Tổng thống Barack Obama sẽ hối thúc lãnh đạo các nước Đông Nam Á tăng cường thương mại và hậu thuẫn các mục tiêu chung của khu vực này trong một hội nghị thượng đỉnh khai mạc vào ngày 15/2 (giờ Mỹ).
Tổng thống Obama. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Obama cũng sẽ thảo luận việc “kiềm chế” Triều Tiên và thảo luận các kế hoạch chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS trong cuộc họp 2 ngày với đại diện các quốc gia trong khối ASEAN ở khu nghỉ dưỡng Sunnylands, California, Mỹ.
Cuộc gặp gỡ này diễn ra ở đúng địa điểm mà Tổng thống Obama từng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sự kiện này được thiết kế nhằm thể hiện cam kết của Washington với tư cách là đối trọng với Bắc Kinh, cũng như là một đối tác thương mại nhiệt thành của các nước ASEAN.
Hội nghị cũng giúp củng cố di sản của ông Obama – người đã cổ xúy cho chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á trong nhiệm kỳ của mình. Ông Obama quyết tâm khẳng định vai trò của Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương.
Phó Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Ben Rhodes phát biểu trước báo giới vào tuần trước: “Chúng tôi muốn chỉ rõ ra rằng Mỹ sẽ có mặt tại bàn nghị sự và tham dự vào việc hoạch định nghị sự cho châu Á-Thái Bình Dương trong các thập kỷ tới.”
Theo lịch trình, ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế và thương mại, bao gồm việc thảo luận về thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm 4 nước ASEAN là Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia.
Ông Obama sẽ rắn với Trung Quốc
Vào ngày 16/2, các lãnh đạo sẽ thảo luận các vấn đề biển trong đó có Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ biển này một cách phi pháp.
Ông Rhodes cho biết, ông Obama sẽ phát đi một thông điệp cứng rắn với Trung Quốc, rằng các tranh chấp ở khu vực biển này phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Ông Rhodes nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh nguyên tắc giải quyết nhất quán các vấn đề này theo thông lệ quốc tế, chứ không phải là theo kiểu nước lớn bắt nạt nước bé”.
Thách thức tại hội nghị này có thể là làm thế nào để tất cả các nước ASEAN nhất trí về một tuyên bố chung mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông.
Áp lực từ phía Tổng thống Mỹ Obama có thể vô hiệu hóa những vận động của Trung Quốc muốn một số nước ASEAN không ký vào bản tuyên bố chung.
Ernest Bower, một chuyên gia châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói: “Nếu các nhà lãnh đạo ASEAN cảm nhận được rằng Mỹ đang bỏ công bỏ sức vào ASEAN thì điều đó sẽ khích lệ cả những nước yếu thế nhất đồng ý ký vào tuyên bố chung cùng với các người anh em của mình.”/.