Những ngày gần đây, căng thẳng khu vực giữa biên giới Nga và Ukraine tiếp tục leo thang. Trong một tuyên bố cuối tuần trước, Nga tuyên bố sẽ không rút quân khỏi đây và để ngỏ khả năng sẽ hành động khi cần thiết. Trong bối cảnh căng thẳng nhanh chóng taị Donbass, Ukraine đã công khai kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đẩy nhanh tiến trình kết nạp nước này, một động thái “đổ thêm dầu vào lửa” khiến Nga tức giận.

Nguyên nhân khiến căng thẳng leo thang

Căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine không có nguyên nhân trực tiếp, mà gián tiếp bị tác động bởi sự leo thang tình hình tại miền Đông Ukraine giữa lực lượng quân đội của 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk và lực lượng của quân đội Ukraine.

Tình hình ở Donbass trở nên phức tạp hơn vào cuối tháng 2. Các vụ xả súng được ghi nhận trong khu vực hầu như mỗi ngày, bao gồm cả việc sử dụng súng cối và súng phóng lựu đạn. Các bên đã đổ lỗi cho nhau về sự leo thang căng thẳng.

Thời gian qua, có thông tin cho thấy, Ukraine tiếp tục điều lực lượng, vũ khí mới tới đường giới tuyến ở Donbass. Ukraine cũng đã thông báo kế hoạch tập trận chung với các nước thành viên NATO trên lãnh thổ nước này. Năm 2021, Ukraine có kế hoạch tiến hành 7 cuộc tập trận chung như vậy. Trong khi đó, một số nước NATO đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine và ở Biển Đen gần biên giới Nga.

Trước tình hình này, Nga đã tăng cường bố trí lực lượng đến khu vực biên giới với Ukraine. Moscow nhấn mạnh rằng, việc di chuyển của quân đội Nga trên lãnh thổ của nước này không nên gây lo ngại cho các nước khác, vì Nga không gây ra mối đe dọa cho các quốc gia khác, bao gồm cả Ukraine. Hành động của Nga nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Có một nguyên nhân được cho là có tính chất khơi mào trong việc Ukraine, Mỹ và một số nước phương Tây đang tìm cách gia tăng căng thẳng với Nga theo tất cả các hướng, đó là dự án dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga sắp hoàn thành. Ngay khi Mỹ có chính quyền mới, Ukraine đã kêu gọi Mỹ gia tăng trừng phạt lên Nga nhằm ngăn cản dự án này. Nhưng Mỹ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức - quốc gia rất cần nguồn cung khí đốt của Nga.

Ukraine công khai kêu gọi NATO đẩy nhanh tiến trình kết nạp

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Ukraine đã công khai kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đẩy nhanh tiến trình kết nạp nước này. Rõ ràng, Ukraine muốn tỏ rõ sự cứng rắn với Nga, muốn giải quyết cuộc xung đột nội bộ bằng biện pháp sức mạnh. Đồng thời, nếu gia nhập NATO, Ukraine có thể kỳ vọng vào sự hỗ trợ của các đồng minh để đương đầu trực diện với Nga trong việc giải quyết bất đồng.

Về việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, tư cách thành viên của Ukraine trong NATO có thể dẫn đến sự leo thang ở quy mô lớn tại các nước cộng hòa ly khai ở Đông Nam Ukraine và gây ra tác động không thể đảo ngược đối với Ukraine. Cũng theo phía Nga, việc Ukraine gia nhập NATO chỉ là ảo tưởng, bởi một trong những nguyên tắc để một quốc gia được nhập tổ chức này, đó là không có xung đột nội bộ, nếu không, sẽ biến NATO thành bên tham chiến.

Giải pháp được quốc tế công nhận đối với xung đột ở Ukraine là thực hiện gói thỏa thuận Minsk năm 2015, thiết lập đối thoại trực tiếp với Donetsk và Lugansk, hợp pháp hóa quy chế đặc biệt của Donbass, giải quyết các bất đồng theo định dạng bộ tứ Normandy gồm Ukraine, Đức, Pháp và Nga.

