Lực lượng cứu hộ đã chuyển trọng tâm sang trục vớt con tàu bị nạn khỏi vùng biển ngoài khơi đảo Bali. Các nhà chức trách Indonesia cho biết, oxy dự trữ cho tàu chỉ đủ dùng cho 3 ngày sau khi mất điện, tức là đến sáng sớm nay (theo giờ địa phương). Hàng trăm quân nhân đã tham gia vào nỗ lực chạy đua với thời gian để tìm kiếm chiếc chiếc tàu KRI Nanggala 402 do Đức chế tạo. Tuy nhiên, thời hạn này đã hết vào đầu giờ sáng nay, mà vẫn không có dấu hiệu của con tàu mất tích và 53 thành viên thủy thủ đoàn.
Chiếc tàu ngầm, nằm trong số 5 chiếc được trang bị cho hạm đội Hải quân Indonesia, đã mất tích hôm 21/4 khi đang tập trận phóng ngư lôi ngoài khơi hòn đảo nghỉ dưỡng Bali. Dấu vết dầu loang phát hiện tại khu vực được cho là nơi con tàu bị chìm đã khiến các chuyên gia lo ngại về khả năng hư hỏng thùng nhiên liệu. Một số ý kiến cho rằng, con tàu có thể đã bị vỡ khi lặn xuống độ sâu 700m, sâu hơn nhiều so khả năng chống chịu thực tế của tàu.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của vụ mất tích. Tuy nhiên, theo Hải quân Indonesia, sự cố điện có thể khiến tàu ngầm không thể thực hiện những quy trình khẩn cấp để hoạt động trở lại. Hai nước láng giềng Singapore và Malaysia, cùng với Mỹ và Australia nằm trong số những nước đang tham gia hỗ trợ tìm kiếm, với gần 2 chục tàu chiến được triển khai tại một khu vực vực rộng khoảng 34 km2.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết: “Theo yêu cầu của chính phủ Indonesia, chúng tôi đã quyết định điều máy bay tuần tra hàng hải đến để hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm mất tích, cũng như cung cấp bất kỳ hỗ trợ bổ sung nào khác mà chính phủ Indonesia có thể cần đến. Indonesia là một người bạn tốt và một đối tác chiến lược. Tất cả chúng tôi đều vô cùng đau buồn khi biết thông tin về vụ mất tích. Chúng tôi cầu nguyện cho các thủy thủ, hải quân Indonesia và gia đình của họ”.
Hồi giữa tuần, Quân đội Indonesia cho biết phát hiện dấu vết của một vật thể chưa được xác định có từ tính cao ở độ sâu từ 50 đến 100 m, làm gia tăng hi vọng tìm thấy tàu ngầm. Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu người Indonesia cầu nguyện cho sự trở về an toàn của thủy thủ đoàn, đồng thời yêu cầu lực lượng cứu hộ nỗ lực hết sức để xác định vị trí của tàu ngầm.
“Tôi đã ra lệnh cho Tư lệnh quân đội, Tham mưu trưởng Hải quân và cơ quan tìm kiếm cứu nạn sử dụng mọi nỗ lực và khả năng có thể để thực hiện một cách tốt nhất hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của 53 thành viên”, ông Joko Widodo nói.
Trong quá khứ, các tai nạn tàu ngầm thường rất thảm khốc, trong đó phải kế đến vụ nổ tàu hạt nhân Kursh của Nga năm 2000 khi đang diễn tập ở biển Barents. Toàn bộ 118 thủy thủ trên tàu đã thiệt mạng. Tuy nhiên, năm 2005, 7 người trên một chiếc tàu ngầm nhỏ của Nga đã được cứu sống gần 3 ngày sau khi tàu của họ bị mắt kẹt do lưới đánh cá và dây cáp ở Thái Bình Dương. Những người này được cứu sống khi bình oxy chỉ còn dùng được trong 6 giờ./.