Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các bên để tháo gỡ thế bế tắc trong vấn đề hạt nhân Iran đã diễn ra ngày 6/4 tại Vienna (Áo) dù được cho là tích cực, nhưng không đạt được kết quả cụ thể.
3 ngày sau cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên, dự kiến, ngày 9/4, theo giờ địa phương, tại Vienna, Áo, Iran và các cường quốc thế giới gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức sẽ có cuộc gặp trực tiếp thứ hai, trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Đáng chú ý, phái đoàn Mỹ tiếp tục tham gia gián tiếp từ một địa điểm gần nơi diễn ra đàm phán, và các nhà đàm phán châu Âu sẽ đảm nhiệm vai trò trung gian.
Trung Đông không đặt quá nhiều kỳ vọng
Hồ sơ hạt nhân Iran luôn là một trong những vấn đề nổi cộm tại chảo lửa Trung Đông. Cuộc gặp tại thủ đô Vienna của Áo trong ngày 6/4 được đánh giá là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên của các bên nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân sau gần 3 năm chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận này. Sau cuộc họp, các bên liên quan đều đưa ra những đánh giá tích cực.
Ngày 7/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đánh giá cuộc đàm phán tại Vienna đã mở ra "một chương mới" trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và nếu Washington thể hiện sự chân thành và thiện chí thì quá trình đàm phán có thể sẽ không kéo dài. Chính phủ Iran tuyên bố không lạc quan cũng không bi quan về kết quả của cuộc họp vừa qua, nhưng tự tin cho rằng đang đi đúng hướng. Đại diện Liên minh Châu Âu, Nga cũng cho rằng cuộc họp diễn ra tích cực và mang tính xây dựng.
Tuy nhiên, dư luận ở khu vực Trung Đông nhìn chung vẫn tỏ ra khá thận trọng, không kỳ vọng quá lớn vào kết quả những cuộc đàm phán bởi chưa có bên nào bày tỏ ý định sẵn sàng nhượng bộ trước. Các tuyên bố cho thấy Washington và Tehran đều không vội vàng đạt được những hiểu biết về thỏa thuận hạt nhân, do đó các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng như các động thái giảm cam kết của Iran sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều.
Đặc phái viên Mỹ về Iran, Robert Malley, cho rằng quan điểm của Tehran về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi thay đổi các hoạt động hạt nhân cho thấy sự thiếu nghiêm túc của nước này, đồng thời đánh giá các cuộc đàm phán ở Vienna chỉ là bước đầu tiên trong một chặng đường dài và khó khăn, với mục đích đưa Mỹ và Iran tuân thủ thỏa thuận. Trong khi đó, Tehran không muốn thay đổi lập trường theo nguyên tắc từng bước, mà khẳng định trước hết Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Những tính toán của Mỹ
Các cuộc đàm phán hiện nay chỉ là đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran thông qua sự trung gian của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời có sự tham dự của tất cả các bên đã ký kết Thỏa thuận Hạt nhân Iran năm 2015, thường được biết đến dưới tên gọi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Cả Mỹ và Iran đều khẳng định không có bất kỳ cuộc gặp trực tiếp nào giữa phái đoàn hai nước trong hai ngày diễn ra các cuộc thảo luận.
Trước đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố không cần phải đàm phán thêm về Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện này, bởi vì thỏa thuận và các thông số liên quan đã được đàm phán trước đây. Tuy nhiên, toan tính của Chính quyền Tổng thống Joe Biden khi cử phái đoàn đến Vienna (Áo) không chỉ dừng lại ở đó. Mỹ muốn đàm phán về một khung thời gian dài hơn cho Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện, đồng thời bắt đầu đàm phán về việc hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, hạn chế sự hỗ trợ của Tehran đối với các nước đồng minh và các lực lượng dân quân dòng Shiite trong khu vực, bao gồm cả ở Syria, Iraq và Lebanon.
Phía Mỹ hiểu rằng sự hậu thuẫn của Iran đối với các nước đồng minh và các lực lượng ủy nhiệm là một trong những nhân tố chính gây nên sự mất ổn định trên toàn bộ khu vực Trung Đông. Do vậy, Mỹ muốn thông qua vòng đàm phán lần này để hạn chế bớt ảnh hưởng của Iran đối với các nước đồng minh tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi vốn có quá nhiều bất ổn và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột vào bất cứ thời điểm nào. Theo tôi, Mỹ hiện rất cần một khu vực Trung Đông tạm lắng dịu để dồn nguồn lực cho ưu tiên chính sách đối ngoại tại các điểm nóng khác trên thế giới.
Cả Mỹ và Iran đều có những tham vọng riêng
Mặc dù, Mỹ và Iran đều bày tỏ sẵn sàng tuân thủ trở lại thỏa thuận hạt nhân nhưng những tính toán riêng của mỗi bên đang cản trở triển vọng này. Mỹ và Iran đều muốn đạt được những mục tiêu có lợi nhất cho mình. Cụ thể, Mỹ không chỉ muốn Iran từ bỏ các động thái vi phạm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mà còn muốn kéo dài thời hạn thỏa thuận và xem xét các vấn đề khác như chương trình tên lửa đạn đạo và hoạt động can dự của Iran tại khu vực.
Tuy nhiên, cả Iran, Nga và Trung Quốc đều đã tuyên bố phản đối tham vọng của Mỹ. Iran cho rằng Mỹ là bên mắc lỗi trước khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nên chính quyền Biden cần có động thái sửa sai trước bằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên Iran trước khi nước này tuân thủ trở lại.
Với quan điểm cứng rắn của cả Mỹ và Iran, sẽ khó có thể đạt được một kết quả cụ thể tại vòng đàm phán lần này, mà đây chỉ là cơ hội để hai bên thu hẹp khoảng cách trong sự hiểu biết lẫn nhau.
Sau cuộc họp đầu tiên hôm 6/4 vừa qua, các bên đã thống nhất giao cho hai ủy ban chuyên gia làm việc song song để lập danh sách các biện pháp trừng phạt mà Mỹ phải dỡ bỏ đối với Iran và danh sách các nghĩa vụ mà Iran phải quay trở lại thực hiện theo thỏa thuận.
Kịch bản có thể chấp nhận được với cả hai bên là Mỹ sớm gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt không liên quan tới thỏa thuận hạt nhân, còn Iran nhất trí không có thêm các hoạt động hạt nhân, nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho các vòng đàm phán tiếp theo./.