Taliban có thể thành lập chính phủ mới ở Afganistan?
Gần 2 ngày sau khi thủ đô Kabul, Afghanistan rơi vào tay lực lượng Taliban, vẫn chưa có thêm thông tin mới về việc đàm phán giữa các lực lượng chính trị tại nước này nhằm thảo luận hướng đi tiếp theo cho đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Có lẽ là bởi Taliban cũng có phần cảm thấy bối rối khi mà lực lượng này giành được đất nước từ chính phủ cũ một cách quá nhanh chóng và dễ dàng. Nội bộ Taliban chắc chắn đang bàn cách để làm sao tiếp quản hệ thống chính quyền cũ một cách nhanh chóng và nhịp nhàng nhất.
Chính quyền cũ ở Afghanistan giờ như “rắn mất đầu”, khi mà Tổng thống Ashraf Ghani đã ra nước ngoài lánh nạn. Chính quyền cũ cần một đại diện có uy tín và có khả năng đàm phán để tiếp tục đối thoại với Taliban. Một điều cũng không kém quan trọng nữa là việc vai trò của cộng đồng quốc tế, cụ thể là nhóm Troika mở rộng về Afghanistan gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pakistan, hoặc Liên Hợp Quốc trong các cuộc họp sắp tới. Các cường quốc thế giới cần trao đổi với nhau và với Taliban để tìm hiểu lựa chọn của Taliban khi lên nắm quyền đất nước. Các vấn đề cần thảo luận là việc sửa đổi hiến pháp, cơ cấu chính phủ, các quyền cơ bản của người dân và vai trò của luật Hồi giáo trong tổ chức nhà nước Afghanistan…
Thông tin đáng giá nhất lúc này là việc cựu Tổng thống Hamid Karzai thông báo các bên sẽ lập ra một Hội đồng Điều phối để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực được diễn ra suôn sẻ. Ông Karzai cùng Chủ tịch Hội đồng Tối cao Hòa giải Quốc gia Afghanistan Abdullah Abdullah và là trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Chính phủ trước; cùng 1 nhân vật chính trị khác là Gulbuddin Hekmatyar, lãnh đạo của đảng Hesb-i-Islami dường như sẽ là các nhân vật được trao nhiệm vụ điều hành quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Nhà đồng sáng lập và là nhà lãnh đạo chính trị của Taliban, Mullah Baradar có thể sẽ đóng vai trò lãnh đạo, cụ thể là chức vụ Tổng thống do Ashraf Ghani để lại. Các phỏng đoán khác còn cho biết Taliban hiện đã quyết định bộ khung Nội các mới.
Ngay sau khi giành được quyền quản lý đất nước ngày 15/8, Taliban cho biết sẽ không có bất cứ chính phủ lâm thời nào ở Afghanistan. Khi được hỏi về phỏng đoán cho rằng cựu Bộ trưởng Nội vụ nước này Ali Ahmad Jalali sẽ là Tổng thống lâm thời, người phát ngôn Taliban Zabiullah Mujahid cho biết Jalali không phải là ứng viên được duyệt để đứng đầu một chính phủ lâm thời nếu có. Sẽ không có cuộc đàm phán nào về chính phủ lâm thời. Những thông tin sai trái đó đều có mục đích tuyên truyền. Như vậy, có thể thấy Taliban nhiều khả năng sẽ tự quyết tương lai chính trị của đất nước.
Hiện còn quá sớm bàn tới những vấn đề phức tạp này. Mối bận tâm hiện nay là làm sao tránh một thảm họa nhân đạo với cuộc di tản của người dân Afghanistan như trong 2 ngày qua.
Afghanistan sẽ ra sao khi Taliban nắm quyền lực trở lại?
