổn định tài chính tốt hơn các nước phương Tây dự tính, rõ ràng Tổng thống Putin sẽ không ngại khóa van khí đốt tới châu Âu. Chỉ trong tuần nay, Nga đã thắt chặt dòng chảy khí đốt và khiến giá năng lượng châu Âu tăng 24%.
Chừng nào Nga còn chi phối lớn đến giá năng lượng thì chừng đó phương Tây còn lo ngại khi nguồn cung hạn chế. Giữa bối cảnh giá năng lượng là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát ở Mỹ, các động thái của Nga có thể khiến tình trạng giá cả tăng cao kéo dài.
Trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ông Malpass thận trọng cho rằng chìa khóa để xoay chuyển nguy cơ đối mặt với hiện tượng lạm phát kèm suy thoái là tăng sản xuất nhiên liệu để giảm giá thành và đối phó với lạm phát.
Rõ ràng, Nga đã và đang cho phương Tây thấy rằng lệnh trừng phạt của họ đang khiến chính họ đối mặt với cơn đau đầu kinh tế về dài hạn./.