Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cho biết, EU đã nhập khẩu 35 tỷ euro năng lượng Nga kể từ khi xung đột quân sự xảy ra. Năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 25% dầu từ Nga.
EU có kế hoạch cấm hoàn toàn việc nhập khẩu than của Nga nhưng lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ tháng 8 và giá trị của than kém xa so với dầu và khí đốt.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã hối thúc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga và đưa ra thời hạn chấm dứt việc nhập khẩu khí đốt từ nước này.
Một số quốc gia EU đã đưa ra lời phản hồi đề nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về việc loại bỏ dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Áo
Áo đã bác bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.
“Nếu các biện pháp trừng phạt này ảnh hưởng đến bản thân chúng ta nhiều hơn so với các lệnh trừng phạt khác, tôi nghĩ đó không phải là hướng đi đúng đắn”, Bộ trưởng Tài chính Áo Magnus Brunner nói.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer hy vọng EU sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng ông bảo vệ sự phản đối của quốc gia đối với việc cắt nguồn cung khí đốt từ Moscow.
Bỉ
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nhằm vào Nga để gây ảnh hưởng đến Điện Kremlin.
Ông De Croo nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuyển đổi năng lượng và chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, song không kêu gọi lệnh cấm vận.
“Các biện pháp trừng phạt đưa ra luôn phải có tác động nhiều hơn đối với phía Nga so với chúng ta”, nhà lãnh đạo Bỉ nói.
Bulgaria
Bulgaria phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga và thỏa thuận với Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom cung cấp gần như tất cả các nhu cầu của đất nước.
Tuy nhiên, vào tháng 3, chính phủ Bulgaria cho biết sẽ không tổ chức các cuộc đàm phán về việc gia hạn hợp đồng 10 năm sẽ hết hạn vào cuối năm 2022, để phù hợp với chiến lược của EU.
Phó Thủ tướng Bulgaria Assen Vassilev nói rằng nước này sẽ xem xét các nguồn cung thay thế khác. Một đường ống mới với Hy Lạp sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022 và Bulgaria đã đạt được thỏa thuận nhận thêm khí đốt từ Azerbaijan.
Cộng hòa Séc
Theo Hội đồng Phân tích Kinh tế Pháp, Cộng hòa Séc là một trong những quốc gia EU sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh cấm vận hoàn toàn đối với năng lượng Nga. Các chuyên gia cho rằng một lệnh cấm hoàn toàn năng lượng của Nga có thể tác động đến 1% sản lượng kinh tế của Cộng hòa Séc.
Chính phủ Séc cho biết họ đang lên các kế hoạch dự phòng cho tất cả các tình huống, bao gồm cả trường hợp nguồn cung năng lượng từ Nga bị cắt.
Đan Mạch
Đan Mạch là một trong những quốc gia châu Âu đi đầu trong việc kêu gọi chuyển đổi xanh để chấm dứt sự phụ thuộc của lục địa này vào nhiên liệu hóa thạch Nga.
Đan Mạch cũng đang tìm kiếm các nguồn cung khí đốt thay thế. Dự án Baltic Pipe, một đường ống dẫn khí đốt kết nối các mỏ ở thềm lục địa Na Uy ở Biển Bắc với Ba Lan qua Đan Mạch, sau 9 tháng bị đình chỉ do lo ngại về tác động đối với động vật hoang dã, đã được tiếp tục cấp giấy phép xây dựng sau khi Nga triển khai hoạt động quân sự ở Ukraine.
Pháp
So với các nền kinh tế lớn khác của châu Âu, Pháp không phụ thuộc nhiều vào khí đốt và dầu mỏ của Nga. So với Đức và Italy, những nước nhập khẩu từ 40-50% khí đốt từ Nga, thị phần khí đốt của Nga tại Pháp là 25%. Nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của Pháp là Na Uy, chiếm 35%.
Pháp đã thể hiện sự ủng hộ việc cấm nhập khẩu dầu của Nga. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói với CNN rằng nước này “sẵn sàng đi xa hơn và quyết định lệnh cấm đối với dầu Nga”.
