Chính quyền Triều Tiên hôm 5/5 xác nhận vừa tiến hành thử nghiệm các bệ phóng tên lửa và vũ khí dẫn đường chiến thuật, một ngày sau khi phóng một số “vật thể bay” với tầm bắn từ 70-200km trên biển.

phao_phan_luc_trieu_tien_jkxr.jpg
Pháo phản lực Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: KCNA.

Những động thái mới nhất này được coi là thông điệp cứng rắn mà Triều Tiên gửi tới Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân đang lâm vào bế tắc.

Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) hôm 5/5 cho biết, các vụ thử hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa diễn ra hôm qua (4/5) ở khu vực bờ biển Nhật Bản và dưới sự giám sát của chính Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo KCNA, mục đích là nhằm đánh giá và kiểm tra khả năng hoạt động, độ chính xác của những loại vũ khí nêu trên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, cho rằng hành động của Triều Tiên đi ngược lại với thỏa thuận quân sự ký giữa hai nước hồi năm 2018, đồng thời kêu gọi Triều Tiên tham gia tích cực vào nỗ lực nhằm khôi phục nhanh chóng đối thoại.

Tuy nhiên, theo Chuyên gia về Triều Tiên Ankit Panda, các vụ phóng ngày 4/5 không vi phạm cam kết ngừng các vụ thử tên lửa do chính Chủ tịch Kim Jong-un đưa ra. Tại Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ hồi tháng 6/2018 tại Singapore, ông Kim Jong-un đã cam kết làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, phản ứng trước các vụ phóng của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4/5 khẳng định vẫn tin tưởng vào thiện chí của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đi tới một thỏa thuận về hạt nhân. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, ông tin, Chủ tịch Kim Jong-un có thể nhận thấy những tiềm năng kinh tế to lớn của Triều Tiên và sẽ không làm gì để ngăn cản hay chấm dứt triển vọng này. 

Dự kiến tuần tới, Đại diện đặc biệt Mỹ Stephen Biegun sẽ thăm hai nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo chính phủ Mỹ, trong chuyến thăm, ông Biegun sẽ thảo luận với các quan chức hai nước về những nỗ lực nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng Triều Tiên.

Trên thực tế, từ hơn 1 năm nay, kể từ khi bắt đầu tiến trình hòa giải với Hàn Quốc và Mỹ, chính quyền Triều Tiên đã không tiến hành thêm bất kỳ vụ thử tên lửa đạn đạo hay vũ khí hạt nhân nào. Vụ thử gần đây nhất là vào cuối năm 2017. Dẫu vậy, sự hoài nghi đang ngày một lớn, giữa lúc tiến trình đàm phán đang lâm vào bế tắc hiện nay. Hồi đầu tuần, Triều Tiên đã cảnh báo Mỹ sẽ phải hứng chịu hậu quả không mong muốn nếu không thay đổi lập trường từ nay đến cuối năm.

Bình luận về những diễn biến mới nhất trên bán đảo Triều Tiên, ông Harry J. Kaziannis thuộc Trung tâm “Lợi ích Quốc gia” tại Washington cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đã mất kiên nhẫn với tiến triển chậm chạp của các cuộc đàm phán hiện nay và cuối cùng đã quyết định “nhắc nhở” nước Mỹ về năng lực quân sự của nước này và nếu các bên không có những bước đi kịp thời, nguy cơ trở lại giai đoạn bờ vực hồi năm 2017 là có thể./.