Cuộc tập trận “bất thường”
Một cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc, với 10 tàu chiến di chuyển quanh hòn đảo chính của Nhật Bản, được cả hai nước này tuyên bố là một hình thức đảm bảo sự ổn định trong khu vực biến động này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, cuộc tập trận trên có thể phản tác dụng, dẫn đến nguy cơ châm ngòi cho những căng thẳng khu vực.
Trong cuộc tuần tra đầu tiên của hải quân Nga - Trung ở Tây Thái Bình Dương, các tàu chiến đã đi qua Eo biển Tsugaru chia cách đảo chính của Nhật Bản với đảo Hokkaido ở phía Bắc, trước khi tiến xuống bờ biển phía Đông của nước này và sau đó quay trở lại hướng Trung Quốc qua Eo biển Osumi ở phía Nam đảo Kyushu của Nhật Bản.
Mặc dù các tàu nước ngoài được phép đi qua các eo biển Osumi và Tsugaru, vốn được coi là những vùng biển quốc tế, nhưng những động thái của Nga và Trung Quốc đã được Nhật Bản theo dõi sát sao,
"Điều này càng củng cố kết luận mà Nhật Bản đưa ra rằng, Trung Quốc đại diện cho mối đe dọa với Nhật Bản và vì thế, Tokyo phải tăng cường ngân sách quốc phòng cũng như sẵn sàng đối phó với việc này", Drew Thompson, cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho hay.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã gọi hoạt động này là "bất thường". Các đội tàu của Nga và Trung Quốc gồm có 10 tàu chiến mà mỗi nước sở hữu 5 tàu, cùng một nhóm các tàu khu trục và tàu hộ tống khác nhau.
Theo quân đội Trung Quốc, hải quân 2 nước đã chia nhau di chuyển trên biển Hoa Đông ngày 23/10.
“Cuộc tập trận và tuần tra chung này đã thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung - Nga trong kỷ nguyên mới, cải thiện hiệu quả khả năng tiến hành các chiến dịch chung của 2 bên, vốn mang lại lợi ích trong việc duy trì sự ổn định chiến lược trong khu vực và quốc tế", Chuẩn Đô đốc Bai Yaoping thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đồng thời là phó chỉ huy hải quân bình luận.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, mục đích của cuộc tuần tra chung là "giương cao lá cờ Nga - Trung, duy trì hòa bình và sự ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như bảo vệ các phương tiện phục vụ hoạt động kinh tế biển của hai quốc gia".
Nhật Bản “đứng ngồi không yên”
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã leo thang những năm gần đây liên quan đến các tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.
Vấn đề Đài Loan cũng là tâm điểm căng thẳng trong quan hệ hai bên khi Trung Quốc điều hàng chục chiến đấu cơ gần vùng lãnh thổ này. Các quan chức Nhật Bản trước đó đã chỉ ra mối liên hệ giữa tình hình an ninh ở Đài Loan (Trung Quốc) với Nhật Bản khi cho biết, 90% năng lượng của Nhật Bản được nhập khẩu qua các khu vực xung quanh Đài Loan (Trung Quốc).
Mặc dù chi tiêu quân sự của Nhật Bản ít hơn so với Trung Quốc nhưng nước này đang thúc đẩy mạnh mẽ khả năng phòng thủ của mình từ việc mua thêm tiêm kích F-35 hiện đại cho tới sắm sửa các tàu chiến và tàu sân bay.
Nhật Bản cũng đang trong quá trình mua thêm các tàu khu trục công nghệ cao và tàu ngầm - tất cả đều nhằm thể hiện quyền lực ở ngoài khơi nước này. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã làm rõ lập trường trên khi một trong những tàu chiến sẽ được trang bị để mang các tiêm kích F-35, tiến hành các cuộc tập trận song phương với nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông.
Mùa hè vừa qua, hải quân Nhật Bản cũng tham gia cùng các đối tác trong Nhóm Tác chiến tàu sân bay Anh 21, dẫn đầu là tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, cùng với các tàu chiến của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Bắc Kinh đã theo sát những động thái này và sự tham gia của các đội tàu Nga là dấu hiệu từ Trung Quốc cho thấy, nước này cũng có các đối tác, Alessio Patalano, giáo sư về chiến tranh và chiến lược tại Cao đẳng Hoàng gia London nhận định.