Đức
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là một trong những quốc gia dè dặt nhất trong việc xem xét lệnh cấm vận toàn bộ đối với năng lượng của Nga. Thủ tướng Olaf Scholz đã cảnh báo việc cắt giảm đột ngột năng lượng Nga sẽ khiến “toàn bộ châu Âu rơi vào suy thoái”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, nước này đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga kể từ khi xảy ra chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ông Habeck cho biết, nhập khẩu dầu của Nga từ Đức đã giảm từ 35% xuống 25% và nhập khẩu khí đốt giảm từ 55% xuống 40%.
Ireland
Ireland không bị phụ thuộc trực tiếp vào năng lượng của Nga. Nước này không nhập khẩu bất kỳ khí đốt tự nhiên nào từ Nga vì có mỏ khí đốt riêng ở ngoài khơi County Mayo. Phần khí đốt còn lại, chiếm khoảng 70%, được nhập khẩu từ Anh.
Một phần do không phụ thuộc vào năng lượng Nga, chính phủ Ireland đã có lập trường kiên quyết chống lại Moscow, ủng hộ các biện pháp trừng phạt của EU.
Ireland đã ủng hộ mạnh mẽ việc cắt bỏ tất cả năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Italy
Italy, một nền kinh tế lớn khác của EU, đã gia tăng sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong những năm qua khi nước này chuyển hướng từ bỏ than đá. Các quan chức Italy cho biết, Nga cung cấp 38% lượng khí đốt tự nhiên được sử dụng cho điện và cho ngành công nghiệp nặng, bao gồm cả các nhà máy thép và giấy.
Bộ trưởng Ngoại giao Luigi Di Maio, người đã đi đến các nước sản xuất năng lượng để tìm kiếm giải pháp thay thế, nói rằng “Italy không thể phủ quyết các lệnh trừng phạt liên quan đến khí đốt của Nga”.
Ngày 11/4, Italy đã ký một thỏa thuận với Algeria để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Algeria hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của Italy, cung cấp 21 tỷ mét khối khí đốt cho nước này.
Các nước Baltic
Estonia đã đồng ý cắt tất cả nguồn cung khí đốt và dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay. Điều này thống nhất với các nước Baltic khác là Litva và Latvia, những quốc gia tuyên bố đã ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga kể từ đầu tháng 4.
Latvia tuyên bố không còn phụ thuộc vào khí đốt và dầu nhập khẩu của Nga. Chính phủ nước này đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt liên quan đến năng lượng đối với Nga.
Thủ tướng Latvia Arturs Karins cho biết, các nước EU khác nên coi các lệnh trừng phạt như một cách để ngăn chặn cuộc chiến ở Ukraine.
Ngày 2/4, Litva cho biết đã ngừng hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga, trở thành quốc gia đầu tiên trong EU cắt đứt liên kết năng lượng với Moscow.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Dainius Kreivys, Litva là “quốc gia EU đầu tiên giành được độc lập khỏi khí đốt của Nga”.
Luxembourg
Luxembourg hiện đang bị chia rẽ về việc có nên tiếp tục nhập khẩu khí đốt và dầu của Nga hay không.
Tuy nhiên, Luxembourg cho rằng họ đã chuẩn bị cho một lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga có thể xảy ra trên toàn EU.
Trong một tuyên bố chính thức, chính phủ Luxembourg cho biết phải giảm bớt “sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga” và không nên loại trừ biện pháp trừng phạt nào.
Hà Lan
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố Hà Lan không thể cắt đứt tất cả nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch từ Nga, nói rằng họ “cần nguồn cung cấp” và đây là “sự thật rất khó khăn”.
Mặc dù hạ viện đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với nhập khẩu năng lượng của Nga, Financiele Dagblad, một tờ báo tài chính Hà Lan, cho rằng quyết định này sẽ tàn phá đến nền kinh tế nước này.
Chính phủ Hà Lan cho biết họ sẽ “đưa ra kế hoạch trước cuối tháng 4 để loại bỏ dần khí đốt, dầu và than của Nga”. Hà Lan cũng nhấn mạnh các biện pháp mà nước này đã thực hiện để giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga như tổ chức chiến dịch tiết kiệm năng lượng./.