Trong tuyên bố đầu tiên sau khi tiếp quản Dinh Tổng thống Afghanistan chiều 15/8, Thủ lĩnh của Taliban Mullah Baradar tuyên bố chiến thắng của lực lượng này chỉ trong vòng 1 tuần qua là một thay đổi bất ngờ và chưa từng có trên thế giới. Trong một video trên mạng, nhân vật này cho biết phép thử thật sự giờ mới bắt đầu khi Taliban phải đáp ứng kỳ vọng của người dân và phục vụ người dân bằng cách giải quyết các vấn đề. Điều đó cho thấy Taliban hình dung ra các công việc và khó khăn trước mắt một cách rất nghiêm túc. Và có vẻ họ đã chuẩn bị cho ngày trở lại với quyền lực, Taliban phiên bản 2.0 cầm quyền tại Afghanistan. Taliban đã rút ra được bài học từ thất bại trong quá khứ
Một báo cáo của Trung tâm Nam Á, thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức có trụ sở tại Mỹ đưa ra 4 tiêu chí để đánh giá khả năng điều hành đất nước của Taliban trong tương lai. Và đây là các thước đo xem Taliban có đáng được kỳ vọng hay không. Các yếu tố đó gồm: thứ nhất, liệu Taliban có cắt đứt hoàn toàn quan hệ với al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khu vực và toàn cầu hay không? Thứ hai, họ cai trị như thế nào trong các khu vực mà họ kiểm soát? Thứ ba, quan điểm của họ về quyền của phụ nữ, quyền của người thiểu số và cách ứng xử của họ trong các mối quan hệ quốc tế đã đủ độ ‘chín’ chưa? Và cuối cùng, người Afghanistan cảm thấy và nhận thức về những thay đổi đó như thế nào?
Trong khi thế giới nhìn vào Taliban và đánh giá dựa trên các tiêu chí này, người dân Afghanistan lại trải qua những thực tế khác biệt nhau hoàn toàn. Trước tiên là một đất nước Afghanistan mới, nước Cộng hòa Hồi giáo ra đời cách đây 20 năm và được Mỹ và phương Tây bảo trợ. Chính vì vậy nó mang những tính chất của một xã hội Hồi giáo dân chủ, cởi mở hơn. Trong khi đó vẫn tồn tại một thế giới của Taliban, với những người đồng cảm và ủng hộ họ ngay bên trong đất nước Afghanistan.
Họ vẫn tin rằng Taliban rồi sẽ thắng thế và đang trên đà chiến thắng quân sự và chính trị. Điều này cuối cùng đã xảy ra, và chắc chắn Taliban sẽ phải làm hài lòng những người đã ủng hộ họ. Nhưng cùng lúc Taliban cũng phải dung nạp cả thế giới phương Tây kia. Câu hỏi đặt ra là nhóm này sẽ buộc họ phải đồng hóa hay chấp nhận một thực tế là đất nước Afghanistan dưới Chính quyền 2.0 của họ sẽ là một xã hội đa dạng, và dân chủ hơn chứ không hẳn là một tiểu vương quốc Hồi giáo như họ từng mong muốn nữa. Câu hỏi vẫn còn là liệu Taliban đã thay đổi đủ để chấp nhận một Afghanistan mới hay chưa. Đó là mấu chốt để giải quyết câu hỏi đất nước Afghanistan sẽ ra sao khi Taliban lên nắm quyền.Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Việc Mỹ rời bỏ Afghanistan, kéo theo sự sụp đổ của chính quyền Ashraf Ghani và Taliban lên nắm quyền đã mở ra một viễn cảnh mới ở khu vực Nam Á. Afghanistan hiện tại vẫn là vùng đất trung tâm như ai đó đã nói, vẫn có lực hút sự chú ý và can dự của các cường quốc.
Nhưng tiêu chí lựa chọn và chiến thuật tiếp cận của thế giới với Afghanistan đã thay đổi. Việc tính toán công nhận chính quyền do Taliban đứng đầu cũng bắt nguồn từ vấn đề này. Có hai khả năng đặt ra với thế giới khi nhìn nhận, đánh giá và ‘kết bạn’ với chính quyền Taliban thời gian tới. Thứ nhất là thế giới sẽ đánh giá Taliban dựa trên tiêu chí lợi ích. Các đối tác bắt tay Taliban tùy thuộc họ có tận dụng được gì từ mối quan hệ này không. Ví dụ như Trung Quốc đang cần tranh thủ Taliban để không biến Afghanistan trở thành nơi trú ẩn của các tay súng khủng bố ở Tân Cương.
Pakistan sẽ chọn Taliban nếu họ tiếp tục giúp sức Islamabad trong các tính toán địa chiến lược khu vực. Nga cũng sẵn sàng mở rộng vòng tay với Taliban nếu thực sự Afghanistan cam kết không dung dưỡng khủng bố, cũng như không gây ra những bất ổn với khu vực ảnh hưởng của Nga. Với Mỹ, nước này cần đảm bảo al-Qaeda hay IS sẽ không tái tập hợp trên lãnh thổ quốc gia Nam Á này. Tiêu chí thứ 2 là việc các nước sẽ chọn hợp tác với Taliban dựa trên các hệ giá trị mà họ theo đuổi. Nó tùy thuộc vào việc Taliban sẽ bớt cực đoan, hà khắc và dễ dung nạp hơn với thế giới hay không./.