Gần đây, các nhà lãnh đạo Nga-Đức-Pháp đã có cuộc họp trực tuyến để trao đổi chi tiết về tình hình Ukraine. Hai nhà lãnh đạo Nga-Đức cũng có cuộc điện đàm, tái khẳng định không có sự thay thế nào đối với gói thỏa thuận Minsk trong việc giải quyết xung đột nội bộ Ukraine. Các chuyên gia cảnh báo, việc Kiev trì hoãn không thực hiện, nhất là tìm kiếm giải pháp quân sự khơi lại cuộc chiến ở Donbass sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, “hủy hoại” Ukraine.

Thách thức với NATO, phép thử với chính quyền Biden

Một trong những vấn đề khiến nhiều người lo lắng hiện nay là Nga sẽ can thiệp đến đâu nếu quân đội Ukraine tiếp tục dấn sâu vào vùng Donbass. Nhưng giới quan sát cũng nhận định căng thẳng Nga - Ukraine hiện nay không chỉ là thách thức với NATO mà còn là phép thử của Moscow đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Với chính sách đối ngoại của Nga, có thể khẳng định rằng, Moscow sẽ không là bên khơi mào hay châm ngòi cho những mâu thuẫn, bất đồng trong các mối quan hệ quốc tế.

Về tình hình ở Donbass, việc Mỹ công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine khiến Nga coi đó là sự khuyến khích Kiev coi thường các thỏa thuận Minsk. Hành vi như vậy của Mỹ là trái với các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đáng chú ý nữa, trong tuần này, 2 tàu chiến của Mỹ có ý định đi qua eo biển Bosphorus và tiến vào Biển Đen với lý do ngăn chặn "hoạt động quân sự được Nga tăng cường" ở biên giới Ukraine.

 Trước diễn biến này, Thượng nghị sĩ từ Crimea - ông Sergey Tsekov gọi việc điều động chiến hạm của Hải quân Mỹ là nhằm mục đích thăm dò phản ứng của Nga. Mỹ đang thể hiện sức mạnh của mình nhằm làm xoay chuyển tình hình ở Đông Nam Ukraine. 

Mới đây phó chánh văn phòng Thủ tướng Nga Dmitry Kozak đã tuyên bố, Nga không có ý định "chiếm lãnh thổ" của Ukraine hoặc tước bỏ chủ quyền của nước này. Ông tin rằng, cuộc xung đột ở Donbass có thể được giải quyết trong 1 năm, nếu tất cả những người tham gia hoàn thành nghĩa vụ của họ. Tuy nhiên, theo ông Kozak, trong trường hợp nối lại các hành động thù địch quy mô lớn ở Donbass, Nga sẽ buộc phải bảo vệ công dân của mình. Đến tháng 2/2021, hơn 600.000 cư dân của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng (DPR và LPR) đã nhận được hộ chiếu Nga.

Khả năng đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và Ukraine?

Nhà khoa học chính trị, nguyên lãnh đạo Vụ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng "Nước Nga thống nhất" Oleg Ignatov nhận định rằng, việc nối lại các hành động thù địch ở Donbass là có thể xảy ra, vì vẫn không có cơ chế nào có thể ngăn chặn điều này: không có lực lượng gìn giữ hòa bình, một thỏa thuận ngừng bắn bình thường, các bên không liên lạc trực tiếp với nhau và bất kỳ phát súng nào cũng gây ra đòn trả đũa...

Hậu quả của việc khơi lại cuộc chiến ở đây đã được các chuyên gia cảnh báo. Tuy nhiên, nếu nói về nguy cơ nổ ra chiến tranh với Nga thì theo ông Andrey Kortunov, Tổng giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, việc gia tăng lực lượng của Nga đến biên giới với Ukraine chỉ là động tác tâm lý từ Điện Kremlin, một nỗ lực nhằm gây áp lực lên Kiev. Còn nếu nói về một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và Ukraine, thì cả hai bên sẽ cố gắng hết sức để tránh một kịch bản như vậy, vì sẽ có những hậu quả rất khó lường.

Giám đốc chi nhánh Ukraine của Viện các nước SNG Denis Denisov cũng cho rằng, sự trầm trọng của tình hình hiện nay chỉ là ở bình diện thông tin, chứ không phải trên thực tế. Theo ông, không có lý do khách quan nào dẫn đến xung đột giữa Ukraine và Nga lúc này, nếu nhìn vào cường độ các cuộc pháo kích vào Donbass, thì có thể thấy rằng nó hiện đang ở mức thấp./.