Trong mục bình luận dưới bài báo tổng kết 2015 trên tờ Le Monde, một độc giả trung niên Pháp giãi bày: “Đến giờ tôi vẫn không quên được cái cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng vào đêm 13/11 khi nghe Tổng thống Hollande thông báo rằng nước Pháp sẽ áp dụng tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Nó ớn lạnh cả trong tâm trí vì nó đưa tôi về quá khứ, khi tôi còn bé và ông nội tôi, là một quân nhân, thông báo cho cả gia đình về cuộc nổi loạn của những sỹ quan vì cuộc chiến Algeria”. 

khungbo_ocwl_hdnt.jpg
Cảnh sát phong tỏa đường phố sau hàng loạt vụ tấn công ở Paris vào đêm 13/11. (Ảnh: AP).

Năm 2015 - bắt đầu bằng sự sợ hãi và kết thúc bằng sự kinh hoàng

Năm 2015, đã có những thứ đau thương chợt hiện về sau nửa thế kỷ. Lần đầu tiên kể từ cuộc chiến Algeria, toàn bộ nước Pháp lục địa bị đặt trong tình trạng khẩn cấp và Paris hít thở một bầu không khí chiến tranh.

Vụ khủng bố ngày 13/11 với mức độ tàn khốc ngoài sự tưởng tượng ngay tại kinh đô thanh bình của châu Âu đã biến 2015 thành năm khủng khiếp nhất với nước Pháp của nền cộng hòa thứ Năm. Đó là năm mà nước Pháp bắt đầu bằng sự sợ hãi – vụ khủng bố Charlie Hebdo đầu tháng 1 và kết thúc bằng sự kinh hoàng. 

Người dân Paris đặt hoa tưởng niệm nạn nhân của vụ xả súng ở tòa soạn Charlie Hebdo

Một năm đẫm máu cướp đi sinh mạng của 147 người vô tội. Một năm chứng kiến sự hy sinh của cả ban biên tập Charlie Hebdo, biến nước Pháp thành đất nước chết chóc thứ 3 trên thế giới trong năm 2015 với những người làm nghề đưa tin. Trong lịch sử báo chí thế giới, chưa từng có nước phương Tây nào có bảng báo cáo năm khủng khiếp đến thế.

Khủng bố, hay đúng hơn là nỗi sợ hãi khủng bố, đã chi phối toàn bộ đời sống chính trị-xã hội Pháp trong năm 2015. Khủng bố làm đảo lộn trật tự ưu tiên trong chính sách của chính quyền Pháp, biến ưu tiên cân bằng ngân sách vốn là nỗi lo suốt bao năm qua trở thành thứ yếu trước ưu tiên bảo đảm an ninh. Hôm 16/11, trước Đại nghị Versailles quy tụ toàn bộ tinh hoa nước Pháp, Tổng thống Francois Hollande tuyên bố rất rõ: “An ninh quan trọng hơn ổn định và châu Âu phải hiểu điều đó”.

Guồng quay của một cuộc chiến

Khi nước Pháp tự nhận mình đang đứng trong một cuộc chiến thì lẽ tự nhiên là mọi hoạt động của nó sẽ phải xoay quanh guồng quay đó. Cho đến những ngày cuối năm 2015 và đầu năm mới 2016, tình trạng khẩn cấp vẫn đang được áp dụng, đồng nghĩa với việc bất cứ sinh hoạt thường nhật nào cũng có thể bị đảo lộn.

Sự hiện diện khắp nơi của cảnh sát, quân đội với lăm le súng ống mang lại cảm giác an toàn nhưng lại gieo rắc hoài nghi và chia rẽ. Trên mặt báo mỗi ngày đều xuất hiện các câu chuyện về các nhà thờ hồi giáo, các tụ điểm tôn giáo bị lục soát thô bạo, các công dân bị nghi ngờ có tư tưởng cực đoan bị giam lỏng và thẩm vấn và cảnh sát có quyền làm mọi điều mà mình muốn.  

Binh sĩ Pháp tuần tra trên đường phố. Ảnh: Reuters.

Khi sự mạnh bạo này xua đi phần nào nỗi sợ hãi thì nó lại mang đến một sự bất an khác: sự đổ vỡ xã hội. Một biến cố lớn như ngày 13/11 khiến nước Pháp vĩnh viễn thay đổi. Một số trí thức có tiếng nói trong xã hội Pháp đã bắt đầu ví sự kiện bi thương này như làn sóng tháng Năm năm 1968 về mức độ biến đổi xã hội, cả trên thượng tầng kiến trúc lẫn trên mặt bằng xã hội. Trên chính trường, các diễn văn chính trị bắt đầu nặng nề, gay gắt, thậm chí cực đoan.

Trong bài phát biểu ở Versailles, lần đầu tiên Tổng thống cánh tả Hollande đã gạt qua mọi nghi kỵ đảng phái để đưa vào trong các đề xuất của mình những ý tưởng trước đó vốn thuộc về cánh hữu, thậm chí cực hữu: sửa đổi Hiến pháp, tước quốc tịch và đề ra các chính sách an ninh mang dáng dấp như một Đạo luật yêu nước - Patriot Act của Mỹ sau ngày 11/9/2001. 

