Hội nghị quốc tế đầu tiên của Taliban
Các đại diện của Taliban đã tham dự hội nghị quốc tế đầu tiên kể từ khi nắm quyền ở Afghanistan hồi tháng 8. Đây là sự kiện tại Moscow, tập trung các quan chức cấp cao từ Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác. Taliban hiện đang đối mặt với sức ép thành lập một chính phủ bao trùm hơn và theo đuổi chính sách thân thiện với các nước láng giềng của Afghanistan.
Trong một thông báo được đưa ra sau các cuộc trao đổi ngày 20/10, các bên tham gia đã thể hiện mối lo ngại về những hành động của các tổ chức khủng bố tại Afghanistan và kêu gọi thiết lập sự hợp tác với quốc gia này bất kể cộng đồng quốc tế có công nhận Taliban là chính phủ mới của Afghanistan hay không.
"Sự hợp tác thực tế với Afghanistan phải được xây dựng dựa trên thực tế mới - đó là Taliban đã nắm quyền kiểm soát đất nước này", thông báo trên cho hay.
Những bên tham gia hội nghị, gồm cả các quan chức cấp cao từ Pakistan, Iran, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã hối thúc cộng đồng quốc tế tập trung nỗ lực cung cấp hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ kinh tế khản cấp cho Afghanistan.
Amir Khan Muttaqi, Ngoại trưởng lâm thời của Afghanistan cho biết, Taliban cam kết xây dựng một chính phủ bao trùm và điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn trong tương lai gần.
"Những cải cách đang diễn ra. Sự thay đổi sẽ xuất hiện trong chính quyền này", ông Muttaqi thông tin tới báo giới sau cuộc trao đổi.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định với những bên tham gia hội nghị rằng, Moscow thừa nhận Taliban đang nỗ lực ổn định tình hình đất nước và "hài lòng với mức độ hợp tác thực tế với các nhà chức trách Afghanistan", điều sẽ đảm bảo an ninh của công dân Nga sinh sống tại Afghanistan cũng như hoạt động của đại sứ quán Nga và đại sứ quán của những nước khác tại Kabul, hãng thông tấn Nga Interfax cho hay.
Nga đang nỗ lực cân bằng quan hệ với Talibanthông qua việc duy trì quan hệ tốt đẹp với chính quyền mới ở Kabul, đồng thời ngăn dòng người tị nạn tràn sang biên giới và phong trào Hồi giáo vực đoan giành được ưu thế tại Afghanistan.
Cho Taliban tính hợp pháp nhưng không cho sự công nhận
Các nhà phân tích đánh giá, kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan giữa bối cảnh Mỹ rút quân trong hỗn loạn, việc tiến hành một chiến lược hợp tác với giới lãnh đạo mới ở Kabul đã trở thành ưu tiên ngày càng gia tăng với điện Kremlin khi Nga cố gắng duy trì sự ổn định chính trị tại quốc gia Tây Nam Á này.
Hành động cân bằng này diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau.
Không giống nhiều nước phương Tây khác, Đại sứ Nga đã nhanh chóng gặp các đại diện Taliban vài ngày sau khi họ nắm quyền. Nga vẫn duy trì đại sứ quán ở Kabul. Moscow cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt đóng băng hơn 9 tỷ USD dự trữ của Afghanistan trong các tài khoản nước ngoài và tài trợ cho những nỗ lực cứu trợ nhân đạo.
Trên thực tế, Nga chính thức đưa Taliban vào danh sách khủng bố nhưng vẫn mời họ tới cuộc trao đổi ngày 20/10, một sự kiện còn có sự tham gia của cả Ấn Độ, Pakistan, Iran và Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này không tham gia hội nghị trên vì những lý do riêng.
"Những gì Nga muốn thể hiện là duy trì quan hệ vững chắc với chính quyền mới ở Afghanistan", Samuel Ramani, một học giả tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh - một think tank về an ninh và quốc phòng có trụ sở tại London cho hay.
"Đây là một cách nhằm 'chiều lòng' Taliban, cho họ tính hợp pháp nhưng không cho họ sự công nhận".
Ông Ramani cũng đánh giá, Nga muốn trở thành một nhà trung gian hòa giải hiệu quả giữa Taliban và các lực lượng đối lập ở Afghanistan cũng như các quốc gia khác, đồng thời ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại những khu vực ảnh hưởng truyền thống của Moscow.
"Các cuộc tiếp xúc trực tiếp nhằm hướng đến việc hiểu rõ hơn về những điều đang xảy ra ở đất nước này, các ý định của Taliban, cũng như những kế hoạch của họ về trung và dài hạn", người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết.
Mối lo ngại chính của Nga hiện nay vẫn là ngăn Afghanistan trở thành căn cứ của các nhóm khủng bố.
"Từ quan điểm của Nga, Taliban giống như đang trong thời gian tập sự. Họ được trao cho cơ hội để giải quyết các vấn đề Afghanistan, hoàn thành các cam kết của mình và ngăn chặn các nhóm khủng bố", Andrey Kazantsev, chuyên gia về Afghanistan và Trung Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Moscow cho hay.
Trong buổi khai mạc cuộc họp ngày 20/10, Ngoại trưởng Lavrov nhận định, Moscow đang kêu gọi Taliban không sử dụng lãnh thổ Afghanistan như một bàn đạp cho các hành động tấn công các nước láng giềng", hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin.
Ông Muttaqi khẳng định, Taliban sẽ tuân thủ các cam kết để Afghanistan không trở thành khu vực gây ra mối đe dọa cho các nước khác.
Trước đó, Tổng thống Putin cho rằng, mặc dù cần có sự trao đổi với Taliban nhưng Nga không vội công nhận chính quyền mới ở Afghanistan. Nhà lãnh đạo này cũng nhận định, mục tiêu chính của Moscow là đưa tình hình chính trị và kinh tế ở Afghanistan trở lại bình thường, cũng như hạn chế những bất ổn ở biên giới.
Điện Kremlin cũng đặc biệt quan tâm đến những tác động với Tajikistan, quốc gia chia sẻ gần 1.500 km biên giới với Afghanistan. Mối quan hệ giữa 2 quốc gia này nhanh chóng xấu đi kể từ khi Taliban nắm quyền.
Hiện có hơn 15.000 người Afghanistan tị nạn ở Tajikistan, với khoảng 500 - 600 người muốn vượt biên mỗi ngày, Saimumin Yatimov, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Tajikistan cho hay.
Nga cũng lo ngại dòng người tị nạn tràn sang các nước Trung Á có thể tạo nên vỏ bọc cho các nhóm phiến quân Hồi giáo thâm nhập vào các quốc gia này.
"Bất kể ý định là gì, chiến thắng của Taliban đã trở thành 'cảm hứng lớn' cho các nhóm Hồi giáo cực đoan khác ở Afghanistan", ông Kazantsev nhận định.
Sau khi Taliban nắm quyền, Moscow đã tổ chức tập trận quân sự ở Tajikistan và tăng cường lực lượng tại căn cứ quân sự thứ 201 ở đây. Theo Tass, đây là cơ sở quân sự lớn nhất của Nga bên ngoài biên giới. Liên minh an ninh do Nga dẫn đầu gồm Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan hiện cũng đang tập trận ở Tajikistan gần biên giới với Afghanistan./.