Khủng hoảng chính trị tại Syria có những diễn biến mới
 
syria.jpg
Căng thẳng chính trị và bạo lực tại Syria vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt khi liên tiếp có thêm những diễn biến tiêu cực có thể đấy quốc gia Trung Đông này chìm sâu vào khủng hoảng.
 
Bạo lực đẫm máu tiếp tục tục leo thang, sau khi LHQ tuyên bố các quan sát viên ngừng sứ mệnh hòa bình, do tình hình tại quốc gia Trung đông này ngày càng xấu đi và trở nên khó cứu vãn. Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria, gần 120 người, trong đó phần lớn là dân thường thiệt mạng trong các vụ tấn công và giao tranh ngày 21/6. Đây được xem là một trong những ngày đẫm máu nhất kể từ khi lệnh ngừng bắn theo kế hoạch hòa bình của phái viên quốc tế Kofi Annan có hiệu lực ngày 12/4 vừa qua.
 
Nội bộ chính quyền Syria được cho là đang có những rạn nứt, tờ Telegraph dẫn nguồn tin từ quan chức cao cấp của Mỹ cho hay, nhiều nhân vật thân cận Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang lên kế hoạch đào tẩu và gia nhập hàng ngũ phe đối lập khi thấy chế độ của ông Assad đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ngày 22/6, 4 anh em gồm 2 thiếu tướng và 2 đại tá đã tung lên mạng Internet một đoạn băng trong đó thông báo họ đã quyết định đào ngũ khỏi quân đội Syria.
 
Đau đầu với tình hình trong nước, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad còn gặp phải vấn đề với quốc gia láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 22/6, một máy bay quân sự F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị lực lượng phòng không Syria bắn hạ. Vụ việc đang làm dấy lên mối quan ngại về một cuộc đối đầu mới khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ hành động này của Syria và có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông. Trong ảnh: Biểu tình phản đối Tổng thống Bashar al-Assad tại tỉnh Idlib (Ảnh: Reuters).
 
Người dân Ai Cập chờ đợi Tổng thống dân sự đầu tiên
 
Cuộc bầu cử Tổng thống tại Ai Cập đã kết thúc từ tuần trước, nhưng theo dự kiến phải đến chiều nay (24/6), kết quả chính thức cuối cùng mới được công bố. Theo nhận định, nhiều khả năng ứng cử viên Mohamed Mursi, được sự ủng hộ của Đảng Những người anh em Hồi giáo sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này.
 
Tuy nhiên, đối với quân đội Ai Cập - lực lượng hiện đang nắm quyền tại quốc gia Bắc Phi này, việc ông Mursi giành chiến thắng không phải là điều lực lượng này mong muốn. Nhận thức rõ nguy cơ này, liên tiếp trong 2 ngày 15 và 17/6, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập đã ra quyết định giải tán Quốc hội do Những người anh em Hồi giáo chiếm đa số; ra Tuyên bố Hiến pháp về việc hạn chế quyền lực của Tổng thống tương lai, đồng thời tăng cường quyền lực của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang, trong đó có quyền lập pháp và quyết định chiến tranh. Đây cũng chính là nguyên nhân châm ngòi chocác cuộc biểu tình rầm rộ tại Ai Cập trong những ngày qua.

Các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, dù cho ông Mursi hay ông Safiq trở thành Tổng thống mới của Ai Cập, điều chắc chắn là chính trường của quốc gia này vẫn chưa thể ổn định. Tương lai chính trị tại quốc gia Bắc Phi - một thời vẫn được coi là đầu tàu của thế giới Arab vẫn rất mịt mù, bất định. Trong ảnh: Ứng cử viên Safiq (trái) và Mursi (phải), ai sẽ trở thành Tổng thống mới của Ai Cập? (Ảnh: Fox News).

Chính phủ mới của Hy Lạp và những khó khăn chồng chất

Ngày 20/6 vừa qua, Thủ tướng mới của Hy Lạp Antonis Samaras đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, xóa bỏ mối lo về một kịch bản tồi tệ là nước này phải rời bỏ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Tuy nhiên, việc thành lập được một chính phủ mới cũng mới chỉ là bước đi đầu tiên trên còn đường khôi phục đất nước đầy gian truân. Các nhà quan sát đã cảnh báo, Hy Lạp vẫn có thể sẽ rơi vào tình trạng bất ổn khi thúc đẩy hơn nữa các biện pháp khắc khổ trong nước để nhận được khoản cứu trợ mới.

Trong diễn biến mới nhất, Chính phủ liên minh mới của Hy Lạp yêu cầu kéo dài thời hạn thêm ít nhất 2 năm để thực hiện kế hoạch thắt lưng buộc bụng mà nước này phải thực hiện để đổi lấy sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Mục đích là nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách mà không phải thực hiện thêm bất kỳ biện pháp cắt giảm lương, trợ cấp hay đầu tư công nào nữa. Trong ảnh: Nội các mới của Hy Lạp họp phiên đầu tiên (Ảnh: AP).

G20 cam kết ổn định khu vực đồng euro

Hội nghị G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi) đã kết thúc 2 ngày nhóm họp tại Los Cabos, Mexico. Trong tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh G20 được thông qua ngày 19/6, Liên minh châu Âu cam kết sẽ thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để ổn định khu vực đồng euro. Các lãnh đạo dự họp ủng hộ các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và cắt giảm chi tiêu ngân sách ở châu Âu.

