Thịt chó- món ẩm thực gây nhiều tranh cãi
Một trong những điều khó khăn nhất đối với người phương Tây để chấp nhận cuộc sống ở Hàn Quốc, và một số nước châu Á khác, là phong tục ăn thịt chó.
Đối với nhiều người phương Tây, chỉ cần suy nghĩ đến điều này đã cảm thấy “buồn nôn” trong khi ở Hàn Quốc, thịt chó là truyền thống ẩm thực thiêng liêng.
Người dân Hàn Quốc thường ăn thịt chó vào dịp Boknal để hạ hỏa. (ảnh: KT). |
Theo WSJ, trung bình một năm, ngành công nghiệp thịt chó ở Hàn Quốc giết mổ khoảng 2,5 triệu con chó, phục vụ 20000 nhà hàng trên khắp cả nước, và thu về khoảng 2 tỉ USD. Cũng theo ước tính cho thấy, 100.000 tấn thịt chó được tiêu thụ hằng năm, trong đó có khoảng 93.600 tấn được dùng để sản xuất loại thuốc bổ sức khỏe gọi là “gaeoju”.
Khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia thường rất xung khắc và khó giải quyết. Về vấn để thịt chó, những người phản đối (thường là đến từ các nước phương Tây) cho rằng ăn thịt chó là “đáng lên án” bởi con chó không chỉ là thú cưng mà còn là người bạn thân thiết, thậm chí là người thân trong gia đình.
Phía bên kia, những thương lái và các chủ trang trại chó ở Hàn Quốc cũng lên tiếng bảo vệ kế sinh nhai của mình. Họ chỉ trích người phương Tây là “đạo đức giả”, họ nói: “Các anh cũng ăn thịt cừu, bò, gà. Có gì khác nhau đâu?”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ IBTimes, bà Lola Webber, chuyên gia của Tổ chức nhân đạo quốc tế (HIS) cho biết hiện nhiều người Hàn Quốc vẫn giữ thói quen ăn thịt chó, bởi họ coi đó là thức ăn bổ dưỡng.
Bà Webber cũng nói thêm rằng, người Hàn Quốc có quan niệm phân biệt giữa chó nuôi lấy thịt và chó nuôi làm bầu bạn. Họ không ăn những chú chó cưng của mình nhưng vẫn ăn thịt chó nuôi tại trang trại.
Bà Lola Webber, chuyên gia của Tổ chức nhân đạo quốc tế (HIS) ôm một chú cho được tổ chức này cứu sống khỏi việc bị làm thịt. (ảnh: Change for Animals Foundation) |
Tuy vậy, tổ chức HIS muốn người Hàn Quốc thay đổi suy nghĩ này. Mới đây, tổ chức HIS phối hợp với tổ chức bảo vệ động vật Change For Animals giải cứu hơn 100 chú chó từ một trang trại ở vùng nông thôn.
Hai tổ chức nói trên đã tìm gặp chủ trang trại và trao cho anh ta một số tiền nhất định, đồng thời đề xuất hướng kinh doanh khác thay thế cho việc nuôi chó lấy thịt.
Hơn 100 chú chó này đã được tiêm phòng từ một tháng trước và được gửi tới California, Mỹ để tìm những người chủ nhân mới từ ngày 15/9.
Còn người chủ trang trại (giờ đây chỉ còn lại những chiếc lồng trống không) đã ký một hợp đồng pháp lý. Theo hợp đồng này, anh ta đã cam kết sẽ không bao giờ quay trở lại con đường kinh doanh nuôi chó lấy thịt nữa hoặc bất cứ công việc nào liên quan đến việc giết mổ động vật lấy thịt.
Người chủ trang trại còn cho biết thêm, anh ta cũng sẽ khuyên bạn bè anh ta, những người chủ trang trại khác thay đổi. Số tiền đền bù trong vụ này không được tiết lộ.
Người Hàn Quốc không còn “chuộng” món thịt chó như trước đây
Theo Lola Webber, sáng lập viên của tổ chức Change For Animals (Tạm dịch: Thay đổi vì động vật), mục đích của họ là chấm dứt ngành thực phẩm thịt chó tại Hàn Quốc. Bà Lola cho biết, chiến dịch này là khả thi vì xã hội Hàn Quốc đang dần thay đổi.
Khi Hàn Quốc ngày càng trở nên giàu có, thái độ của họ cũng thay đổi và cởi mở hơn. Thú nuôi ngày càng trở nên được ưa chuộng, và những người nuôi chó làm vật nuôi thì không còn thích suy nghĩ có món thích chó trên mâm cỗ của họ.
Thú nuôi ngày càng trở nên được ưa chuộng ở Hàn Quốc. (ảnh: Alamy). |
Các cửa hàng thịt chó cũng đang dần đóng cửa. BBC cho biết, trước kia Seoul từng có 1.500 cửa hàng phục vụ thịt chó thì nay đã giảm xuống chỉ còn 7.00 cửa hàng.
Cùng với sự phản đối ngày càng nhiều của các tổ chức bảo vệ động vật và dư luận quốc tế, chính phủ Hàn Quốc cũng phối hợp tìm cách thay đổi thói quen và phong tục ăn thịt chó của người dân. Mặc dù khoảng 1/3 người dân nước này từng ăn thịt chó ít nhất một lần trong đời, nhưng ngày nay chỉ còn một bộ phận rất nhỏ còn tiếp tục thường xuyên ăn thịt chó.
