Hôm 14/2, các hãng truyền thông của Mỹ đã khiến dư luận dậy sóng khi đăng tải phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskynói rằng: “Chúng tôi được thông báo ngày 16/2 sẽ là ngày xảy ra một cuộc tấn công”.
Người phát ngôn của ông sau đó cho biết, ông đã đưa ra phát biểu trên sau khi tham khảo các thông tin trên phương tiện truyền thông. Còn một số nhà báo thì cho rằng ông Zelensky – vốn là một cựu diễn viên hài, có lẽ đang nói đùa.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Ukraine được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ và châu Âu cố gắng dự đoán những diễn biến tiếp theo trong cuộc khủng hoảng Ukraine và đến nay vẫn chưa rõ liệu một cuộc chiến tranh có xảy ra hay không. Trước đó, thông tin tình báo do Mỹ thu thập cho rằng Nga có thể hành động quân sự vào ngày 16/2, dàn dựng một vụ tấn công "cờ giả" để đổ lỗi cho Ukraine nhằm có cớ tấn công.
Nga được cho là đang tập hợp 130.000 binh sỹ dọc biên giới với Ukraine và nước này đã yêu cầu phương Tây đưa ra một số nhượng bộ nhất định để giảm leo thang căng thẳng. Moscow đã phủ nhận mọi cáo buộc về việc có kế hoạch tấn công Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và đồng minh – trong đó có cuộc điện đàm hôm 12/2 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin vẫn chưa mang lại bất cứ giải pháp này. Hiện, thế giới đang hồi hộp theo dõi và nỗ lực giải mã từng đường đi nước bước của các bên.
Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng, Tổng thống Putin có thể đợi đến sau Thế vận hội mùa Đông tại Bắc Kinh mới tấn công Ukraine, để tránh làm gây mất lòng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thời tiết mùa Đông lạnh giá ở khu vực biên giới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho xe tăng Nga di chuyển.
Nhưng cuối tuần qua, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo, cuộc tấn công sẽ sớm xảy ra, nghĩa là trước khi Thế vận hội kết thúc. Phát biểu mà Tổng thống Zelensky đưa ra về thời hạn cụ thể xảy ra cuộc tấn công có thể chỉ là một lời nói đùa, nhưng điều đó cho thấy căng thẳng ngày càng gia tăng.
Cách đây 10 ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ phát biểu với báo chí rằng, Nga có thể dàn dựng một video về hậu quả của một vụ nổ sử dụng thiết bị của Ukraine hoặc các quốc gia đồng minh để làm cớ tiến đánh Kiev. Các quan chức của chính quyền Biden đã cố gắng chỉ rõ thời điểm đáng lo ngại này và cho biết, Mỹ đang làm mọi thứ để ngăn chặn chiến tranh. Nhưng ngay cả khi công bố thông tin này trước công chúng, chính quyền Mỹ vẫn chưa chia sẻ những bằng chứng xác thực.
Ông Matt Lee, nhà báo kỳ cựu của AP tỏ ra hoài nghi về cảnh báo này. Trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Matt Lee đã hỏi người phát ngôn Ned Price rằng bằng chứng nào cho thấy Nga sẽ thực hiện hành vi như vậy. Ông Ned Price trả lời, việc ông cung cấp thông tin tình báo như vậy cho báo chí chính là bằng chứng.
“Chúng tôi đang cố gắng ngăn cản Nga thực hiện cuộc tấn công. Đó là lý do tại sao chúng tôi công khai thông tin này. Nếu bạn nghi ngờ về độ tin cậy của chính phủ Mỹ, của chính phủ Anh, của các chính phủ khác, và muốn tìm kiếm sự xác thực trước những trước thông tin mà người Nga đang cố gắng dập tắt, hãy tự làm điều đó”.
Một tuần sau, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Nhiều khả năng ông Vladimir Putin sẽ ra lệnh thực hiện một hành động quân sự và tấn công Ukraine trong thời gian này, có thể là trước ngày 20/2, trước khi Thế vận hội Bắc Kinh kết thúc”.
Nếu như Nhà Trắng xoáy sâu vào khả năng Nga tấn công Ukraine, thì tại châu Âu lại là một bức tranh hoàn toàn khác. Một quan chức của Anh nói rằng: “Chúng tôi có cách giải thích khác về thông tin tình báo nói về vụ tấn công ngày 16/2”. Trong khi đó, 2 nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu cũng đưa ra quan điểm hoài nghi, nói rằng: “Họ không tin điều này sẽ xảy ra. Nếu xung đột nổ ra, thì đây sẽ là sai lầm lớn của Tổng thống Putin. Cái giá phải trả sẽ rất đắt. Ukraine sẽ chống lại họ bằng mọi cách”.
Khi được hỏi liệu một cuộc tấn công có sắp xảy ra hay không, quan chức cấp cao của một quốc gia ở Đông Âu nói rằng điều này “rất khó đoán” và nhấn mạnh, “điều cần thiết là phải chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt, cũng như sự phối hợp và thống nhất trong phản ứng của châu Âu”.
Vẫn chưa ai biết được ý định thực sự của Tổng thống Putin. Đến nay tất cả các dự đoán mà phương Tây đưa ra hầu như dựa vào những thông tin một chiều. Một số nhà quan sát cho rằng, Mỹ có thể đang phóng đại mối đe dọa từ Nga bằng cách chia sẻ thông tin của riêng nước này và cung cấp chúng cho truyền thông phương Tây nhằm cố gắng hạ bệ uy tín của Moscow.
Tin tức về kế hoạch tấn công của Nga được đưa ra vào thời điểm tỷ lệ ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Biden đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Do đó các quan chức Mỹ ngày càng chịu áp lực nhiều hơn trong việc vén màn thông tình báo của họ.
Dan Lomas, chuyên gia nghiên cứu tình báo và an ninh tại Đại học Brunel ở London cho biết: “Trong chiến tranh Lạnh, các cơ quan quan tình báo phương Tây sẽ thu thập, phân tích và cung cấp thông tin cho các chính phủ. Chính phủ sẽ sử dụng thông tin này để đưa ra phản ứng hoặc chính sách phù hợp. Hiện giờ, chúng ta đang ở trong thời điểm có rất nhiều mối đe dọa, có rất nhiều thông tin nhiễu loạn, vì thế cần phải có bằng chứng tin cậy để tạo nền tảng cho chính sách mà các nền dân chủ tự do đang thực hiện”.
Dự đoán có thể đúng hoặc có thể sai nhưng có một điều ai cũng hiểu rõ là nếu chiến tranh nổ ra thì đây sẽ là một thảm họa. Cuộc chiến này sẽ định hình lại vai trò của Nga ở châu Âu, làm dấy lên nhiều cầu hỏi đối với vai trò lãnh đạo của chính quyền Biden trong việc điều hành nước Mỹ trước cuộc bầu cử giữa kỳ 2022, khiến đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ ngày càng chia rẽ. Nghiêm trọng hơn, số người thương vong có thể cao hơn so với con số thương vong trong cuộc xung đột tại Ukraine năm 2014./.