G20 cũng ủng hộ kế hoạch của châu Âu hướng đến một liên minh ngân hàng gắn kết hơn và sẵn sàng cứu trợ các ngân hàng Tây Ban Nha. Ngoài ra, lãnh đạo G20 cũng nhất trí ủng hộ nỗ lực của EU nhằm đối phó khủng hoảng, bao gồm lập Cơ chế bình ổn châu Âu - quỹ cứu trợ khu vực dự kiến triển khai vào tháng 7 tới. Trong ảnh: Lãnh đạo các nước G20 chụp ảnh chung tại Los Cabos (Ảnh: Reuters).

Tập trận chung Mỹ - Hàn và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên

Ngày 21/6, cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa Hàn Quốc, Nhật và Mỹ bắt đầu. Đây được coi là động thái cảnh báo của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đối với Triều Tiên sau khi nước này phóng tên lửa mang vệ tinh bất thành hồi tháng Tư.

Tiếp đó, ngày 22/6, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất từ trước đến nay tại Pocheon (giáp Triều Tiên) nhân dịp 62 năm chiến tranh liên Triều. Tham gia cuộc tập trận kéo dài một ngày này có khoảng 2.000 binh sĩ, máy bay chiến đấu F-15K, máy bay trực thăng Apache và xe tăng. Đặc biệt, đích thân Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik trực tiếp chỉ huy cuộc tập trận nhằm thể hiện khả năng phản công trước cuộc tấn công từ Triều Tiên theo đúng kịch bản của cuộc chiến tranh 62 năm về trước.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích chính trị, những động thái  mới này của Mỹ và đồng minh có thể đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đến một nấc thang căng thẳng mới. Ngày 22/6, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời một người phát ngôn Ủy ban Hòa bình Quốc gia Triều Tiên lên án các cuộc tập trận chung nói trên là hành động chủ ý nhằm khiêu chiến, đẩy bán đảo Triều Tiên và phần còn lại của Đông Bắc Á đến bên lề một cuộc xung đột vũ trang. Trong ảnh: Xe tăng Hàn Quốc bắn đạn thật trong cuộc tập trận giáp biên giới với Triều Tiên (Ảnh: AP).

Tranh chấp lãnh thổ Philippines - Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Tranh chấp chủ quyền tại bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sau khi tuyên bố rút các tàu, thuyền khỏi khu vực này để tránh bão, ngày 20/6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho biết, ông sẽ điều tàu trở lại bãi cạn Scarborough một khi thời tiết được cải thiện, nếu tàu của Trung Quốc khi đó vẫn chưa rời khỏi khu vực.

Ngày 22/6, đài ABS-CBN News của Philippines dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Voltair Gazmin khẳng định quân đội Philippines tuyên bố vừa triển khai máy bay để giám sát bãi cạn Scarborough.

Cũng trong ngày 22/6, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời ông Gazmin đề nghị đưa 2 tàu thuộc Lực lượng Tuần duyên Philippines, Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản đến Scarborough. Ông cho rằng sự vắng mặt của các lực lượng Philippines tại khu vực này chẳng khác gì là “sự chiếm đóng” của Trung Quốc đối với phần lãnh thổ của Philippines. Trong ảnh: Mỏm đá nhô lên tại bãi cạn Scarborough (Ảnh: QQ).

Các nước Mỹ Latin lên án việc phế truất Tổng thống Paraguay

Ngày 22/6, Thượng viện Paraguay đã bỏ phiếu bãi nhiệm Tổng thống Fernando Lugo do "thiếu trách nhiệm trong việc thực thi chức trách".

Phát biểu với dân chúng sau khi bị Thượng viện bãi nhiệm, ông Lugo cho biết ông chấp nhận quyết định, song nhấn mạnh không phải ông mà nền dân chủ tại Paraguay "đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính có sự hậu thuẫn của các thế lực bảo thủ trong Quốc hội".

Tổng thống Lugo bị phế truất đúng một tuần sau khi xảy ra vụ đụng độ đẫm máu giữa lực lượng cảnh sát với nông dân tại một điền trang nằm cách thủ đô Asuncion khoảng 400 km về phía Tây Bắc, làm 17 người thiệt mạng và khoảng 80 người bị thương.

Phiên xét xử này bị nhiều nhóm chính trị xã hội trong nước và chính phủ các nước láng giềng Nam Mỹ đánh giá là một cuộc đảo chính do các nhóm cánh hữu tiến hành chống lại nền dân chủ ở Paraguay. Một loạt các nước Mỹ Latin đã lên án diễn biến chính trị tại Paraguay, cho đây là một cuộc đảo chính. Trong ảnh: Người dân Paraguay tụ tập trước trụ sở Quốc hội phản đối việc bãi nhiệm ông Lugo (Ảnh:Reuters).

Vợ nguyên Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai nhận tội giết người

Tờ Asashi Shimbun (Nhật Bản) dẫn các nguồn tin từ Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, bà Cốc Khai Lai, vợ của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, đã thú nhận sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood nhằm ngăn cản ông này tiết lộ thông tin về những gian dối tài chính, trong đó có những vụ chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Với lời nhận tội này, Chính phủ Trung Quốc muốn xúc tiến xét xử bà Cốc trong mùa hè nhằm khép lại vụ án trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa Thu này. Trong ảnh: Bà Cốc Khai Lai (trái) và nạn nhân Neil Heywood (Ảnh: Internet)./.