"Mùa hè này, hải quân Mỹ và các đối tác đã tăng cường đáng kể mức độ tương tác ở phía tây Thái Bình Dương. Vì thế, cuộc tập trận chung này dường như là phản ứng của Trung Quốc trước động thái trên", chuyên gia Alessio Patalano cho hay.
Nga và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác về quân sự và tiến hành một loạt các cuộc tập trận chung, đáng kể nhất là Vostok 2018 - một cuộc chiến giả định mà theo đó, liên minh Nga - Trung phối hợp chống lại kẻ thù giả tưởng.
Hồi tháng 8, Nga và Trung Quốc từng một lần nữa sử dụng trung tâm chỉ huy và hệ thống điều khiển chung khi quân đội Nga hợp nhất với các đội hình của Trung Quốc, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vào thời điểm đó cho hay.
Không chỉ là một cuộc tuần tra chung
Lộ trình của cuộc tuần tra chung Nga - Trung qua Eo biển Osumi ở cuối hành trình, cũng như qua Eo biển hẹp Tsugaru giữa đảo chính Honshu và đảo Hokkaido của Nhật Bản, đã thu hút nhiều sự chú ý.
Trong khi các tàu chiến của Nga và Trung Quốc không vi phạm luật pháp quốc tế thì những hình ảnh từ một chương trình tin tức phát sóng trên kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc đã cho thấy chúng tiến gần như thế nào đến lãnh thổ Nhật Bản.
Peter Dutton, chuyên gia về các hoạt động hàng hải của Trung Quốc tại Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định ngày 24/10 rằng, cuộc tuần tra chung của Nga và Trung Quốc được coi là một thông điệp gửi tới Nhật Bản và Mỹ. Cuộc tuần tra này "hợp pháp nhưng không cần thiết và vì thế được tiến hành nhằm gửi đi một tín hiệu có chủ ý".
Các chuyên gia đều cho rằng, Trung Quốc có được lợi ích khi duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga, đặc biệt là giữa căng thẳng với Mỹ.
Trung Quốc đã nhận được các kinh nghiệm và phương tiện quân sự đáng kể từ Nga, đồng thời, 2 thập kỷ duy trì mối quan hệ tốt đẹp này đã "mang đến cho Trung Quốc một không gian chiến lược" để tập trung vào Tây Thái Bình Dương. Vì thế, "việc tiếp tục quan hệ này sẽ nằm trong lợi ích dài hạn của Trung Quốc", Toshi Yoshihara, học giả cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách Chiến lược nhận định đầu năm nay.
Lợi thế của Trung Quốc có lẽ sẽ khiến nước này quyết đoán hơn trên trường quốc tế nhưng "Bắc Kinh sẽ cẩn trọng để không quá lấn át trong quan hệ với Nga, chừng nào mà nước này còn cần Moscow như một đồng minh địa chính trị nhằm đối phó với Mỹ", Artyom Lukin, học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông Nga đánh giá.
"Trong tương lai gần, tôi nghĩ sẽ không có bất kỳ xung đột hay 'điểm cháy' nào phá hủy nghiêm trọng quan hệ Nga - Trung. Điều đó chủ yếu bởi họ đều có một đối thủ chung - chính là Mỹ", ông Lukin bình luận với Insider.
Các quan chức quân đội Mỹ thể hiện mối lo ngại về sự hợp tác Nga - Trung song cho rằng mối quan hệ này chỉ là "bề nổi".
"Nhìn chung, chúng tôi không có vấn đề gì với các cuộc tập trận quân sự. Chúng tôi vẫn thường tiến hành các cuộc diễn tập như vậy", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho hay.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Chúng tôi có rất nhiều mối quan hệ như vậy. Chúng tôi tin rằng, những liên minh và đối tác này là sức mạnh thực chất mà Mỹ sở hữu".
Nga và Trung Quốc không thiết lập liên minh chính thức nhưng các quan chức của cả hai nước, trong đó có Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thường sử dụng những ngôn từ tích cực để miêu tả mối quan hệ này./.