Ông Park So-youn, Chủ tịch tổ chức Quyền Cùng Sinh tồn của Động vật trên Trái Đất (CARE), cho rằng một trong những lý do khiến Hàn Quốc muốn người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó là họ không muốn thu hút sự chỉ trích, chế nhạo của dư luận quốc tế và khiến cả thế giới tin rằng toàn bộ dân tộc Hàn Quốc đều ăn thịt chó.
Hàn Quốc đã bắt đầu bằng các khuôn khổ pháp lý để hạn chế tình trạng người dân ăn thịt chó. Năm 2007, Quốc hội Hàn Quốc thông qua Luật Bảo vệ Động vật, quy định hành vi buôn bán, giết mổ thịt chó một cách dã man là bất hợp pháp. năm 2007 của Hàn Quốc nhấn mạnh: “Hành vi giết hại động vật tàn bạo như treo cổ, hoặc giết thịt nơi công cộng, trước mặt các đồng loại của con vật đều bị nghiêm cấm”.
Sau khi đạo luật này được thông qua, nhà chức trách Hàn Quốc đã bắt đầu xử lý, trừng phạt những người hành hạ, ngược đãi và sát hại dã man các loài động vật nuôi, nhất là loài chó. Hồi tháng Hai, cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ một công nhân người Indonesia vì hành vi giết thịt tàn bạo một con chó, và anh này đã phải chịu mức án tù cùng mức phạt tiền rất nặng.
Cùng với các chế tài pháp lý, Hàn Quốc cũng đã đẩy mạnh chiến dịch vận động nhằm kêu gọi mọi người nói “không” với thịt chó.
Một khảo sát gần đây của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho thấy chỉ còn khoảng 30% người dân nước này còn ăn thịt chó, và 59% người trẻ Hàn Quốc dưới 30 tuổi hoàn toàn chưa từng ăn thịt chó. Trong đó, 62% họ nói rằng, chó là vật nuôi chứ không phải thực phẩm, và việc ăn thịt chó là một “nét văn hóa lỗi thời” cần được loại bỏ.
Hàn Quốc sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn thịt chó?
Tuy số người phản đối ăn thịt chó đang ngày càng tăng ở Hàn Quốc, nhưng mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn ngành thịt chó tại Hàn Quốc thì lại rất khó xảy ra.
“Ăn thịt chó” được xem là phong tục, ăn sâu vào tiềm thức của người dân Hàn Quốc từ rất lâu đời. Truyền thống ăn thịt chó này được người Hàn Quốc gìn giữ qua “đại tiệc thịt chó” được tổ chức vào 3 ngày nóng nhất trong năm có tên gọi là Boknal.
Trong những ngày nóng nực này, người dân Hàn Quốc tìm cách hạ hỏa bằng món thịt chó và rượu. Họ cho rằng thịt chó có những chất có thể giúp cân bằng nhiệt trong cơ thể để chống lại sự oi bức của mùa hè.
Ngoài ra thịt chó cũng được xem như gắn liền với tính đàn ông. Những người cha thường hay mang con trai đi ăn thịt chó vào lễ trưởng thành.
Tuy vậy, các chiến dịch biểu tình chống ăn thịt chó đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trên đất nước này. Năm 2011, tổ chức CARE đã tập hợp nhiều thành viên tại một địa điểm giết mổ chó tập trung đúng vào Boknal để phản đối việc giết chó hàng loạt làm thịt.
Các tình nguyện viên của CARE kêu gọi mỗi người tham gia cứu lấy một chú chó từ trong lò mổ, nhằm truyền tải một thông điệp rằng “chó là bạn chứ không phải món ăn”.
Một chiến dịch biểu tình chống ăn thịt chó của tổ chức CARE. (ảnh: Getty). |
Đến năm 2012, một nhóm hoạt động khác có tên gọi Quyền Động vật cũng đã thực hiện một chiến dịch với nội dung tương tự trước của Đại sứ quán Hàn Quốc tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Thông điệp của chiến dịch này là “Chó là bạn chứ không phải đồ ăn” hay “Chó là người bạn tốt nhất của con người, còn con người là hi vọng tươi sáng nhất của loài chó”.
Một trong những bước ngoặt lớn xảy ra vào năm ngoái là vụ việc Chợ Moran Seongnam, một trong những địa điểm giết mổ chó lớn nhất dịp Boknal của Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ xây dựng một công viên tại chính lò mổ của họ.
Công viên mới được xây dựng rộng khoảng 37.000m2 từng là nơi tập trung hàng ngàn con chó để giết thịt trong dịp Boknal. Sau khi lò giết mổ Moran Seongnam bị đóng cửa, khu vực xung quanh chỉ còn 7 lò nuôi và giết mổ chó, với 73 người điều hành chính thức.
Việc chính quyền thành phố Seongnam quyết định đóng cửa lò mổ chó trên đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi của người dân và các tổ chức bảo vệ động vật.
Tổ chức Quyền Động vật Hàn Quốc (KARA) cho rằng công viên Moran Seongnam là một “bước ngoặt” trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền và phúc lợi động vật ở Hàn Quốc./.