Hai thập kỷ hiện đại hóa quân sự của Nga cùng với việc giải giáp của các thành viên NATO ở châu Âu đã làm thay đổi cán cân quân sự dọc theo ngoại vi của NATO. Trên chính trường, Moscow gần đây đã có một thành công lớn khi chính quyền Biden quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), củng cố vị trí của Nga với tư cách là nhà cung cấp năng lượng chính cho Đức.

Ngày nay, các quốc gia bên sườn phía Đông của NATO đang ngày càng cảm thấy áp lực từ các hoạt động của Moscow. Bên cạnh đó, tình hình ở Donetsk và Luhansk của Ukraine ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch hoạt động của khối này. 

Trong bối cảnh môi trường an ninh đang xấu đi, có một điểm sáng hứa hẹn sẽ khắc chế lợi thế địa chiến lược của Nga và củng cố hệ thống phòng thủ của châu Âu chính là Sáng kiến ​​Ba Biển (Three Seas Initiative - 3SI). Ba Biển là một dự án nhằm mục đích phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng của 12 quốc gia nằm giữa Biển Baltic, Biển Đen và Biển Adriatic, được khởi động vào năm 2015 bởi Croatia và Ba Lan.

Hiện tại, tham gia 3SI có Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Áo, Hungary, Slovenia, Croatia, Bulgaria và Romania. Về diện tích, các nước thành viên 3SI bao gồm khoảng 1/3 Liên minh Châu Âu (EU), với dân số 111 triệu người và GDP bình quân đầu người bằng khoảng 80% mức trung bình của EU.

Các nước này cũng có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong EU (ví dụ, trong giai đoạn 2015-2019, mức tăng trưởng GDP trung bình khoảng 3,5% so với 2,1% của toàn EU). 3SI đã tổ chức bốn hội nghị Thượng đỉnh và có kế hoạch cho hội nghị Thượng đỉnh lần thứ năm tại Latvia vào năm 2022.

Các dự án đầu tư kinh tế được thông qua trong các phiên họp đã thu hút được sự chú ý trong cộng đồng hoạch định chính sách. Mang trong mình tiềm năng hoàn thành việc chuyển đổi Trung Âu và tăng cường khả năng răn đe, phòng thủ dọc biên giới phía đông của châu Âu, 3SI được cho là sáng tạo nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Đầu tư vào các nền kinh tế của 12 quốc gia này mang theo triển vọng thiết lập một con đường nối hai “nửa” của châu Âu - Tây Âu thời Chiến tranh Lạnh và các vệ tinh Liên Xô cũ của khối Đông Âu. 

Các nhu cầu cấp thiết nhất là cơ sở hạ tầng, năng lượng và kết nối kỹ thuật số - những lĩnh vực mà 12 nước 3SI đã bị thâm hụt ước tính khoảng 1.500 tỷ USD. Nhận ra tiềm năng kinh tế lớn, vai trò và tác động chính trị của 3SI, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã bật đèn xanh ủng hộ sáng kiến ​​này. Tại Hội nghị An ninh Munich 2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ cam kết 1 tỷ USD cho 3SI.

Chính quyền Biden đã tiếp tục hỗ trợ và vận động cho dự án, đồng thời, Đức đảm nhận vai trò ngày càng lớn hơn trong dự án. Tuy nhiên, việc đưa 3SI sang trực tiếp dưới sự bảo trợ của EU vẫn là một vấn đề gây tranh cãi giữa một số thành viên, những quốc gia coi dự án này “đẻ” thêm việc cho Liên minh chứ không phải là hòa nhập vào không gian EU rộng lớn.

Khó khăn thách thức và tiềm năng của 3SI

Ngoài tác động kinh tế lớn của 3SI, vấn đề cấp bách mang tính địa chiến lược buộc NATO phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng Trung Âu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng quân sự của NATO và kế hoạch cơ động của Mỹ. Hành lang “liên biển” 3SI vẫn đang đối mặt với cơ sở hạ tầng nghèo nàn - di sản thời hậu đế quốc. Đặc biệt ở đây là mạng lưới đường cao tốc và đường sắt vốn đã tạo thuận lợi cho các dòng chảy Đông/Tây-Tây/Đông từ thế kỷ 19, chưa được cải tạo.

Hạ tầng cơ sở trở nên đặc biệt quan trọng sau một số đợt bành trướng hậu Chiến tranh Lạnh, NATO đã mở rộng và tái định hình biên giới của khối này ở phía đông. Thực trạng hạ tầng cơ sở hiện nay tại các quốc gia này hạn chế rất nhiều khả năng cơ động của quân Mỹ và các đồng minh. Do đó, vấn đề di chuyển vũ khí, xe máy, trang thiết bị kỹ thuật quân sự và đảm bảo hậu cần kỹ thuật trên các trục Bắc-Nam và Nam-Bắc trở thành mối quan tâm lớn và cấp bách.

Trên hành lang liên biển, đã có tiến bộ trong việc xây dựng đường và cầu, với Via Baltica dự kiến ​​kết nối Warsaw với Tallinn, và sau đó Tallinn đến Helsinki bằng phà. Nhưng phần cơ sở hạ tầng lớn nhất có ý nghĩa trong việc di chuyển xe máy quân sự dọc theo sườn phía Đông của NATO là Via Carpathia, kết nối các cảng Klaipeda ở Litva với Thessaloniki ở Hy Lạp thông qua Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria, chưa được cải thiện.

Via Carpathia dự kiến hoàn thành vào năm 2025. 

Là một phần của quá trình tái cơ cấu cơ sở hạ tầng lớn hơn dọc theo sườn phía Đông của NATO, Ba Lan đã cam kết xây dựng một Trung tâm Vận tải, biến nó thành một cơ sở hạ tầng quan trọng của khu vực. Trên thực tế, trung tâm này là một mạng lưới kết hợp giữa các tuyến đường hàng không, đường sắt và đường bộ. Dự kiến ​​700 km đường sắt cao tốc mới sẽ theo tiêu chuẩn STANAG của NATO sẽ được xây dựng để di chuyển thiết bị quân sự. Nhằm tăng cường khả năng răn đe dọc biên giới và phản ứng hiệu quả với kế hoạch tác chiến mới của Nga, cơ sở hạ tầng Đông-Tây NATO sẽ được bổ sung bằng các tuyến kết nối Bắc-Nam cần thiết.

Về phương diện này, 3SI mang tính chất chuyển đổi, mở rộng các phương án lập kế hoạch hoạt động và trên cơ sở đó, tăng cường khả năng răn đe dọc theo sườn phía Đông của NATO. Nếu được hiện thực hóa đầy đủ, châu Âu sẽ vượt qua được những di sản hậu đế quốc và hậu Xô viết ở Trung Âu. Xuất phát từ đó, 3SI xứng đáng nhận được sự hỗ trợ và đầu tư chính trị liên tục của Mỹ cũng như từ các quốc gia NATO./.