Chiều nay (29/7), tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp việc triển khai thực hiện Nghị quyết 05 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của viện nghiên cứu lập pháp và công tác tổ chức nghiên cứu chuyên đề liên quan đến một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. 

Trong 6 tháng đầu năm, Viện nghiên cứu lập pháp đã tổ chức 25 hội thảo, tọa đàm, trong đó 15 hội thảo, tọa đàm về các dự án Luật, 10 hội thảo phối hợp với Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học; nghiên cứu, cung cấp 22 chuyên đề, tài liệu phục vụ các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự kiến, thời gian sắp tới sẽ tổ chức nghiên cứu, góp ý kiến đối với các dự án luật được trình tại kỳ họp thứ 4 như: Luật đất đai (sửa đổi), Luật hợp tác xã (sửa đổi), Luật đấu thầu (sửa đổi), Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Luật Giáo dịch điện tử (sửa đổi), Luật phòng thủ dân sự, Luật giá (sửa đổi)…

Thay mặt cho Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực của Viện nghiên cứu lập pháp đã thực hiện tốt Nghị quyết 05, đóng góp rất thiết thực, kịp thời cho công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo quy định của pháp luật; triển khai khẩn trương Nghị quyết Trung ương 5 về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Viện; chủ động trong việc cung cấp thêm thông tin, luận cứ khoa học của viện nghiên cứu, cũng như kết quả của các hội thảo, tọa đàm phục vụ cho việc chuẩn bị nội dung các dự án luật.

Cho biết, kỳ họp thứ 4 tới, Quốc hội sẽ tập trung vào công tác lập pháp, cho ý kiến với 13 dự án luật, trong đó có những dự án luật sửa đổi, có những dự án cho ý kiến lần đầu như Luật đất đai (sửa đổi), Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Luật Giáo dịch điện tử (sửa đổi). Với dự án Luật đất đai sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Viện nghiên cứu lập pháp khẩn trương xem xét, đánh giá, cung cấp những luận cứ khoa học đối với dự án Luật được cho là rất khó này.

Nhấn mạnh, kỳ vọng của ngành y tế, của nhân dân đối với Luật khám chữa bệnh sửa đổi là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay toàn bộ các cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập chưa có luật, mà chỉ có nghị định của Chính phủ, mà trong công tác khám, chữa bệnh có cả công và tư.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp phối hợp với cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì, các cơ quan hữu quan, nghiên cứu, bổ sung một chương về cơ chế tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh trong luật. Từ đó, rút kinh nghiệm cho những lĩnh vực khác như liên doanh, liên kết, đầu tư. Những lĩnh vực này còn liên quan đến Luật phí và lệ phí, Luật giá…v.v.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Viện Nghiên cứu lập pháp nghiên cứu, cho ý kiến về việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội; việc sửa đổi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đơn vị hành chính, về tiêu chí chính quyền đô thị và nông thôn; dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Ngay sau cuộc làm việc này, Viện Nghiên cứu lập pháp cần khẩn trương hoàn tất kế hoạch, sớm triển khai các cuộc tọa đàm, hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia liên quan tới các dự án luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công tác lập pháp hay quyết định các vấn đề quan trọng đều phải trên cơ sở chính trị, căn cứ khoa học căn cơ, yêu cầu của thực tiễn. Là cơ quan nghiên cứu của Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp cần tiếp tục chú trọng, tăng cường năng lực mang tính dài hạn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; có cơ chế phối hợp chặt chẽ với Hội luật gia để nghiên cứu cho ý kiến vào những điều luật quan trọng./.