Sự đổ vỡ và chia rẽ xã hội

Xét trên góc độ của nhà cầm quyền, mọi biện pháp đều hữu dụng, miễn là nó có thể bảo vệ được các công dân. Nhưng xét trên sự tiến bộ xã hội, nước Pháp dường như đang đào sâu hơn sự chia rẽ: giữa Công giáo và Hồi giáo, giữa người Pháp “chính gốc” và người Pháp nhập cư, giữa thành thị và ngoại ô. Sự chia rẽ này không vô hình mà thể hiện bằng những con số. Trong cuộc bầu cử cấp vùng 3 tuần sau khủng bố 13/11, đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) thắng vang dội ở vòng 1 và chỉ bị chặn lại ở vòng 2 khi tất cả các đảng phái khác liên minh để chặn nó lại.

Gần 7 triệu người Pháp trưởng thành bỏ phiếu cho FN là một con số chưa từng có trong lịch sử và là một thông điệp có sức nặng không thể nghi ngờ: người Pháp đang sợ hãi và ngày càng trở nên cực đoan hơn để tự bảo vệ lấy mình.

Đó chính là đe dọa đáng sợ nhất đối với nền Cộng hòa thứ Năm bởi khi sự sợ hãi và bế tắc thắng thế, nó sẽ xóa bỏ mọi giá trị về thế tục, dân chủ và hội nhập mà nước Pháp xây dựng bao năm qua. Nó là một thể hiện đơn giản của tiếng nói từ dân chúng: khi các đảng phái truyền thống, như đảng Xã hội (PS) hay Những người cộng hòa (LR) thất bại và bất lực trong việc điều hành đất nước, người dân Pháp có nhu cầu tìm đến một giải pháp khác, bất chấp đó là một giải pháp mang nhiều tín hiệu tiêu cực.

Thất bại về kinh tế

Sự đổ vỡ này của cán cân quyền lực trên chính trường Pháp tác động xấu đến mọi mặt khác của đời sống. Kinh tế Pháp không có cơ hội nào để hồi phục tốt khi người dân trong các dịp lễ Tết, Noel thay vì đổ đến các trung tâm thương mại thì lại chọn ở nhà chỉ vì lo ngại khủng bố. 

Năm thứ hai liên tiếp, tăng trưởng GDP của Pháp thấp hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu, chỉ đạt 1,2% (so với 1,6% của EU).

Thất nghiệp cũng cao hơn châu Âu, ở mức 10,8% so với 10,7% trung bình của khu vực. Lời hứa cách đó đúng 1 năm của ông Francois Hollande về việc đảo ngược biểu đồ thất nghiệp xem như thất bại hoàn toàn. Cam kết với Brussels về việc đưa thâm hụt ngân sách về dưới ngưỡng 3% GDP cũng bay theo gió.

Năm 2015, thâm hụt ngân sách Pháp đạt 3,8% GDP và dự kiến lạc quan nhất thì cũng phải đến 2017, con số này mới giảm xuống mức 2,7%, dù rất nhiều người cảnh báo chi phí an ninh cho cuộc chiến chống khủng bố trội lên trong những năm tới có thể sẽ xóa tan cả dự báo lạc quan này.

Năm 2015 - Cơn ác mộng với đảng cầm quyền

Với đảng Xã hội cầm quyền, 2015 là một năm ác mộng và dù sau mỗi đợt khủng bố, uy tín của chính phủ lại tăng một chút nhưng thời gian có vẻ như đã không còn đủ đối với chính quyền của ông Francois Hollande.

Chỉ sau 1 năm rưỡi nữa, người dân Pháp sẽ lại đi bầu một Tổng thống mới và với đà xuống dốc uy tín không phanh như hiện nay, rất ít người dám đặt cược chính quyền này sẽ trụ vững sau tháng 6/ 2017. 

Tổng thống Pháp Holland tại lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố Paris đêm 12/11. Ảnh: AFP.

Từ giờ đến thời điểm đó, nước Pháp không còn một cuộc bầu cử nào nữa để sửa sai và tái thuyết phục cử tri và cứ với đà thăng tiến không ngừng của đảng cực hữu FN, vốn được nuôi dưỡng bởi sự sợ hãi và thù hận hiện nay trong xã hội Pháp, một kịch bản gây sốc năm 2017 là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Điều an ủi duy nhất với đảng Xã hội, nếu có, đó chính là các đối thủ cánh hữu, dưới sự dẫn dắt của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy vẫn đang bị ám ảnh quá nhiều vì thất bại 2012, cũng đang chia rẽ nghiêm trọng và cạn kiệt ý tưởng.

Đối với cử tri Pháp, 2015 đã là năm khủng khiếp, nhưng 2016 không hứa hẹn điều gì có thể tốt đẹp hơn./.