Theo dữ liệu mới do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đăng tải hôm 22/3, biến thể BA.2 (hay còn gọi là Omicron tàng hình) chiếm khoảng 35% số ca mắc Covid-19 tại Mỹ vào tuần trước, tăng so với mức 22% của 1 tuần trước đó.

Các quan chức y tế cảnh báo rằng tổng số ca mắc Covid-19 có thể gia tăng trên khắp nước Mỹ trong vài tuần tới, song song với xu hướng dịch bệnh ở Anh và châu Âu.

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta thấy sự gia tăng số ca mắc bệnh”, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post.

Tại Anh, nơi biến thể BA.2 hiện chiếm 85% ca nhiễm mới, số ca mắc bệnh đã tăng 20% so với tuần trước. Tỷ lệ nhập viện tăng khoảng 22% so với một tuần trước đó. Theo số liệu gần đây nhất của chính phủ, số ca tử vong được ghi nhận trong 28 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tăng 17%.

BA.2 lây lan nhanh nhưng không quá nghiêm trọng

Về mặt kỹ thuật, BA.2 được phân loại là một chủng của biến thể Omicron, nhưng về mặt di truyền, chủng virus này rất khác biệt. BA.2 dễ lây lan hơn BA.1 – một chủng phụ khác của Omicron. William Hanage, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard, cho biết, BA.2 có hệ số R (hệ số lây nhiễm) là khoảng 8, nghĩa là một người nhiễm biến thể này có thể truyền bệnh cho 8 người khác.

“Điều này khiến cho BA.2 khá giống với bệnh sởi, căn bệnh dễ lây lan nhất mà chúng tôi biết”, Adrian Esterman, nhà dịch tễ học tại Đại học Nam Australia, nói và ước tính rằng hệ số R của BA.2 có thể lên đến khoảng 12.

Mặc dù BA.2 dễ lây lan hơn nhưng dường như biến thể này không gây bệnh nặng hơn.

Xu hướng của các làn sóng BA.2 ở các quốc gia là rất khác nhau. Biến thể này đã gây ra sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 và tử vong do dịch bệnh ở Hong Kong (Trung Quốc), nơi nhiều người cao tuổi do dự tiêm vaccine. Trong khi đó, Nam Phi, nơi BA.2 xuất hiện sau đợt gia tăng số ca mắc BA.1 lớn nhất của đất nước, lại không chứng kiến một làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng.

Làn sóng BA.2 sẽ diễn biến như thế nào ở Mỹ vẫn là một câu hỏi chưa có đáp án rõ ràng.

Anh đã đưa ra một số dữ liệu về xu hướng lây nhiễm của các biến thể trước đây nhưng so với tình hình hiện tại vẫn có những điểm khác biệt chính.

Anh có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn Mỹ. 86% người từ 12 tuổi trở lên ở Anh đã tiêm hai liều vaccine và 2/3 người trưởng thành đã tiêm mũi vaccine thứ ba. Tại Mỹ, 74% người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm hai liều vaccine và 46% đã tiêm mũi tăng cường.

Anh cũng có những thách thức của riêng mình. “Họ có dân số già hơn chúng ta rất nhiều”, Tiến sĩ Carlos Del Rio, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Emory, nói.

Theo một báo cáo của chính phủ Anh, người trên 65 tuổi ở nước này chiếm 19%. Tại Mỹ, người cao tuổi chiếm khoảng 16% dân số.

“Mỹ đã đối mặt với một đợt bùng phát biến thể Omicron. Hàng triệu người đã bị nhiễm bệnh. Giữa số người đã nhiễm bệnh và số người đã tiêm chủng, tôi ước tính có khoảng 73-75% dân số có khả năng miễn dịch ở một mức độ nhất định”, ông Del Rio nói.

“Bởi vậy, tôi dự đoán chúng ta sẽ có một đợt tăng đột biến số ca mắc bệnh, nhưng sẽ không quá nghiêm trọng”, chuyên gia Del Rio nói.

“Manh mối” từ Qatar

Những “manh mối” khác về xu hướng của làn sóng BA.2 đến từ Qatar. Biến thể BA.2 xuất hiện tại quốc gia Trung Đông này từ tháng 12/2021. Qatar cũng chứng kiến số ca mắc Omicron cao kỷ lục vào giữa tháng 1.

Trong một loạt các nghiên cứu gần đây, Laith Abu-Raddad và các đồng tác giả của ông tại Đại học Weill Cornell của Qatar, đã ước tính khả năng bảo vệ do vaccine mRNA mang lại cũng như do từng lây nhiễm trước đó.

Họ phát hiện ra rằng hai liều vaccine mRNA cung cấp khả năng bảo vệ vừa phải đối với các triệu chứng mắc Covid-19 từ 36-50%. Nhưng sự bảo vệ đó chỉ kéo dài trong khoảng 4 tháng và sau đó kháng thể sẽ suy giảm dần.

Theo ông Laith Abu-Raddad, mặc dù khả năng ngăn ngừa lây nhiễm đã giảm theo thời gian, những người đã tiêm vaccine vẫn được bảo vệ trước nguy cơ nhập viện và tử vong từ 70-80%. “Con số này đã tăng lên khoảng 90% sau khi tiêm mũi tăng cường”, ông Laith Abu-Raddad nói.

“Điều tốt nhất mà bất cứ ai cũng có thể làm lúc này là tiêm mũi tăng cường. Mũi vaccine thứ ba đưa khả năng ngăn ngừa lây nhiễm về mức 60% như trước đây. Nhưng điều đáng nói là hiệu quả của mũi tăng cường trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19”, ông Abu-Raddad nhấn mạnh.

Trong một nghiên cứu riêng biệt, ông Abu-Raddad và nhóm của ông cũng xem xét kháng thể sau khi lây nhiễm BA.1 chống lại BA.2. Sự bảo vệ đó thậm chí còn mạnh mẽ hơn so với hai mũi tiêm vaccine mRNA, khoảng 90%.

“Vì vậy, đây thực sự là một lý do để nghĩ rằng ngay cả khi có một làn sóng lây nhiễm mới bùng phát, nó thực sự sẽ không tồi tệ như mọi người nghĩ”, chuyên gia Abu-Raddad nói./.