Theo AP, ông Kerry dự kiến sẽ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc vào ngày hôm nay (14/2) để thảo luận về vấn đề trên.

Ngoài ra, ông Kerry được cho là sẽ yêu cầu Trung Quốc rút lại một loạt những động thái leo thang căng thẳng trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước láng giềng.

Cả hai nhiệm vụ này đều được cho là “không thể thực hiện được”.

Triều Tiên quá “cứng rắn”

Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc lên Triều Tiên đang bị đặt một dấu hỏi lớn sau vụ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xử tử chú mình là ông Jang Song-thaek.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã kiên quyết bác bỏ những chỉ trích của Mỹ liên quan đến những động thái của nước này trên biển Hoa Đông và biển Đông vốn đã “đánh động” đến các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines.

jang.jpg
Vụ xử ông Jang Song-thaek khiến quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc rạn nứt (Ảnh KCNA)

Trước đó, ngày 13/2 tại Seoul, Hàn Quốc, ông Kerry nói rõ rằng chính quyền Mỹ đang tìm mọi cách để buộc Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán 6 bên và cam kết từ bỏ sở hữu các loại vũ khí hạt nhân.

“Mỹ sẽ không chấp thuận việc Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Triều Tiên cần phải thể hiện thiện chí đàm phán của mình thông qua việc thực hiện đầy đủ cam kết giải giáp vũ khí hạt nhân tại nước này”, ông Kerry nhấn mạnh.

Ông Kerry cho rằng việc này sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ phía Trung Quốc, đồng mình duy nhất có khả năng gây áp lực lên Triều Tiên.

"Trung Quốc có vai trò cực kỳ quan trọng và họ nên thực hiện điều này. Không có quốc gia nào trên thế giới có nhiều ảnh hưởng đến Triều Tiên hơn Trung Quốc nhất là khi xét đến mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa hai nước”, ông Kerry nói thêm.

Tuy nhiên, ngay cả Trung Quốc giờ cũng đang đứng trước “một phép thử khó khăn” về tầm ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên.

Các nhà ngoại giao cho rằng vào tháng 12/2013, Bắc Kinh đã không hề được thông báo trước về vụ Triều Tiên bắt giữ và tử hình ông Jang Song-thaek, người được coi là “ rất thân cận” với Trung Quốc và rất ủng hộ việc thiết lập các khu thương mại tự do dọc biên giới hai nước.

Trước đó, Bình Nhưỡng cũng được cho là đi ngược lại với mong muốn của Trung Quốc khi thực hiện một vụ thử tên lửa vào cuối năm 2012 và cho nổ một quả bom nguyên tử dưới lòng đất vào đầu năm 2013.

Việc loại bỏ ông Jang Song-thaek được cho là nhằm gạt bỏ tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh lên chính quyền Bình Nhưỡng và nhiều tuần sau vụ việc trên các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa đưa ra được cách thức giải quyết vấn đề này.

Tuần trước, một đoàn các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đến Triều Tiên nhằm nối lại các cuộc đối thoại với chính quyền của ông Kim Jung-un. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên có thực sự “quan tâm” đến đề nghị của Trung Quốc để ngồi lại bàn đàm phán hạt nhân.

Các cuộc đàm phán hạt nhân sáu bên gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản đã đổ vỡ vào năm 2008. Các quan chức Mỹ tuyên bố rằng họ sẽ không khởi động lại các cuộc đàm phán nếu Bình Nhưỡng không thực sự thực hiện những cam kết của mình trong việc từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Trung Quốc cũng quyết không nhượng bộ

Trong khi đó, việc thuyết phục Trung Quốc kiềm chế mà vẫn thể hiện được rõ quan điểm của Mỹ về những bất đồng về quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc có thể còn khó hơn bội phần đối với ông Kerry.

Kể từ khi các cuộc biểu tình bạo động chống Nhật xảy ra trên nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc vào cuối năm 2012, Bắc Kinh đã liên tục gửi các nhà ngoại giao của mình đi khắp thế giới để bày tỏ quan điểm của mình tại các diễn đàn lớn toàn cầu và thậm chí còn chỉ trích chuyến thăm châu Phi gần đây của ông Shinzo Abe.

Vài tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Anh đã so sánh Nhật Bản với bạo chúa ác quỷ Voldermort trong tác phẩm Harry Potter trên tờ nhật báo Telegraph của Anh.

Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông của Trung Quốc gây căng thẳng trong khu vực (Ảnh AP)

Sau đó, ngày 12/2, tờ báo chính thống China Daily đã giành cả một nửa trang chính của mình để thể hiện thái độ “khó chịu” của mình đối với Nhật Bản.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã đệ trình lại một vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và lực lượng tuần duyên Nhật Bản vào năm 2010 để đòi hỏi Tokyo phải đưa ra lời xin lỗi và bồi thường.

Hơn thế nữa, các tàu tuần tra của Trung Quốc cũng đã liên tục hiện diện tại hải phận xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông buộc tàu tuần duyên Nhật Bản phải có những hành động tự vệ.

Ngoài ta, các tàu Trung Quốc cũng đã tăng cường sự hiện diện của mình trên biển Đông, đặc biệt là tại khu vực hải phận của Philippines, vốn bị Trung Quốc coi là “nhược tiểu” và phải phụ thuộc vào sự bảo vệ của Mỹ.

Nhiều nhà ngoại giao còn lo ngại rằng Trung Quốc có thể thành lập khu vực nhận diện phòng không trên biển Đông và làm gia tăng khả năng đụng độ giữa Trung Quốc với các máy bay do thám của Mỹ và máy bay quân sự của nhiều nước khác.

Một quan chức Mỹ giấu tên tháp tùng ông Kerry cho biết ông sẽ thúc giục Trung Quốc kìm chế cả lời nói và hành động cũng như làm rõ những tuyên bố chủ quyền của nước này theo đúng luật pháp quốc tế.

“Đối với các nước trong khu vực và Mỹ, Trung Quốc là một trong những nước đang leo thang những hành động của mình thông qua những biện pháp không phù hợp cả về mặt luật pháp và ngoại giao. Điều này sẽ làm tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc và rõ ràng là điều mà cả Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước khác không muốn thấy”, quan chức này cho biết./.